Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ tư, 24/04/2024 | 07:24 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Vì sao Thái Bình 2 không “thay ngựa giữa dòng”

04/05/2023
Cho đến nay, khi Nhà máy Nhiệt điện (NNMĐ) Thái Bình 2 hoàn thành vượt mức mọi yêu cầu kỹ thuật và công nghệ sẵn sàng đi vào hoạt động. Dư luận vẫn chưa hết râm ran chuyện “thay thế Tổng thầu PETROCONs” ngay khi dự án gặp khó khăn, đình trệ.
Câu chuyện về Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC nay là PETROCONs) - Tổng thầu EPC Dự án NMNĐ Thái Bình 2 vào năm 2016 vướng phải một loạt các vụ việc khiến cả tổng công ty bị suy giảm năng lực. Đặc biệt khi bị phong tỏa tài chính, uy tín sụt giảm mạnh, PVC đã khiến không chỉ dự án NMNĐ Thái Bình 2 bị đình trệ mà các dự án khác của PVC đang triển khai cũng điêu đứng.

Nhà thầu Lilama lắp đặt Roto Tổ máy số 1 NMNĐ Thái Bình 2 năm 2017.
Ngay tại thời điểm đó, đã có ý kiến cho rằng cần theo quy định của pháp luật, Chủ đầu tư có quyền thay thế Tổng thầu khi dự án chậm tiến độ. Nhưng với mục tiêu tối thượng là đảm bảo lợi ích của Nhà nước, sau khi cân nhắc toàn diện các vấn đề của dự án, tính toán kỹ các hệ lụy nếu thay thế Tổng thầu sẽ khiến dự án trượt ra khỏi đường ray tiến độ, lâm vào nguy cơ làm lại từ đầu.
Theo tư vấn quản lý dự án, đánh giá của Giám sát quốc tế tại dự án cho thấy: Việc thay một tổng thầu trong lúc dự án đã ký kết hàng trăm hợp đồng thầu phụ trong nước cũng như quốc tế; Hầu hết các hạng mục xây lắp, công nghệ đều đang được triển khai dở dang, chưa được nghiệm thu, đánh giá, thanh quyết toán và bàn giao; hơn thế nữa là các nghĩa vụ liên quan đến bảo hành vật tư, thiết bị toàn dự án cho thấy sẽ đem đến rủi ro rất lớn cả về chất lượng, quản lý tiến độ cũng như chi phí của dự án.
Đặc biệt, thời điểm này Ban Quản lý Dự án (QLDA) còn mời Tổng thầu duy nhất đủ khả năng làm dự án NMNĐ công suất tối đa là Lilama vào đánh giá thực tế khả năng tiếp nhận dự án. Sau khi nghiêm túc xem xét, đánh giá, Lilama đã khẳng định các khó khăn khách quan như: Tư vấn giám sát dự án chỉ ra, đồng thời không thể cam kết chất lượng dự án cũng như chi phí phát sinh.
Ở đây, phải nói thêm rằng với hàng trăm hạng mục, khối lượng công việc cực lớn như NMNĐ Thái Bình 2, chỉ tính riêng việc bàn giao giữa nhà thầu cũ và mới cũng mất thời gian cả năm trời. Đây không phải chuyện nói ngoa cho vui tai mà là thực tế đã diễn ra tại dự án tương tự là NMNĐ Vũng Áng 1. Bởi hệ thống giấy tờ, các hợp đồng có thể xếp đầy một thư viện cỡ trung. Mặc dù hệ thống số hóa tại dự án đã ngày càng tiên tiến và giúp quản lý các loại công văn, giấy tờ tốt hơn nhưng rất nhiều hợp đồng của dự án vẫn phải ký kết bằng văn bản truyền thống.
Trước tình hình đó, Ban QLDA cùng chủ đầu tư đã thống nhất cắt, thu hồi từng hạng mục chưa thực hiện, căn cứ năng lực thực tế giao lại cho các nhà thầu có đủ năng lực và trình độ triển khai với tiến độ và chi phí hợp lý. Giải pháp này không chỉ giúp Tổng thầu “nhẹ gánh” hơn về tài chính, nhân sự, giảm rủi ro cho dự án mà còn khẳng định vai trò, trách nhiệm của Tổng thầu đối với dự án, đặc biệt là nghĩa vụ bảo hành thiết bị, máy móc.
Mặt khác, trong quá trình thi công, các thiết bị, vật tư cứ theo tiến độ là nhập về công trường. Trong đó, các thiết bị chính, thiết bị có bản quyền công nghệ không có sẵn mà phải thực hiện theo đơn đặt hàng, nghĩa là ít nhất phải đặt hàng từ 6 tháng đến 1 năm mới có thiết bị để đưa về Việt Nam. Bởi vậy, kinh nghiệm bảo quản, bảo dưỡng trong quá trình lắp đặt sao cho không bị ảnh hưởng bởi khí hậu vùng ven biển, tránh hoen rỉ phải đặc biệt được chú trọng.
Cũng cần nhắc lại, một trong những căn cứ để đề ra việc thay đổi Tổng thầu khi cho rằng thiết bị của nhà máy có “vấn đề” về xuất xứ, chất lượng. Cũng may toàn bộ các thiết bị của dự án đều được PVC đặt hàng trong thời điểm tổng công ty này mạnh nhất về vốn và năng lực bởi vậy, toàn bộ các thiết bị đều có xuất xứ rõ ràng, được các nhà sản xuất bản quyền công nhận và bảo đảm chất lượng trên khắp thế giới. Có người đã thử so sánh vào thời điểm những năm 2007-2010, PVC là đơn vị đứng đầu cả nước về xây lắp công nghiệp, có năng lực về vốn cũng như thiết bị gấp 5 lần một tổng công ty xây lắp khác.
Trong tình cảnh Tổng thầu dự án bị suy giảm về năng lực, gần như mất khả năng hoạt động trong thời gian dài. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - vai trò là Chủ đầu tư dự án), Ban QLDA xác định cần động viên, hỗ trợ, kể cả phải “làm thay” việc của Tổng thầu (một đơn vị trực thuộc Petrovietnam) để đẩy dự án tiếp tục triển khai. Thời điểm này, Ban QLDA phải "kiên trì thuyết phục" để tránh rủi ro xảy ra nếu nhà thầu thiếu năng lực, kinh nghiệm. Trong lúc đang lựa chọn nhà thầu, Ban QLDA đã hợp tác với Lilama điều động lực lượng, lựa chọn những cán bộ có kinh nghiệm triển khai dự án để hỗ trợ lập mặt bằng giao nhận, bảo quản thiết bị sao cho phù hợp với các bước thi công thực tế các hạng mục trên công trường và phù hợp với tiến độ giao hàng (thiết bị, vật tư) của dự án.

