Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 09/11/2024 | 21:07 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giám sát cung cấp điện

Rốt ráo chuẩn bị công tác cấp điện năm 2025

05/10/2024
Thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, Bộ Công Thương, các đơn vị chức năng và doanh nghiệp năng lượng đang đẩy nhanh công tác xây dựng cấp điện năm 2025.
Chủ động xây dựng kế hoạch
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực và Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2025.
Cho đến thời điểm này, NSMO đã hoàn thiện công tác rà soát, dự báo về tình hình cung cấp điện 8 tháng năm 2024 để làm cơ sở hoàn thiện kế hoạch. Đồng thời, Bộ Công Thương đã tổ chức 2 cuộc họp chính thức do Thứ trưởng Trương Thanh Hoài chủ trì với đơn vị chức năng và các tập đoàn năng lượng.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, 7 tháng năm 2024, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 179,44 tỷ kWh, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản lượng và tỷ trọng huy động nguồn nhiệt điện than vẫn cao nhất, đạt 96,4 tỷ kWh, chiếm 53,7%; tiếp đến là thủy điện đạt 40,9 tỷ kWh, chiếm 22,8%; đứng thứ 3 là lăng lượng tái tạo đạt 24,02 tỷ kWh, chiếm 13,4%; Tua bin khí đạt 14,65 tỷ kWh, chiếm 8,2%; điên nhập khẩu đạt 3,07 tỷ kWh, chiếm 1,7%.
Sản lượng điện thương phẩm toàn Tập đoàn 7 tháng đầu năm đạt 160,41 tỷ kWh, tăng 13,52% so với cùng kỳ, trong đó mức tăng trưởng điện năng cho sinh hoạt tăng 14,7%, điện năng cho công nghiệp - xây dựng tăng 12,4%, điện năng cho thương mại-dịch vụ tăng 15,3%, điện năng cho nông nghiệp tăng 13,9%...
Qua theo dõi có thể thấy, 7 tháng đầu năm 2024, phụ tải tăng cao so với kế hoạch tuy nhiên có xu hướng giảm dần ở các tháng cuối năm và công tác cấp điện các tháng cuối năm sẽ được duy trì ổn định. Bên cạnh đó, nguồn thủy điện đã được tăng cường khai thác trong những tháng gần đây do thủy văn thuận lợi hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Theo dự báo và thống kê của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 9-11/2024, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), trong đó số cơn đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với TBNN và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam.
Điều này sẽ tác động đến thủy văn và nguồn nước các vùng, trong đó tại Bắc Bộ, từ tháng nửa cuối tháng 8-11/2024, trên các sông Bắc Bộ sẽ xuất hiện các đợt lũ với mực nước đỉnh lũ trên các sông chính và sông nhỏ ở mức báo động 1-2. Dòng chảy trên các sông khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 5-15%. Cũng trong khoảng thời gian này, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ xuất hiện các đợt lũ ở mức báo động 1-2, lưu lượng dòng chảy cao hơn trung bình nhiều năm.
Bộ Công Thương đang tích cực chuẩn bị kế hoạch cung cấp điện năm 2025 (Ảnh minh họa)
Các tập đoàn năng lượng vào cuộc
Cùng với sự vào cuộc của Bộ Công Thương, vào đầu tháng 10/2024, EVN và Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty (TCT) Đông Bắc đã họp bàn kế hoạch cung cấp than cho sản xuất điện năm 2025 với tinh thần không được để đứt gãy nguồn cung về than cho sản xuất điện trong mọi tình huống.
Báo cáo của Ban Kỹ thuật sản xuất EVN cho biết, lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, tổng khối lượng than TKV và TCT Đông Bắc cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 16,6 triệu tấn, đảm bảo nhu cầu huy động sản xuất điện và tồn kho thực tế của các nhà máy. Chất lượng cấp than cũng đã được cải thiện so với các năm trước.
Theo đại diện NSMO, đơn vị đã tính toán kế hoạch vận hành năm 2025 theo 4 phương án, theo đó, nhu cầu than của các phương án dao động trong khoảng 27,31 đến 28,53 triệu tấn. Khối lượng than này nằm trong phạm vi Thỏa thuận hợp tác mà EVN, TKV, TCT Đông Bắc đã ký kết, sẽ đảm bảo đủ than cho sản xuất điện. Với các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu, nhu cầu than khoảng 11,13 triệu tấn trong năm 2025.
Tại cuộc họp này, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn đã yêu cầu các nhà máy nhiệt điện nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với NSMO và đơn vị cung cấp than trong việc tính toán, cập nhật kế hoạch huy động điện và nhu cầu sử dụng than để tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo nguồn than cho vận hành của nhà máy.
Đối với TKV, TCT Đông Bắc cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo cung cấp than cho các nhà máy điện, đảm bảo cung cấp than chất lượng cho các nhà máy của EVN, góp phần đảm bảo vận hành ổn định và ngăn ngừa sự cố tổ máy.
Dù chưa có số liệu chính xác nhưng nhiều ý kiến cho rằng, với sự chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ sớm theo hướng linh hoạt, điều chỉnh thường xuyên sát với thực tế, cùng với việc hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 và một số dự án điện đang được đẩy nhanh tiến độ, công tác cấp điện năm 2025 cơ bản được đảm bảo nếu không có những diễn biến bất thường.
Được biết, tháng 11/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3110/QĐ-BCT ngày 30/11/2023 phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024. Theo đó, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 là 306,259 tỷ kWh. Sau đó được điều chỉnh bằng quyết định 924/QĐ-BCT vào 19/4/2024 là 310,6 tỷ kWh, trong đó mùa khô là 150,916 tỷ kWh và mùa mưa là 159,684 tỷ kWh.
Theo Báo Công Thương  

Cùng chuyên mục

Bảo đảm đủ điện cho phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

09/11/2024

Hiện tại, thu hút đầu tư vào ngành điện đang là vấn đề cấp bách; đó cũng là một trong những nguyên nhân chính để phải gấp rút sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá thể chế, khơi thông các vướng mắc, thu hút đầu tư, phát triển ngành điện, mạch nguồn cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong 'kỷ nguyên vươn mình của dân tộc'.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302