Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 19/04/2024 | 17:43 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Nghiên cứu đào tạo

Kỳ 1: Đời dự án - Ngũ vị tạp trần

27/04/2023
Những năm qua, Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 luôn đứng trên “đầu sóng ngọn gió”, nhận được sự “quan tâm” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của hệ thống chính trị cũng như dư luận xã hội. Đến nay, có cả trăm câu chuyện, hàng ngàn số phận liên quan đến dự án này mà rất ít người biết đến. Ấy vậy nhưng chỉ cần “túm” bất cứ một người nào từ dự án mà hỏi thì tựu chung sẽ nhận được câu trả lời rằng đủ “ngũ vị tạp trần”.
Dự án NMNĐ Thái Bình 2 được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) “nhận lại” từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, dự án phải đối mặt với nhiều khó khăn khách quan không thể lường trước được khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng khá lớn.

Xử lý nền đất tại Dự án NMNĐ Thái Bình 2.
NMNĐ Thái Bình 2 được đặt trên vùng đất quê lúa, được ví như cái nôi của ngành Dầu khí Việt Nam, nơi có truyền thống cách mạng bất khuất và… khó khăn. Bởi vậy, dự án này được gắn với rất nhiều kỳ vọng như tạo nguồn lực phát triển cho địa phương, đảm bảo an ninh năng lượng cho vùng châu thổ sông Hồng, tăng năng lực cho các nhà thầu Việt Nam…
Nhắc đến dự án, trước tiên phải nói về điều kiện tự nhiên, địa chất nơi được lựa chọn đặt nhà máy. Để một dự án thành công, một nhà máy bền vững thì phải xử lý nền, móng cọc chắc chắn, đạt tiêu chuẩn quốc tế nên phải có nhiều giải pháp đặc thù, triển khai thử nhiều lần trong thực tế mới xử lý được.
Thêm vào đó, dự án đã chính thức được phê duyệt thực hiện trong bối cảnh nước ta chưa từng có một dự án tương tự được triển khai trước đó. Bởi vậy, những vấn đề về giá thi công, thiết bị hoàn toàn được làm theo kiểu “bắt bệnh - bốc thuốc”. Mặt khác, những yếu tố khách quan như biến động giá, thay đổi thị trường…, khối lượng công việc thực tế so với thiết kế tiền khả thi đều có chệnh lệch lớn. Đặc biệt, hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và tổng thầu là hợp đồng EPC trọn gói. Điều này có nghĩa theo luật là không thay đổi được, cộng với chủ trương phát triển nhà thầu xây lắp trong nước, tạo cơ hội cho nhà thầu nâng cao năng lực, học tập công nghệ… khiến khó khăn, vướng mắc của dự án ngày càng trầm trọng thêm.
Đơn cử như chuyện về xử lý nền, móng của dự án cũng lắm chuyện khó lường. Vẫn biết, tại các nền đất vùng ven biển rất yếu, ngập nước cần phải xử lý công phu. Nhưng thực tế tại Mỹ Lộc - Thái Thụy, việc xử lý nền còn phức tập hơn rất nhiều. Chỉ trong cùng một đài móng có diện tích mặt bằng vỏn vẹn hơn chục mét vuông nhưng khi ép cọc, có chỗ chỉ cần khoan 6m là cứng ngắc, có chỗ phải khoan đến 20m mới gặp nền đá cứng. Chưa hết, móng cọc chỉ cần dừng một tiếng đồng hồ là bị kẹt, không thể đóng lại được.
Bởi vậy, những kỹ sư xây dựng tại dự án đã phải triển khai đồng bộ các giải pháp ép cọc như chọn cọc vuông, ép liên tục, ép đồng thời trên từng nhóm móng cọc cho các công trình chịu trọng tải lớn như nhà turbine, máy phát, ống khói… để đảm bảo tiến độ dự án. Theo ước tính của Ban Quản lý Dự án (QLDA) Điện lực Dầu khí Thái Bình 2, chỉ tính riêng hạng mục xử lý nền móng của dự án NMNĐ Thái Bình 2 đã khiến chi phí dự án đội lên hàng trăm tỉ đồng.