NMNĐ Thái Bình 2 đã hoàn thành các tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ vận hành.
Ở đây, cần nói thêm về công tác quản trị thiết bị tại dự án, việc đáng nhẽ các nhà thầu thiết bị phải thực hiện nhưng trước tình hình thực tế dự án gặp khó khăn không lường trước bị đình trệ một thời gian dài (quá cả thời gian bảo hành thiết bị) nên Ban QLDA và Tổng thầu đã phải chủ động bắt tay vào tự thực hiện. Các anh đã phân cấp rủi ro các loại thiết bị, vật tư để thực hiện bảo quản, bảo dưỡng một cách chi tiết, khoa học theo quy chuẩn bảo quản - bảo dưỡng quốc tế.
Theo đó, các thiết bị chính (kín) gồm turbine, roto, máy phát… cần đảm bảo độ ẩm, môi trường sạch, chống bụi; các hạng mục hoàn thành vận hành chạy thử (hở - ngoài trời) như sân phân phối điện, hệ thống nước ngọt, lò hơi phụ… chạy không tải định kỳ, thường xuyên bảo dưỡng bằng dầu mỡ; các thiết bị trong phòng kín (đồ điện tử, chip, hệ thống điều khiển tự động…) yêu cầu chống bụi, chống nóng phải luôn đảm bảo nhiệt độ tiêu chuẩn dành cho thiết bị đặc biệt.
Là người phụ trách toàn bộ quá trình vận hành chạy thử NMNĐ Thái Bình 2, ông Mai Văn Long - Phó Trưởng ban QLDA Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 chia sẻ, nhờ thiết bị tốt, được bảo quản, bảo dưỡng tốt nên dù NMNĐ Thái Bình 2 bị đình trệ trong một thời gian dài nhưng trong toàn bộ quá trình vận hành chạy thử nhà máy, các chuyên gia, kỹ sư vận hành nhanh chóng kiểm soát, vận hành được toàn bộ hệ thống của cả hai tổ máy. Đơn cử như số lượng sự cố khiến phải dừng vận hành khẩn cấp khi vận hành chạy thử Tổ máy 2 so với Tổ máy 1 đã giảm tới 50%. Đặc biệt là thời gian vận hành thử chỉ bằng 1/3 so với các nhà máy có cấu hình tương tự trong nước cũng như nước ngoài.
Có thể thấy rằng, quyết định về việc giữ nguyên Tổng thầu dự án là một quyết định cực kỳ sáng suốt và thể hiện tinh thần trước sau như một của những người lao động dầu khí chân chính tại Petrovietnam, Ban QLDA, Tổng thầu PETROCONs. Các anh luôn có ý thức và dám nhận trách nhiệm, âm thầm giữ gìn tài sản của đất nước tại dự án. Đặc biệt, các anh đã phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" đưa vai “gánh” cả những việc còn dang dở, sai lầm của những người đi trước.
Theo Petrotimes

Cùng chuyên mục

Thị trường LNG thế giới khởi sắc trong tuần qua

23/04/2024

​Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á trong tuần này đạt mức cao nhất trong ba tháng qua, do lo ngại về nguồn cung trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông và nguồn cung khí đốt cho terminal LNG ở Mỹ giảm.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151