Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ năm, 25/04/2024 | 13:36 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giá điện

Không tăng giá điện, sẽ thế nào?

05/05/2023
Giá điện tăng, doanh nghiệp kêu vì chi phí sản xuất tăng, người dân ít nhiều cũng có phản ứng. Tuy nhiên, nếu không tăng giá điện hậu quả sẽ ra sao? Giáo sư - Viện sỹ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, thú vị với Tạp chí Điện lực xoay quanh vấn đề giá và cân bằng cung - cầu điện.
Giáo sư - Viện sỹ Trần Đình Long
Khả năng dự báo tổng cầu còn yếu
PV: Thưa ông, không ít ý kiến cho rằng, trong điều kiện khó khăn về đảm bảo đủ điện hiện nay, cùng với việc bổ sung nguồn điện (tăng cung) chúng ta cũng cần phải quản lý chặt việc sử dụng điện (kiểm soát cầu). Xin ông cho biết, quan điểm của ông về vấn đề này?
GS.VS.TSKH Trần Đình Long: Từ trước tới nay, để đảm bảo cân bằng điện năng, chúng ta mới chỉ chú ý nhiều đến cung. Tức là, cố gắng phát triển nguồn, lưới điện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện năng cho sản xuất và sinh hoạt. Về phía cầu, chúng ta chưa quan tâm đúng mức. Để đảm bảo có sự cân bằng hợp lý, phải có sự quan tâm đầy đủ cả hai phía cung và cầu. 
Khả năng dự báo về tổng cầu ở Việt Nam còn yếu. Vì vậy, nhiều dự báo không sát với thực tế phát triển. Đây cũng là lí do dẫn đến các quy hoạch điện phải điều chỉnh liên tục. Thậm chí, Thủ tướng vừa ký một quy hoạch phát triển điện, nhưng đến năm sau đã phải có một quy hoạch điều chỉnh. 
Hiện nay, trên thế giới sử dụng 2 chỉ số đặc trưng cho phát triển năng lượng nói chung, điện lực nói riêng. Một là cường độ điện năng. Nước nào có nền công nghiệp phát triển càng cao thì chỉ số này càng thấp. Nền kinh tế sử dụng rất ít năng lượng, nhưng sản xuất được sản phẩm có giá trị cao mới là nền kinh tế phát triển. 
Hai là hệ số đàn hồi điện. Đó là tỷ lệ giữa tốc độ tăng trưởng điện năng so với tốc độ tăng trưởng GDP. Nước nào quản lý nhu cầu điện năng tốt, hệ số đàn hồi thấp, trên dưới 1, còn ở Việt Nam, hệ số đàn hồi đang xấp xỉ bằng 2. Con số này cho thấy rằng: Ngành Điện rất vất vả để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. 
PV: Chúng ta đã có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, những trường hợp vi phạm luật và bị xử lý còn nhiều hạn chế. Ông nghĩ sao về việc này? 
GS.VS.TSKH Trần Đình Long: Việc thi hành luật ở Việt Nam nói chung chưa nghiêm, không chỉ trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, mà còn nhiều lĩnh vực khác cũng thế. Riêng về lĩnh vực năng lượng, những vi phạm điển hình như nhập những dây chuyền công nghệ lạc hậu với suất tiêu hao năng lượng cao, nhập thiết bị cũ tiêu tốn nhiên liệu, năng lượng… chưa được xử lý. 
Bộ Công Thương đã có chương trình dán nhãn năng lượng, định hướng cho người sử dụng khi mua sắm. Những mặt hàng đã được thẩm định, dán nhãn, chỉ dừng lại ở một số đồ gia dụng. Còn máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ khác thì chưa được kiểm định, dán nhãn. 
Đã có những nghiên cứu về các ngành sử dụng nhiều điện năng như sắt, thép, xi măng, giao thông vận tải... Tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các ngành này còn rất cao. Các chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, chưa thu được kết quả như mong muốn. 
Tăng giá điện là điều tất yếu
PV: Chúng ta thường mổ xẻ hậu quả của việc "tăng giá điện", nhưng ít khi bàn đến hệ lụy của việc "không tăng giá điện". Theo ông, không tăng giá điện, sẽ thế nào?
