Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 19/04/2024 | 19:49 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

UBTV Quốc hội làm việc với tỉnh Bình Thuận về chính sách, pháp luật phát triển năng lượng

28/04/2023
Chiều 26/4, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận về thực hiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng (giai đoạn 2016 - 2021) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Tham gia đoàn công tác còn có đại diện các bộ, ngành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận và chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận về thực hiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng (giai đoạn 2016 - 2021) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Báo báo với Đoàn giám sát, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Tỉnh Bình Thuận có nhiều tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng, đặt biệt là tiềm năng bức xạ mặt trời, với số giờ nắng trung bình là 2.728 giờ/năm, cao hơn số giờ nắng trung bình của khu vực từ Đà Nẵng trở vào từ 2.000 - 2.500 giờ. Thời gian có nắng để sản suất điện hầu như quanh năm, số ngày nắng trung bình và tổng lượng bức xạ mặt trời trung bình đều cao hơn mức trung bình của khu vực.
Cụ thể, tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm ở Bình thuận là 1.961 kWh/m2, trung bình hàng ngày là 5,37 kWh/m2.
Thời gian qua, nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đã được phát huy tốt hơn, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao, là động lực chính thúc đẩy phát triển công nghiệp.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, Bình Thuận đã thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời và thủy điện nhỏ.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện, với tổng công suất lắp đặt 6.523 MW, với sản lượng điện trên 31 tỷ kWh/năm. Trong đó, có 4 nhà máy nhiệt điện than, 7 nhà máy thủy điện, 26 nhà máy điện mặt trời, 9 nhà máy điện gió. Ngoài ra, tỉnh còn có 1 nhà máy điện diesel ở huyện đảo Phú Quý, công suất 10 MW đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trên đảo.
Cùng với đó là hệ thống lưới điện ở các cấp điện áp: 500 kV, 220 kV, 110 kV và hệ thống lưới điện trung thế, hạ thế đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, cũng như khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bình Thuận còn có Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân), Trung tâm điện khí LNG Sơn Mỹ đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và 3 nhà máy điện gió đang triển khai xây dựng.
Ngoài ra, còn có 1 nhà đầu tư đang xin chủ trương bổ sung quy hoạch dự án nhiệt điện khí LNG Kê Gà và 8 nhà đầu tư đăng ký, đề xuất phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.
Với tổng công suất nguồn điện hiện hữu và dự kiến nêu trên, nếu triển khai đầu tư hoàn thành sẽ tăng cường đáp ứng cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội (giai đoạn năm 2021 -2030) theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Thuận được Bộ Công Thương phê duyệt.
Theo đó, đến năm 2025, công suất cực đại Pmax = 1.210 MW (điện thương phẩm 5.000 triệu kWh), năm 2030, công suất cực đại Pmax = 1.621 MW (điện thương phẩm 7.566 triệu kWh), năm 2035, công suất cực đại Pmax = 2.186 MW (điện thương phẩm 10.964 triệu kWh).
Tại buổi làm việc, thông qua Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương sớm hoàn thiện Quy hoạch điện VIII để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII các dự án, công trình nguồn điện, lưới điện nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của tỉnh Bình Thuận, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Mặt khác, sớm xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế mới về phát triển điện gió, mặt trời và giá mua điện gió, mặt trời để địa phương triển khai thực hiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng các dự án mới.
Cạnh đó, tỉnh Bình Thuận kiến nghị Trung ương xem xét quy hoạch Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 không sử dụng công nghệ đốt than và có giải pháp để xử lý pin năng lượng mặt trời khi những tấm pin tại các nhà máy hết hạn sử dụng.
Kết luận tại buổi làm việc, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Trưởng Đoàn giám sát) đã đánh giá cao việc tỉnh Bình Thuận tích cực phối hợp giải quyết các vướng mắc đối với các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xác định trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương trong thời gian tới phải phối hợp chặt chẽ với tỉnh để giải quyết các vấn đề phát sinh hiện nay về ô nhiễm môi trường, xây dựng kè ngăn xâm thực, quy hoạch nguồn năng lượng, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi bụi, tiếng ồn của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã làm rõ một số vướng mắc và các kiến nghị của tỉnh Bình Thuận. Yêu cầu tỉnh Bình Thuận hoàn chỉnh báo cáo, đề xuất kiến nghị cụ thể để Đoàn giám sát tổng hợp trình Quốc hội xem xét giải quyết.
Trước đó, Tổ giúp việc Đoàn giám sát chuyên đề “về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

Đoàn công tác kiểm tra thực trạng bãi lưu trữ tro, xỉ Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Theo ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát) cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành chương trình giám sát năm 2023 và thành lập đoàn giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.
Để chuẩn bị tốt cho chương trình làm việc của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại tỉnh Bình Thuận, Tổ giúp việc Đoàn giám sát làm việc tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và một số đơn vị tại tỉnh Bình Thuận để tổng hợp, thu nhận thông tin, tham mưu cho Đoàn giám sát về một số nội dung công tác quy hoạch phát triển năng lượng, các vấn đề xã hội liên quan phát triển năng lượng, di dời dân cư gần khu vực nhà máy, chuyển dịch năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…
Đoàn giám sát cũng trực tiếp khảo sát thực tế môi trường, nghe các báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 3 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân./.
Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Cùng chuyên mục

PVEP Sông Hồng khởi công thu dọn công trình dầu khí tại tỉnh Thái Bình

19/04/2024

​Vừa qua, tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, Công ty Dầu khí Sông Hồng (PVEP Sông Hồng) đã tổ chức lễ khởi công thu dọn công trình dầu khí mỏ Tiền Hải C, cấu tạo Đông Quan D, D14 và Đông Hoàng.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151