Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 26/04/2024 | 02:52 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Năng lượng tái tạo – hướng phát triển bền vững

15/02/2023
Tăng cường phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng mục tiêu giảm phát thải, đây không chỉ là kế hoạch của mỗi quốc gia mà còn là xu hướng toàn cầu.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc đưa phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Mục tiêu này cũng đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam, đặc biệt là ngành điện thách thức to lớn khi vừa phải đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp nguồn điện ổn định phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cam kết giảm phát thải cũng như đảm bảo có giá điện hợp lý cho người dân.
Chiến lược “Chống biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050” của nước ta cũng chủ yếu thông qua việc chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cho biết, nước ta đã đưa ra nhiều giải pháp để hiện thực hóa cam kết này, trong đó kế hoạch chuyển đổi năng lượng được ưu tiên thực hiện nên lĩnh vực năng lượng tái tạo đã có những bước phát triển tích cực.
Các nguồn năng lượng tái tạo
Theo quy hoạch mà Bộ Công Thương đang trình, dự kiến đến năm 2030 sẽ có thêm 16.000 MW điện gió trên mặt đất, 7.000 MW điện gió ngoài khơi; đến năm 2045 con số này sẽ tăng lên lần lượt là 56.000 MW và 64.000 MW. Đối với điện mặt trời phải có đến 87.000 MW vào năm 2045… Dự kiến, đến năm 2050 sẽ sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay vẫn còn là nước đang phát triển, nên nguồn vốn để thực hiện theo Quy hoạch điện 8 là thách thức không nhỏ. Theo ước tính, giai đoạn từ nay đến 2030 cần khoảng 12 – 15 tỷ USD/năm và đến 2050 lên tới 400 tỷ USD. Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phân tích, để làm được điều này cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng bên cạnh những nỗ lực của các doanh nghiệp.
Năng lượng tái tạo giúp giảm phát thải khí nhà kính
Câu chuyện về vốn cho năng lượng tái tạo cần được đặt trong bối cảnh dài hơn, trong cam kết của Việt Nam liên quan đến biến đổi khí hậu, giảm phác thải khí nhà kính và mục tiêu đạt NetZero của Việt Nam vào năm 2050. Nền kinh tế chuyển đổi từ phác thải CO2 sang kinh tế xanh đòi hỏi sự chuyển dịch rất nhiều sang năng lượng tái tạo.
Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều giải pháp về chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực về gia tăng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.
Theo phân tích của ông Phạm Nguyên Hùng. Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương, công nghệ năng lượng tái tạo đang có những bước phát triển vượt bậc trên thế giới nên chi phí công nghệ đang giảm nhanh chóng, các giải pháp công nghệ về truyền tải, lưu trữ điện cũng có những tiến bộ kỹ thuật mới, giúp cho ngành năng lượng tái tạo phát triển hiệu quả.
Giá các nguồn năng lượng
Một trong những yếu tố được rất nhiều nước hướng đến là huy động, tối ưu hoá sự tham gia của doanh nghiệp trong nước để tỷ lệ nội địa hoá đạt được ở mức cao nhất, giảm chi phí đầu tư cũng như tạo chuỗi giá trị cho nền kinh tế được thụ hưởng từ đấy. Đó cũng chính là tạo giá trị cạnh tranh. Ưu tiên các nhà đầu tư trong nước có vị thế trong mảng năng lượng tái tạo được Việt Nam thực hiện.
Theo bà Vũ Chi Mai, Trưởng hợp phần năng lượng tái tạo của Cơ quan hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam, cần tiếp tục cơ chế giá ưu đãi đối với các dự án năng lượng tái tạo không kịp hưởng cơ chế giá FIT do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19. Đây là yếu tố khách quan, doanh nghiệp không thể kiểm soát được trong thời gian vừa qua. Vì vậy, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mong muốn Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết những khó khăn vướng mắc về chính sách.
Trước nhu cầu cấp thiết của ngành năng lượng, Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và các giải pháp công nghệ đột phá trong tương lai nhằm bảo đảm an ninh năng lượng. Trong đó mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát. Đến năm 2050, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 55% trong tổng sản lượng điện./.
Theo vov2.vov.vn/

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151