Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển Tiếp tục Phiên họp thứ 36, chiều 19.8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện
Trình bày Tờ trình dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, sau khi Luật Điện lực năm 2004 có hiệu lực, nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước liên quan đến phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam (trong đó có lĩnh vực điện lực) được ban hành. Cụ thể như Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20.8.2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030…
Đồng thời, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, đến nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, Bộ Công Thương đã tham mưu, để Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Điện lực năm 2004.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài trình bày Tờ trình dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long
Dự thảo Luật gồm 9 chương, 121 điều, trong đó, kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều về: quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, giá điện… Bỏ 4 điều; gộp 4 điều vào các điều khác; bổ sung 59 điều gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, các chính sách về năng lượng tái tạo, năng lượng mới với điều kiện tiến bộ khoa học, kỹ thuật phù hợp, cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần…
Tạo điều kiện phát triển nguồn và lưới điện
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Thường trực Ủy ban tán thành đề xuất ban hành Luật Điện lực (sửa đổi), đồng thời nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi Luật cần: thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo điều kiện cho phát triển nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia; tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động điện lực, hướng tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh; xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về điện lực, đồng thời không hợp thức hóa các sai phạm trong lĩnh vực điện lực…
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật. Ảnh: Hồ Long
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đánh giá, các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, khoản 1, Điều 6 của dự thảo Luật quy định về hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế trong hoạt động điện lực là chưa đầy đủ, chưa phù hợp với quy định tại Điều 12 của Hiến pháp năm 2013. Ngoài ra, đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 3 Điều 68 để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật. Một số ý kiến đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật với các luật có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tập trung sửa các vấn đề đang khó khăn, trở ngại
Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm xây dựng và phát triển ngành điện phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với các hoạt động điện lực, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Nội dung sửa đổi Luật toàn diện, với 6 nhóm chính sách lớn, tác động trực tiếp đến sinh hoạt của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh về thị trường điện, giá điện, bảo đảm an toàn quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ điện. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cơ quan soạn thảo, Chính phủ và Bộ Tư pháp rà soát kỹ lưỡng để xác định có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp hay không.
Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sửa đổi Luật Điện lực để giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay, vướng mắc trong đầu tư phát triển nguồn và lưới điện nhằm thúc đẩy quá trình phát triển, hoàn thiện thị trường năng lượng cạnh tranh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đối với yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, yêu cầu bảo đảm phù hợp Hiến pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần bám sát Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời nhấn mạnh, “cần cập nhật, đưa vào những định hướng, những quan điểm, những giải pháp của Nghị quyết 55 NQ/TW”.
Về hoạt động mua bán điện thì từ Điều 51 đến Điều 78 xác định nội dung, nguyên tắc định giá là quan trọng, trong khi luật hóa chính sách giá điện có ý kiến đề xuất một số nội dung cần điều chỉnh trong dự thảo Luật.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc xây dựng nguyên tắc định giá, nhất quán giá điện phải bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho các đơn vị điện lực, phù hợp với mặt bằng thị trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh điện.
“Nếu giá điện bù đắp đúng, đủ toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh điện và có lợi nhuận cho đơn vị điện lực thì phải được xác định là nguyên tắc xuyên suốt bao trùm của giá điện. Khi giá đã phản ánh đúng, đủ chi phí điện bán cho các nhóm khách hàng thì tự nó cũng sẽ hình thành cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý theo chi phí”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Đánh giá dự thảo Luật được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để sửa đổi luật này thì cần tập trung vào những vấn đề hiện nay đang khó khăn, đang trở ngại, làm sao khi sửa sẽ tháo gỡ được cho kinh tế - xã hội phát triển; tháo gỡ cho sinh hoạt, đời sống của người dân ổn định hơn.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật; làm rõ các nội dung, tiếp thu đầy đủ, giải trình, thuyết phục các ý kiến tham gia để sớm trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và trình Quốc hội xem xét, quyết định.