Vốn đầu tư: Vấn đề cốt yếu
PV: Thưa ông, hiện nay, hầu hết các dự án nguồn điện mới đều gặp khó khăn trong triển khai, đặc biệt là về thu hút vốn, ông có thể cho biết tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư vào các dự án phát triển nguồn điện?
Ông Phan Xuân Dương trao đổi với phóng viên PetroTimes
Ông Phan Xuân Dương: Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Tổng sơ đồ VIII), từ nay đến 2030 cứ mỗi năm chúng ta cần khoảng 12 tỷ USD đầu tư cho các dự án phát triển nguồn điện và từ 2030 – 2050 mỗi năm cần 18 – 24 tỷ USD. Để đảm bảo mỗi năm số tiền đầu tư như thế, tôi nghĩ nếu chỉ dựa vào các doanh nghiệp nhà nước, chủ đạo như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) thì nguồn lực cũng có hạn, không thể kham nổi, do đó phải đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển điện lực. Trong Dự thảo Luật điện lực (sửa đổi) cũng như trong Tổng sơ đồ VIII cũng đã nói đến việc cho phép đa dạng hóa hình thức đầu tư (nhà nước, tư nhân, đối tác hợp tác công - tư...).
Theo Tổng sơ đồ VIII, mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện cần để phục vụ nhu cầu trong nước là trên 150 nghìn MW (không bao gồm xuất khẩu, điện mặt trời mái nhà hiện hữu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới); trong đó trọng tâm xây dựng nhiệt điện sử dụng LNG 22.400 MW (14,9% tổng công suất các nhà máy điện); điện gió trên bờ 21.880 MW (14,5%); điện gió ngoài khơi 6.000 MW (4,0%), điện mặt trời 12.836 MW (8,5%)… cần nguồn vốn rất lớn.
Đối với các dự án điện gió trên bờ, điện mặt trời, chúng ta đã có kinh nghiệm và thu hút được các nhà đầu tư trong nước hoặc liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện, nên ở đây tôi không đề cập đến việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này mà nhấn mạnh việc thu hút vốn đầu tư cho các dự án điện LNG và điện gió ngoài khơi (ĐGNK).
Với một dự án điện LNG công suất khoảng 1.500 MW có mức đầu tư khoảng 2 - 2,5 tỷ USD; ĐGNK thì suất đầu tư khoảng 3 tỷ USD cho một dự án 1.000 MW. Cho thấy việc đầu tư các dự án này cần phải có nguồn vốn lớn. Do đó, phải đa dạng hóa hình thức đầu tư, trong đó bên cạnh phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước cần thu hút mạnh khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia.
PV:Thu hút vốn có phải là khó khăn lớn nhất đối với phát triển các dự án điện khí/LNG và ĐGNK hiện nay không, thưa ông?
Ông Phan Xuân Dương: Theo Tổng sơ đồ VIII, đến năm 2030, chúng ta phát triển thêm 10 dự án điện khí sử dụng khí khai thác trong nước với công suất 7.900 MW và 13 dự án điện khí sử dụng khí LNG nhập khẩu với công suất 22.542 MW. Hiện chỉ có dự án Nhơn Trạch 3&4 đang triển khai với mục tiêu tháng 5/2025 vận hành thương mại. Các dự án điện khí LNG nhập khẩu khác đều gặp khó khăn trong giải quyết các vấn đề vay vốn khi mà các tổ chức tín dụng đưa ra các điều kiện khá ngặt nghèo.
Đối với các dự án ĐGNK, chỉ có Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) hiện là nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép để triển khai các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án ĐGNK tại 2 khu vực biển. Chưa có dự án nào được gọi là đã khởi công xây dựng để đạt được 6.000 MW vào năm 2030.
Đã có nhiều báo cáo, thảo luận về thực trạng của các dự án đầu tư; nhưng một quan ngại chung là nếu không có các cơ chế để thu hút vốn đầu tư tư nhân, trong đó chủ yếu là đầu tư nước ngoài, thì kế hoạch thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện nói trên sẽ có nguy cơ bị phá vỡ.
Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng PTSC
Mạnh dạn thí điểm ĐGNK
PV: Trước thực trạng đó, ông có gợi ý gì về mặt chính sách để có thể thu hút đầu tư và phát triển được các nguồn điện khí/LNG, cũng như ĐGNK?
Ông Phan Xuân Dương: Về ĐGNK, Dự thảo mới nhất của Luật Điện lực (sửa đổi) đã có những bổ sung quan trọng, đề cập đến phân giao trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân, cũng như quy trình để đầu tư... Đó là điểm rất mới so với trước đây. Vì vậy, tôi cho rằng đã đủ cơ chế để tiến hành đầu tư các dự án ĐGNK. Vấn đề tiếp theo là sớm ban hành các văn bản dưới luật để có thể áp dụng được ngay.
Chúng ta đã mất khoảng thời gian khá lâu cho ĐGNK, nhưng cho đến nay chưa có dự án nào trên thực tế. Vì chưa có dự án trên thực tế nên chưa biết khó khăn gặp phải và vướng ở đâu, chưa có bài học thực tiễn để góp ý. Do vậy, tôi cho rằng cần mạnh dạn thí điểm ĐGNK, nên tìm một địa điểm ở phía Bắc bộ để thí điểm và nên chăng giao cho tập đoàn có kinh nghiệm như Petrovietnam làm thí điểm, họ có cơ sở hạ tầng, có nhiều kinh nghiệm, có công trình, giàn khoan ngoài biển, là doanh nghiệp có thể nói là có khả năng nhất của Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực này và đặc biệt họ là Tập đoàn nhà nước. Sau thí điểm sẽ mở ra thực tế để từ đó lấy kinh nghiệm xây dựng cơ chế chính sách thực hiện trong thời gian tới. Còn nếu không có các dự án tiên phong, thì làm sao có cơ sở để xây dựng cơ chế chính sách được.
