Để đảm bảo cung cấp điện, an ninh năng lượng quốc gia từ nay đến cuối năm 2024 và các năm tiếp theo, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thái Sơn- Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Có thể khẳng định, công tác cấp điện cho nền kinh tế từ đầu năm đến nay đã được duy trì tốt. Vậy theo ông từ nay đến cuối năm 2024, chúng ta cần phải làm gì để duy trì việc cung cấp điện cho đất nước?
Ông Nguyễn Thái Sơn- Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt NamQua theo dõi tình hình từ đầu năm đến nay, công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý vận hành hệ thống điện có thể khẳng định công tác cung cấp điện đã được đảm bảo tốt, nhất là trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024, mặc dù tốc độ tăng trưởng điện năm nay đã cao trên 2 con số.
Chúng tôi đánh giá cao công tác chuẩn bị, lên kế hoạch của Bộ Công Thương đã có nhiều đổi mới, đổi mới cả trong cách tiếp cận thông tin từ cơ sở, linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; Công tác điều độ, huy động nguồn điện đã bám sát tình hình thực tế và nhu cầu phụ tải của nền kinh tế- xã hội.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho thấy, 8 tháng đầu năm, chúng ta đã khởi công và đưa vào vận hành hàng trăm dự án lưới điện; các dự án nguồn điện tuy còn nhiều dự án còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu, nhưng cũng đã và đang cố gắng bám sát tiến độ đề ra. Đặc biệt, vừa qua, chúng ta đã hoàn thành công trình với tiến độ lịch sử mang tính đột phá là cụm đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối. Tất cả những công trình này sẽ tạo điều kiện cho việc cung cấp điện từ nay đến cuối năm cũng như năm 2025 được thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, theo dự báo từ nay đến cuối năm 2024, nhu cầu điện vẫn còn cao, do các doanh nghiệp tập trung cho sản xuất hàng hoá phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu dịp cuối năm, Lễ tết sắp đến. Do đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục chỉ đạo Công ty TNHH MTV vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia và ngành điện tăng cường công tác dự báo; huy động các nguồn điện hợp lý, nhất là phối hợp tốt với Bộ NN và PTNT trong việc điều phối khai thác tốt thuỷ điện vì đang trong mùa mưa bão.
Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách về năng lượng, đặc biệt là Luật Điện lực sửa đổi; các cơ chế giá điện 2 thành phần; xây dựng ban hành cơ chế đặc thù thí điểm về thực hiện dự án điện khí LNG, dự án điện gió ngoài khơi; hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp; chính sách giá bán lẻ điện; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện vận hành thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và hoàn chỉnh … để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai sắp tới.
Chuyên gia khuyến nghị hoàn thiện nhanh cơ chế chính sách để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (Ảnh minh hoạ) Với tín hiệu tăng trưởng kinh tế lạc quan, dự báo nhu cầu điện năm 2025 tiếp tục tăng. Theo ông, đâu là giải pháp để đảm bảo cung ứng điện cho năm tới?
Theo Nghị quyết Phiên họp Chính phủ tháng 6, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42% (cao hơn nhiều so với cùng kỳ, tăng 3,84%) và số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước; thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đạt hơn 20,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái; nhiều địa phương cũng cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh, thậm chí tăng vượt bậc. Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, đi kèm với tăng trưởng kinh tế thì tăng trưởng điện cũng sẽ tăng cao (với báo cáo của EVN, điện thương phẩm 8 tháng đầu năm 2024 tăng khoảng trên 12,7% so cùng kỳ năm 2023; trên thực tế có thể còn tăng trưởng cao hơn nữa do chưa thống kê hết số liệu điện sản xuất tự sản tự tiêu và phát điện tự dùng diezen trong các khu công nghiệp khu đô thị không được ghi nhận qua đo đếm của EVN). Trong bối cảnh hệ thống nguồn và lưới điện còn đang hạn chế; các rào cản trong thực thi chính sách vẫn còn, gây khó khăn cho công tác cung cấp điện.
Để đảm bảo cấp điện cho năm 2025, theo tôi, Bộ Công Thương cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị rà soát, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch vận hành, cung cấp điện sớm, đi kèm với đó là kế hoạch chuẩn bị nguồn nhiên liệu như than, khí; tiếp tục hoàn thiện Luật Điện lực sửa đổi và các văn bản quy phạm pháp luật khác bám sát Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị và các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng…
Một số công trình cụ thể cần hoàn thành phát điện trong cuối năm 2024 để phục vụ cung cấp cho năm 2025 là: Dự án Thủy điện Yaly mở rộng, dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3, 4; các đường dây 500 kV Monsoon - Thạch Mỹ (để nhập khẩu điện NMĐ gió Mosoon Lào), 220 kV Đắc Ooc và đấu nối để nhập khẩu điện từ Nhà máy thủy điện Nam Emoun Lào và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối các cụm thủy điện Tây Bắc nước ta. Và cố gắng hoàn thành dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng trong nửa đầu năm 2025.
Bên cạnh đó cần sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiêp … Trong đó, nếu không có các giải pháp căn cơ, tháo gỡ những nút thắt cho phát triển các dự án điện khí LNG (chuyển ngang giá khí sang giá điện, quy định sản lượng điện huy động tối thiểu Qc, giá điện 2 thành phần,…), điện gió ngoài khơi (khung giá điện, thẩm quyền cho phép giao mặt biển để khảo sát, lựa chọn nhà đầu tư,…) thì hệ thống điện sẽ thiếu hụt một lượng công suất nguồn điện lớn trong giai đoạn 2026-2030, và ngay những năm tiếp theo, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh cung cấp năng lượng.
Tiếp tục có giải pháp đẩy mạnh thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện VIII; trong đó phát huy vai trò đầu mối của Văn phòng Ban chỉ đạo các dự án ngành năng lượng trong việc giúp Ban Chỉ đạo các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia ngành năng lượng thực hiện chỉ đạo, đôn đốc tiến độ các dự án nguồn và lưới điện.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; đặc biệt là Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện; tăng cường công tác truyền thông về tiết kiệm điện, chuyển dịch năng lượng…; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Một vấn đề nữa cũng quan trọng không kém, cần được đề cập, đó là cần tiếp tục có các giải pháp về thể chế, về kỹ thuật để đảm bảo kinh doanh cho EVN, hay nói cách khác là giải pháp để EVN hoạt động có lãi trong kinh doanh điện. Việc EVN được xếp hạng tín nhiệm cao ở cả thang xếp hạng quốc tế và trong nước là yếu tố quan trọng giúp tăng khả năng vay vốn cho các dự án điện, cũng như thu hút nguồn vốn nước ngoài vào ngành điện, góp phần đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm trong quy hoạch điện quốc gia.
Trân trọng cảm ơn ông.
Theo Báo Công Thương