Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 26/04/2024 | 00:50 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giám sát cung cấp điện

Nắng nóng phơi bày điểm yếu của năng lượng tái tạo tại Ấn Độ

01/05/2023
Giới chức cùng giới nghiên cứu Ấn Độ cho rằng nước này chưa thể bỏ hẳn điện than vì năng lượng tái tạo vẫn chưa ổn định và đáng tin cậy, nhất là trong mùa nóng hiện nay.
 
Tình trạng nắng nóng hiện nay càng cho thấy Ấn Độ vẫn cần điện than trong tương lai gần. Ảnh: Reuters.
Năm 2022, bang Karnataka - địa phương đi đầu về năng lượng tái tạo tại Ấn Độ - đón một mùa gió lộng. Nhờ đó, áp lực đặt lên vai các nhà máy điện than trong bang đã giảm đi phần nào.
Tuy nhiên, giữa tình trạng nắng nóng chưa từng có vào mùa hè năm nay, các nhà máy này đã phải hoạt động hết công suất trở lại để đáp ứng nhu cầu bơm nước lên ruộng của nông dân và sử dụng điều hòa của cư dân đô thị, Reuters cho biết.
Thách thức mà Karnataka đang đối mặt cho thấy khó khăn chung mà Ấn Độ gặp phải: Than vẫn là nhiên liệu thiết yếu và đáng tin cậy duy nhất, bất chấp sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo.
Điện than giảm nhưng chưa “chết”
Theo giới chức khí tượng Ấn Độ, nhiệt độ tại Karnataka đang cao hơn 3-4 độ C so với mức trung bình 36-40 độ C cùng kỳ hàng năm.
Hôm 19/4, bang Karnataka ghi nhận lượng điện tiêu thụ trong ngày lớn nhất lịch sử. Nhiệt độ tại bang hôm đó lên đến 41,5 độ C.
Ông Kapil Mohan, quan chức cấp cao trong lĩnh vực năng lượng tại Karnataka, mô tả tháng 4 là tháng “đỉnh điểm của mùa hè”, cả về nhiệt độ tối đa lẫn mức sử dụng năng lượng.
Tuy các nhà máy năng lượng Mặt Trời có thể hoạt động hết công suất trong tháng, sản lượng điện gió thường bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong khi đó, nhiều hồ thủy điện trở nên cạn khô.
“Trong lĩnh vực năng lượng, sự phụ thuộc của chúng tôi đối với nhiên liệu hóa thạch sẽ không giảm đột ngột. Lượng điện dư thừa không cố định và chúng tôi cần cung cấp năng lượng suốt ngày đêm”, ông Mohan nói, cho rằng Ấn Độ cần tăng cường khả năng lưu trữ năng lượng sạch để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trong thời gian qua, Karnataka đã xây dựng hàng loạt nhà máy điện Mặt Trời và điện gió lớn. Tổng công suất của các cơ sở này đã vượt mục tiêu 14,8 GW mà chính quyền trung ương đặt ra cho bang.
Theo nghiên cứu gần đây của Viện Kinh tế và Phân tích Tài chính Năng lượng (IEEFA), Karnataka là bang dẫn đầu tại Ấn Độ về chuyển đổi năng lượng. Bang này được coi là hình mẫu cho các địa phương khác tại Ấn Độ noi theo.

