Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ tư, 24/04/2024 | 18:14 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Tìm giải pháp cốt lõi gỡ khó cho ngành điện

21/12/2022
Năm 2022 được coi là một năm rất khó khăn với ngành điện nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung khi giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao đột biến.
Sáng 21/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023. Tại hội nghị, nhiều đơn vị đã nêu lên những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022. 
Báo cáo tình hình hoạt động năm 2022, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN - cho hay mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là chi phí nhiên liệu tăng cao làm tăng chi phí sản xuất điện, nhưng EVN vẫn đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt nguồn điện (đã vận hành thương mại - COD) toàn hệ thống đạt gần 77.800 MW, tăng gần 1.400 MW so với năm 2021, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 20.165 MW, chiếm tỉ trọng 26,4%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.
EVN đã vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định, dù vậy vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là việc cấp than sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, giá than thế giới tăng cao, nguồn nhập khẩu hạn chế, nên tồn kho thấp trong khi giá than nhập khẩu tăng 1,35 lần so với năm 2021 và tăng gấp 3 lần so với năm 2020.
 
Để ứng phó, EVN đã tập trung tiết giảm chi phí, thực hiện các giải pháp về quản trị; trong đó, tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa lớn, thực hiện chi lương chỉ bằng với 80-90% mức lương bình quân năm 2020... nên giúp tiết giảm 9.700 tỷ đồng. Tập đoàn cũng tối ưu hóa dòng tiền được hơn 7.900 tỷ đồng gắn với vận hành tối ưu hệ thống điện, ưu tiên huy động các nguồn giá rẻ giúp giảm gần 15.845 tỷ đồng. Nhờ đó, giúp cho EVN tiết giảm được chi phí là 33.445 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo EVN, dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao đột biến. Do đó, kết quả năm 2022 dự kiến sẽ lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng.
Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia khẳng định năm 2022 là năm rất khó khăn của ngành điện. Theo ông, 2022 là năm mà ngành điện khai thác được sản lượng thuỷ điện ở mức kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây, lên tới 95-96 tỷ kWh, vượt 12,5 tỷ kWh so với kế hoạch. Nhưng giá nguyên vật liệu đầu vào tăng đột biến, đầu năm 2022, giá than trung bình 140 USD/tấn than nhập và đến thời điểm này tăng lên 400 USD/tấn.
Những khó khăn trong năm nay đã vượt xa dự báo của doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN phát
Giá bán lẻ hiện nay là 1.864 đồng/kWh nhưng giá nhiên liệu dẫn đến giá biến đổi của các nhà máy đều cao hơn 1.800 đồng, thậm chí là 1.900 đồng. Điều này khiến nhiều nhà máy than nhập trong giai đoạn vừa qua không được vận hành do chi phí quá đắt, lượng công suất không được huy động trên hệ thống lên đến 3.000-4.000 MW… Chính vì vậy, nhiều thời điểm, A0 phải huy động tổ máy chạy dầu D0, điều này cũng khiến tăng chi phí cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Cũng theo bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), ngay từ đầu năm 2022, đơn vị đã lường trước những khó khăn của năm nay, nhưng thực tế đã vượt xa dự tính. Những khó khăn đó không chỉ ở cung ứng điện mà còn xuất phát từ những yếu tố khách quan, nhất là giá mua điện tăng cao. So với đơn giá trong kế hoạch EVN giao, thì giá mua điện đã tăng 685 đồng/kWh, tổng chi phí phải bỏ ra để mua điện tăng thêm là 3.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Đỗ Nguyệt Ánh cho hay, tăng trưởng điện thương phẩm thấp kỷ lục trong 15 năm qua, chỉ đạt khoảng 5,42%. Những ngày cuối năm này, thông thường việc sản xuất sẽ diễn ra sôi động, nhưng thực tế lại đang cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng, suy giảm của thành phần công nghiệp. Những phụ tải điện như sắt thép, xi măng, Samsung,...đều đã giảm công suất sản xuất ở quy mô lớn, chỉ sản xuất cầm chừng.. Cùng đó là những quy định về đầu tư công, giải phóng mặt bằng…
"Chúng tôi xác định, trong khó khăn phải tập trung vào quản trị doanh nghiệp, nếu không tự chủ động sẽ rất khó ứng phó. Từ đó, tổng công ty quản trị tài chính, kiểm soát chặt các chi phí, tiết giảm. Thực tế có những chi phí đã tiết giảm vượt mức: như chi phí biến động giảm 28%, sửa chữa lớn giảm hơn 40%...; rà soát các quy định, nguy cơ tiềm tàng có khả năng ảnh hưởng sản xuất kinh doanh, có kế hoạch xử lý theo từng tháng, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ; thay đổi quy định về phân bổ vốn đầu tư, làm sao tập trung hạng mục ưu tiên trọng điểm", bà Đỗ Nguyệt Ánh nói.
Theo kế hoạch năm 2023, EVN cho biết sẽ tập trung đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, đặc biệt thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động....
Ông Nguyễn Tài Anh cho biết, EVN phấn đấu là một trong các đơn vị đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phát huy mọi nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh điện, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu để đảm bảo khả năng cân đối tài chính năm 2023…
Tuy nhiên, theo EVN, để giúp tập đoàn vượt qua khó khăn, EVN kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII, sửa đổi quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Sửa đổi quy định liên quan để tạo thuận lợi trong huy động nguồn vốn, giải quyết vướng mắc trong thực hiện triển khai dự án điện.
Tập đoàn cũng kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định để giảm bớt khó khăn, đảm bảo cân bằng tài chính, áp dụng cơ chế thị trường với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi. Đồng thời, Bộ  Công Thương tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, trước những khó khăn của ngành điện, Ủy ban đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc EVN rà soát, cập nhật lại số liệu kế hoạch, khuyến nghị nhiều biện pháp để EVN kịp thời ứng biến với tình hình thực tế.
Ủy ban cũng đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn, tình hình tài chính của EVN và đề xuất các giải pháp hỗ trợ EVN; trong đó có giải pháp cốt lõi, lâu dài là tăng giá điện để đảm bảo cân bằng tài chính năm 2022 và các năm tiếp theo cho EVN.
Ông Hoàng Anh cho rằng, EVN phải tiếp tục khẳng định vai trò là tập đoàn nhà nước đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu, đảm bảo khả năng cân đối tài chính, phát triển bền vững và hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được đặt lên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực…/.
Theo https://bnews.vn/

Cùng chuyên mục

Khởi công công trình 'Nâng cấp và phát triển lưới điện khu vực Điện lực Gò Công Đông, Tân Phú Đông

24/04/2024

Ngày 23-4, Công đoàn cơ sở Công ty Điện lực Tiền Giang tổ chức Lễ khởi công công trình 'Nâng cấp và phát triển lưới điện khu vực Điện lực Gò Công Đông, Tân Phú Đông thuộc Dự án Nâng cấp và phát triển lưới điện trên địa bàn huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền giang'.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151