Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 20/04/2024 | 02:34 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Thông tin báo chí

Các yếu tố cấu thành giá điện

04/05/2023
Điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, người dùng sử dụng trước và trả tiền sau. Cũng giống như các nước trên thế giới, căn cứ theo đặc điểm của việc sản xuất và tiêu dùng điện, chi phí sản xuất kinh doanh điện tại Việt Nam bao gồm các khâu: khâu phát điện; truyền tải điện; phân phối điện, bán lẻ điện; khâu quản lý ngành và phụ trợ.
Theo cơ cấu ngành điện nêu trên thì giá bán lẻ điện đến khách hàng sử dụng điện được xây dựng căn cứ theo chi phí sản xuất, kinh doanh điện của từng khâu, trong đó có những yếu tố mang tính khách quan mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát và cả những yếu tố chủ quan mà đơn vị điện lực có khả năng kiểm soát, cụ thể như sau:
Các yếu tố chi phí mang tính khách quan
Giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái, cơ cấu sản lượng điện phát, giá thị trường phát điện cạnh tranh là các yếu tố chi phí mang tính khách quan mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát. Trong đó:
Giá nhiên liệu chủ yếu ảnh hưởng tới giá của các nhà máy nhiệt điện (than, khí). Khi giá nhiên liệu biến động theo giá thị trường thế giới thì giá phát điện cũng có biến động tương ứng.
Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng tới đơn vị phát điện do chi phí nhập khẩu điện được tính theo ngoại tệ, chi phí mua điện từ các nhà máy BOT được tính theo giá công suất (đồng/kW/tháng) và giá điện năng (đồng/kWh) được quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ. Tỷ giá còn có ảnh hưởng gián tiếp đến chi phí mua điện từ các nhà máy khác đối với khoản vay ngoại tệ để đầu tư (được tính trong giá cố định bình quân). Bên cạnh đó, Còn có các khoản vay bằng đồng ngoại tệ để đầu tư, phát triển lưới điện truyền tải và phân phối, như vậy, sẽ phát sinh khoản chi phí do chênh lệch tỷ giá thực hiện và đánh giá lại (được xác định trên cơ sở tỷ giá tại thời điểm đầu năm với tỷ giá tại thời điểm thanh toán gốc vay và tỷ giá tại thời điểm cuối năm). 
Cơ cấu sản lượng điện phát là tỷ lệ % điện sản xuất tính theo các loại hình nhiệt điện (than, khí, dầu), thủy điện và các dạng năng lượng khác. Mỗi loại hình nhà máy, tùy thuộc vào đặc tính công nghệ, nhiên liệu sẽ có giá điện khác nhau  và tỷ trọng các loại hình nhà máy điện phụ thuộc theo mùa trong năm. Ví dụ, trong mùa mưa thì hệ thống huy động nhiều các nhà máy thủy điện, trong mùa khô thì huy động ít các nhà máy thủy điện và huy động nhiều các nhà máy nhiệt điện, năng lượng khác. Vì vậy, khi cơ cấu sản lượng của các loại hình phát điện thay đổi thì tổng chi phí phát điện cũng thay đổi. 
Giá thị trường phát điện cạnh tranh được hình thành khách quan theo quy luật cung cầu, không phụ thuộc vào chủ quan của đơn vị phát điện.
Các yếu tố chi phí mang tính chủ quan
Ngoài 04 yếu tố đầu vào mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát nêu trên, các yếu tố chi phí khác như chi phí vật liệu, tiền lương, khấu hao, sửa chữa lớn, dịch vụ mua ngoài, chi phí bằng tiền khác, lãi vay là các yếu tố chi phí mà các đơn vị điện lực có khả năng kiểm soát được. Các chi phí này chủ yếu nằm ở khâu truyền tải, phân phối và phụ trợ, quản lý ngành. Ví dụ như năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp tự thân để tiết giảm chi phí, bao gồm lùi kế hoạch sửa chữa lớn, giảm chi phí tiền lương, tiết kiệm chi phí thường xuyên… ước tính, đã tiết giảm, tiết kiệm chi phí khoảng 31.000 tỷ đồng.
Mỗi một quốc gia sẽ có cơ cấu chi phí cấu thành giá điện khác nhau, ví dụ ở Úc, chi phí truyền tải, phân phối điện chiếm tỷ trọng rất lớn do lãnh thổ rộng lớn trong khi Úc lại chủ động được nguồn nhiên liệu đầu vào (than, khí) hay tại Lào có nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng rất lớn nên có chi phí phát điện thấp hơn các nước khác trong khu vực. Đối với ngành điện Việt Nam thì chi phí phát điện chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu giá thành (khoảng 80%), trong đó phần lớn là các yếu tố chi phí biến động khách quan mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát như đã phân tích ở trên, nên giá bán lẻ điện bình quân sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn trước những biến động của giá nhiên liệu trên thế giới. Như vậy, nên việc so sánh giá điện giữa các nước với nhau hay so với thu nhập bình quân là chưa đảm bảo tính chất so sánh trên cùng một mặt bằng.
Tại Việt Nam, việc điều hành giá điện ngoài phản ánh đúng, đủ biến động của các yếu tố chi phí nhằm đảm bảo cho các đơn vị điện lực bù đắp được chi phí và có lợi nhuận hợp lý để tiếp tục đầu tư, mở rộng nguồn và lưới điện nhưng cũng đảm bảo các chỉ tiêu vĩ mô của nhà nước thông qua việc thực hiện các quy định liên quan đến cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân được quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.
Theo xu thế phát triển chung của thị trường điện (phù hợp theo thông lệ quốc tế tại những nước đã thực hiện thị trường bán buôn, bán lẻ điện - Mỹ, Singapore, Anh, Bắc Âu, Úc, Newzeland, Philipines …), khi thị trường bán buôn và bán lẻ điện đi vào hoạt động thì sẽ có cạnh tranh tại khâu phát điện và khâu bán lẻ điện (nhà nước chỉ xây dựng khung pháp lý, các đơn vị tham gia thị trường tự do cạnh tranh, giá điện được xác định dựa trên cung - cầu trên thị trường). Riêng khâu truyền tải điện và khâu phân phối điện mang tính độc quyền tự nhiên nên vẫn chịu sự điều tiết của nhà nước (cơ quan nhà nước phê duyệt giá cho các dịch vụ này).
Cục Điều tiết Điện lực

Cùng chuyên mục

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hướng tới phát triển bền vững

19/04/2024

Ngày 19/4, trong khuôn khổ triển lãm Contech Vietnam 2024 và EL Vietnam đã diễn ra buổi hội thảo 'Tiết kiệm năng lượng và năng lượng xanh' do Hội Điện lực Việt Nam (VEEA) phối hợp với Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ quốc tế Hà Nội (HADIFA) tổ chức.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151