Karnataka là một trong những bang đi đầu về năng lượng tái tạo tại Ấn Độ. Ảnh: Hindu.
“Năng lượng tái tạo chiếm 48% tổng nguồn cung năng lượng tại Karnataka. Khi khả năng lưu trữ năng lượng tăng lên, sự phụ thuộc vào than - thứ được coi là một nguồn tài nguyên linh hoạt - sẽ giảm xuống”, bà Saloni Sachdeva Michael, chuyên gia về năng lượng tại IEEFA, nói.
Tuy vậy, bà cũng chỉ ra địa phương này sẽ vẫn cần đến than trong tương lai gần do nguồn cung năng lượng tái tạo chưa ổn định. “Chúng ta chưa thể đóng cửa hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện. Đây sẽ là sự chuyển dịch dần dần”, bà Michael nói.
Ông Venkata Chalapathi, Giám đốc nhà máy điện than Bellary (công suất 1.700 MW) tại Karnataka, cho biết nhà máy đã có thể giảm công suất khi năng lượng tái tạo phát triển. Tuy nhiên, xu thế này đang đảo ngược do nhu cầu tăng lên.
Với việc lượng sử dụng than tại Ấn Độ được dự báo sẽ chỉ đạt mức đỉnh trong giai đoạn 2030-2035, Ấn Độ vẫn ngần ngại chưa muốn ký thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước phát triển - văn bản sẽ yêu cầu New Delhi cắt giảm tiêu thụ than mạnh mẽ hơn.
Thay vào đó, Ấn Độ đang muốn thu hút nguồn đầu tư từ quốc tế để phát triển lưới điện phục vụ năng lượng tái tạo, cũng như cơ sở hạ tầng lưu trữ năng lượng.
Tiềm năng của năng lượng tái tạo
Ông Naranaiah Amaranath, Giám đốc điều hành Tập đoàn Phát triển Năng lượng Mặt trời Karnataka (KSPDCL), cho biết năng lượng Mặt Trời từng không được coi trọng. Tuy nhiên, loại năng lượng này giờ đây đã trở thành nguồn cung chủ chốt trong bang.
Nhà máy năng lượng Mặt Trời Pavagada - một trong những cơ sở có công suất lớn nhất thế giới - đã đi vào hoạt động năm 2019 tại miền Đông bang này.
Nhờ đó, công suất của các nhà máy điện than được giảm đi phần nào. Điện Mặt Trời sẽ được sử dụng vào ban ngày, trong khi nhiệt điện phối hợp để đáp ứng nhu cầu vào giờ cao điểm sáng và tối.
Nhờ điện Mặt Trời, nông dân Karnataka đã có thể dùng điện tới 7 tiếng/ngày - thay vì chỉ 3-4 tiếng như trước. Đây là giấc mơ của họ từ nhiều năm nay.

Khói bốc lên từ nhà máy điện than tại bang Jharkhand, miền Đông Ấn Độ. Ảnh: AP.
“Đất ở đây khô, buộc nông dân phụ thuộc vào giếng để có nước tưới tiêu”, ông Govinda Gowda, người đứng đầu một trung tâm khoa học nông nghiệp tại huyện Tumkur, bang Karnataka, nói. “Họ dùng bơm để đưa nước lên. Tình trạng cắt điện thường xuyên ảnh hưởng đến năng suất do mùa màng bị ảnh hưởng nếu không được tưới đủ nước”.
Nhờ nguồn điện ổn định, sản lượng nông nghiệp trong huyện đã tăng 10% trong bốn năm qua.
Giờ đây, Karnataka thậm chí có thể sống hoàn toàn nhờ vào năng lượng tái tạo vào một số ngày gió thổi mạnh nhất từ tháng 7 đến tháng 9. Tuy nhiên, loại năng lượng này phụ thuộc vào thời tiết. Bên cạnh đó, khi mùa hè càng nóng, nhu cầu sử dụng điện càng tăng - khiến năng lượng tái tạo không thể tự mình đáp ứng.
Karnataka đang đầu tư vào công nghệ thủy điện tích năng để lưu trữ năng lượng - năng lượng dư thừa sẽ được dùng để bơm nước lên cao, và lượng nước này sẽ được cho chảy xuống để tạo ra điện khi nhu cầu tăng.
Ông Mohan chỉ ra một khi năng lực lưu trữ năng lượng chưa hoàn thiện, các nhà máy điện than vẫn cần tồn tại vì chúng có thể được bật, tắt tùy lúc dựa trên sự biến động của nguồn năng lượng tái tạo.
Tình hình tại Karnataka cũng phản ảnh bức tranh chung về năng lượng tại Ấn Độ. Bộ Than Ấn Độ hồi năm ngoái cho biết nhu cầu về than đang có xu hướng tăng và sẽ đạt mức 1,45 tỷ tấn trong năm tài khóa 2029-2030 - so với mức 956 triệu tấn năm tài khóa 2019-2020.
“Chúng tôi không thể nghĩ đến việc thay thế hoàn toàn than trong ít nhất 20 năm tới”, ông Sankar Mukhopadhyay, người đứng đầu Viện Quản lý Năng lượng châu Á (AIPM), dự báo.
Theo ZingNews

Cùng chuyên mục

Ký kết Quy chế phối hợp triển khai, thực hiện tiết kiệm điện

25/04/2024

Chiều 24/4, Sở Công Thương và Công ty Điện lực Long An tổ chức Lễ ký kết Quy chế phối hợp triển khai, thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151