GS.VS.TSKH Trần Đình Long: Giá điện của Việt Nam còn tương đối thấp, kéo theo nhiều hậu quả xấu, chỉ trừ một chuyện là người dân phải trả ít tiền hơn khi sử dụng điện. Còn đối với nền kinh tế của đất nước nói chung, đó là điều rất không tốt.
Thứ nhất, giá điện ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào ngành Điện. Hiện nay, thu hút đầu tư của ngành Điện dựa vào nước ngoài là chính. Nhưng gần đây chưa có một nhà máy điện lớn nào do nước ngoài đầu tư. Điều đó chứng tỏ, giá điện chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, cách đối xử, đặc biệt là của truyền thông đối với giá điện cũng chưa công bằng lắm. Ví dụ, một nhà có 4 người dùng điện thoại di động, mỗi tháng tiền trả cho di dộng không thấp hơn tiền điện mà không ai kêu gì. Nhưng hễ giá điện tăng, là cả 4 người đều… búc xúc. 
Nhìn rộng ra, ngành Viễn thông đầu tư có bao nhiêu, nếu so với ngành Điện có các công trình trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng, mỗi lần người dân chi trả tiền cho viễn thông, không mấy khi kêu ca, không “phản đối” như mỗi lần tăng giá điện. 
Thứ ba, vì sao Nhà nước quản lý giá điện? Nếu xem điện là thứ hàng hóa của thị trường, phụ thuộc vào cung và cầu thì không thể điều hành theo ý chí được, mà phải tôn trọng quy luật cung cầu. Hơn nữa, thủy điện đang cạn nước, giá dầu, than, khí đều tăng. Vì thế, tăng giá điện là điều rất bình thường.
Tỷ giá hối đoán đối với ngành Điện rất quan trọng, vì rất nhiều dự án đều nhập thiết bị ngoại bằng nguồn vốn vay. Nhìn lại 3 năm qua, tỷ giá hối đoái đã tăng bao nhiêu phần trăm? Nếu không tăng giá điện, thì tôi cho rằng đó là điều không bình thường. Nếu mỗi năm giá điện tăng đều, cân bằng được tổng cung và cầu thì sẽ không gây xáo trộn cho nền kinh tế. 
PV: Thưa ông, dư luận luôn đặt câu hỏi vì sao giá điện cứ ngày càng tăng mà không thấy giảm, vì sao vậy?
GS.VS.TSKH Trần Đình Long: Giá điện bao gồm 4 thành phần: Giá phát điện, phí truyền tải, phí phân phối và phí dịch vụ phụ trợ. Trong 4 thành phần này, giá phát điện, hay nói cách khác là nguồn điện chiếm tỷ trọng khoảng 65% trong điều kiện của Việt Nam. Tương lai, giá phát điện ngày càng tăng. Ưu thế giá rẻ từ thủy điện của Việt Nam ngày càng giảm. 
Hiện nay, nhiệt điện than, chiếm khoảng 40%, và sẽ tăng dần trong vòng 10 đến 15 năm tới. Than lộ thiên đã khai thác hết, chuyển sang khai thác than hầm lò, xuống sâu trong lòng đất, dẫn đến giá than ngày càng cao. Hơn nữa, giá than nhập lại phụ thuộc vào tỷ giá hối đoái. Chưa kể đến những biến động của thị trường năng lượng thế giới. Vì vậy, khi tăng giá điện, phải dựa trên những tính toán về biến động giá của các loại tài nguyên này, cộng với tỷ giá ngoại tệ. Giá nguyên liệu tăng, nhân công tăng, tỷ giá hối đoái cũng tăng thì sao giá điện giảm được? 
PV: Ở góc độ tiết kiệm năng lượng, giá điện bậc thang liệu có còn là giải pháp hữu hiệu để người dân, doanh nghiệp sử dụng thiết bị điện có hiệu suất cao, ý thức tiết kiệm điện cũng cao hơn, thưa ông?
GS.VS.TSKH Trần Đình Long: Tôi cho rằng giá điện của Việt Nam nhìn chung còn rẻ, thấp hơn so với giá điện trung bình của khu vực và thế giới. Việc tính giá bậc thang, không có nghĩa là giá điện sẽ cao vì thực ra nó được xây dựng theo cách tính trung bình cộng. Giá điện trung bình vẫn không được phép vượt quá mức trần mà Chính phủ quy định. Vì vậy, với mức trần như hiện nay, tôi nghĩ rằng chưa đủ mạnh để tác động tới ý thức tiết kiệm điện của doanh nghiệp và người dân. 
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo www.evn.com.vn

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151