Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Công Thương (Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững), đại diện các Bộ, ngành liên quan, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố, các Trung tâm khuyến công, Trung tâm tiết kiệm năng lượng các tỉnh/thành phố, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách nhằm chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển dịch năng lượng, hướng đến một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ban hành kèm theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.
Nghị quyết 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã xác định "Thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững”.
Trong bối cảnh kể từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập siêu về năng lượng và ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu; việc đầu tư phát triển các dự án nguồn và lưới điện đỏi hỏi nguồn lực rất lớn của xã hội; và các nguồn năng lượng tái tạo có giá thành còn cao cũng như bị giới hạn về tỉ trọng công suất trong hệ thống điện do các rào cản kỹ thuật trong việc vận hành ổn định hệ thống. Vì vậy, việc sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện, bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).
Chương trình đề ra các giải pháp toàn diện và đồng bộ trong việc: (i) Xây dựng, kiện toàn và thực thi mạnh mẽ các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (ii) Thiết lập các cơ chế ưu đãi, khuyến khích, các hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính để thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trên tất cả các mặt của nền kinh tế và của toàn xã hội.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Ngày 08/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Chỉ thị đề ra mục tiêu tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ cũng như xác định các giải pháp mà các Bộ, ngành, địa phương và các đối tượng sử dụng điện phải thực hiện để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra.
"Bên cạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương đã và đang triển khai mạnh mẽ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Chương trình tiếp cận theo vòng đời sản phẩm từ khâu khai thác, thiết kế, chế biến, sản xuất, tiêu dùng, thu hồi, tái chế, tái sử dụng và thải ra môi trường và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn", bà Nguyễn Thị Lâm Giang nhấn mạnh và cho biết thêm, đây là Chương trình tiếp cận theo hướng toàn diện và theo xu hướng thế giới nhằm bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liêu.
Chương trình không chỉ khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất xuất bền vững mà còn định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu đã đặt ra của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững",
Các Chương trình, chỉ thị, nghị quyết nêu trên thể hiện tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về vài trò quan trọng mang tính chiến lược việc của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thúc đẩy các mô hình chuyển đổi xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững trong việc phát triển bền vững nền kinh tế đất nước giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai.
Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024, Hội nghị quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024 và phát động cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng với mong muốn tất cả các đơn vị sẽ nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và têu dùng bền vững, cùng nhau thúc đẩy, triển khai mạnh mẽ các hoạt động này từ trung ương đến địa phương.
Hội nghị cũng là nơi để các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, những vướng mắc, khó khăn cũng như những thuận lợi để cùng nhau hướng đến một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng chia sẻ tại Hội nghị.
Tại hội nghị, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Sở Công Thương một số tỉnh, thành phố đã chia sẻ kết quả thực hiện, triển khai Chương trình VNEEP3 và chỉ thị 20 của Thủ tưởng Chính phủ.
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng.
Ngoài ra, trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Công Thương và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) đã phát động cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng”. Tại Hội nghị hôm nay còn có triển lãm sản phẩm, công nghệ hỗ trợ tiết kiệm năng lượng do Sở Công Thương Đà Nẵng phối hợp tổ chức.
Theo Tạp chí Công Thương