Thi công móng cọc là thách thức lớn đầu tiên khi triển khai dự án.
Ngay sau việc xử lý nền móng là thời tiết khắc nghiệt của khu vực ven biển, vùng sâu vùng xa của khu vực huyện Thái Thụy. Đây là vùng sình lầy cửa sông Thái Bình, nguồn lợi về cá tôm, nông nghiệp cực thấp. Vốn dĩ khu vực này không hề có đường quốc lộ hay đường tỉnh lộ mà chỉ có đường liên xã hay nói chính xác là chỉ có đường đất đến… gần khu vực này. Bởi vậy, để xử lý hồ sơ tiền khả thi dự án, lấy mẫu thí nghiệm đất đá, đo đạc… đã vất vả lắm rồi thì chuyện tính toán đến yếu tố thời tiết cũng chỉ tồn tại trong “dự đoán”.
Ấy vậy nhưng khi dự án đi vào triển khai, sự phức tạp của thời tiết như mưa bão liên miên, không khí luôn ẩm ướt trong gần như cả năm hay cái nóng bức như thiêu đốt vào mùa hè… khiến việc bảo quản thiết bị, vật tư cũng như an toàn, sức khỏe người lao động trên công trường là cả một bài toán phức tạp. Trong khi đó, việc tổng thầu suy yếu về nguồn lực, thiếu nhân sự giỏi cũng như kinh nghiệm triển khai dự án khiến nguy cơ bảo đảm an toàn về thiết bị cũng như con người luôn thường trực.
Chuyện về những khó khăn, thách thức có tính khách quan, không thể lường trước tại dự án NMNĐ Thái Bình 2 đã được người viết bài này đem đi hỏi rất nhiều lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Petrovietnam. Nhưng tôi nhớ nhất là câu trả lời của cố Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu trong lần phỏng vấn ông vào cuối năm 2018. Ông Hậu bảo, Petrovietnam khác với các đơn vị làm kinh tế khác vì là tập đoàn kinh tế - chính trị. Trong đó, song hành với làm kinh tế là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển, phát triển kinh tế đất nước. Trong đó, người dầu khí nhận trách nhiệm thực hiện và quán triệt chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đầu tư các dự án, công trình công nghiệp có quy mô lớn để làm hạt nhân kinh tế địa phương, cải thiện đời sống nhân dân. Từ nguồn tài nguyên dầu khí trên biển, Petrovietnam đầu tư nhiều công trình lớn trên bờ từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Cà Mau, Bình Sơn (Quảng Ngãi), Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Thái Bình đúng theo chủ trương và chỉ đạo đó.
Ngẫm lại việc chọn lựa vị trí đặt dự án thì cũng quả đáng tội khi nhiều người cho rằng người dầu khí “gàn”, có gu “mặn” bởi toàn lựa chọn những chỗ, cách khó để làm dự án. Nhưng nếu nghĩ rộng ra, nhìn chi tiết hơn sẽ thấy rằng những người làm dự án phải chịu được “mặn” như vàng phải thử lửa mới trong, mới sáng, mới thể hiện được giá trị. Trong các bài viết sau, chúng tôi sẽ lý giải với bạn đọc về quá trình người dầu khí giải các bài toán khó tưởng chừng như không có đáp án của Dự án NMNĐ Thái Bình 2.
Theo Petrotimes

Cùng chuyên mục

Gần 900 sáng kiến làm lợi 450 tỷ đồng tại PTSC trong năm 2023

19/04/2024

​Vừa qua, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã tổ chức thành công Hội nghị Khoa học Công nghệ (KHCN) lần I năm 2024. Hội nghị đã tập trung vào việc đánh giá hoạt động KHCN trong năm 2023 và triển khai kế hoạch cho năm 2024.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151