Thu hút đầu tư vào các dự án điện LNG
PV: Còn với các dự án LNG, ông có đề xuất như thế nào?
Ông Phan Xuân Dương: Với điện khí LNG, theo Tổng sơ đồ VIII, điện LNG là nguồn phát điện chính, chiếm gần 15% tổng công suất. Đến 2030 sẽ có 15 dự án nhiệt điện LNG nằm rải rác từ Bắc tới Nam. Ngoài các dự án đang xây dựng như Nhơn Trạch 3&4 hay Hiệp Phước 1, các Dự án đã chỉ định Chủ Đầu tư như Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Lăng I, Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Bạc Liêu, Long An, Hiệp Phước. Các dự án còn lại là Nghi Sơn, Quỳnh Lập, Cà Ná, Long Sơn đang trong quá trình lựa chọn Chủ đầu tư.
Điểm đáng nói nhất là hình thức đầu tư của các dự án LNG hiện nay. Ngoại trừ Sơn Mỹ 1 và 2 được phép đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) thì các dự án còn lại có thể gọi là đầu tư theo hình thức IPP (dự án điện độc lập); đó là những nhà máy điện tư nhân hoặc phát điện độc lập được thiết kế để vận hành trong thị trường phát điện bán buôn cạnh tranh. Không giống như các dự án phát điện độc lập truyền thống khác, các nhà máy này không có trả trước, không có hợp đồng mua bán điện dài hạn để bảo đảm lượng điện sản xuất. Có nghĩa các nhà đầu tư tự xây máy, xong sau đó tự tham gia thị trường, bán theo giá thị trường, nhưng còn bị khống chế giá trần nữa... Do đó, đầu tư các nhà máy đều vướng mắc do không đảm bảo tính hiệu quả đầu tư, cũng như các điều kiện để vay vốn.
Trường hợp, nhà máy Nhơn Trạch 3 & 4, tại sao làm được? Phải nói đó là vì thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về mặt chính trị, chứ còn nếu như để các nhà đầu tư bên ngoài thì không ai làm. Vì không có Hợp đồng mua bán điện (PPA), Hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh thì không ai cho vay tiền cả. Bản thân PV Power cũng vậy, theo tôi được biết, ban đầu họ cũng muốn thu xếp vốn nước ngoài, nhưng với tình trạng dự án như vậy họ không có đủ điều kiện để vay vốn, rốt cuộc là phải dùng vốn của mình trước. Khi dự án có rồi, có một số điều kiện nhất định mới vay thêm.
Ngay cả nếu có Hợp đồng mua bán điện (PPA) thì vẫn chỉ là hợp đồng kinh tế giữa đơn vị phát điện và EVN. Các trách nhiệm, nghĩa vụ khác cho các dự án nhiệt điện sử dụng LNG của phía nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có và điều này chỉ có thể là thuộc về Hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh. Hợp đồng này sẽ là một bộ phận của bộ Hợp đồng dự án bao gồm Hợp đồng PPA, hợp đồng cung cấp nhiên liệu, hợp đồng thỏa thuận về cơ sở hạ tầng dùng chung, hợp đồng thuê đất,...
Để có thể thu xếp vốn lớn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài thì các điều kiện có thể gọi là tiên quyết, cần phải được thống nhất, như là: luật áp dụng; cơ quan giải quyết tranh chấp, ngôn ngữ của Hợp đồng dự án (kể cả hợp đồng PPA), bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật; về chuyển đổi ngoại tệ; cam kết bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho EVN và bồi thường thiệt hại khi chấm dứt PPA; xử lý tình huống cho trường hợp bất khả kháng. Và các điều kiện này chỉ có thể được quy định trong dự thảo về mẫu Hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh và sẽ được Nhà đầu tư thảo luận và ký kết với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hiện nay, Chính phủ và các bộ ngành mới quan tâm đến các hợp đồng kinh tế chứ chưa quan tâm đến các hợp đồng pháp lý. Tại Khoản 8, Điều 5 Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) hiện cũng chỉ quy định về sản lượng tối thiểu và thu xếp nguồn cung nhiên liệu dài hạn, các chính sách đảm bảo đầu tư khác để thu hồi được chi phí đầu tư chỉ được quy định chung chung. Do đó, Luật Điện lực (sửa đổi) cần phải giải quyết được những nút thắt nêu trên.
Các dự án điện LNG đều gặp nhiều vướng mắc, khó khăn để có thể thu xếp vốn
PV: Với vai trò quan trọng trong nền kinh tế và an ninh năng lượng, cũng như tính cấp bách phải sửa đổi các quy định về điện lực để phù hợp với tình hình mới, Chính phủ đề xuất Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội tới đây,theo ông với Dự thảo hiện nay, liệu có thể thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) trong kỳ họp tháng 10, sắp tới của Quốc hội hay không?
Ông Phan Xuân Dương: Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đến nay đã được cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung rất nhiều và đang tiếp tục tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh nhằm kịp thời trình Quốc hội xem xét và có thể thông qua trong vòng 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội sắp tới. Tôi cho rằng, Luật Điện lực (sửa đổi) được ban hành càng sớm càng tốt vì nó mang lại hiệu quả cho ngành điện và các ngành kinh tế nói chung. Nếu chúng ta cứ mong Luật phải thật hoàn chỉnh và chờ hoàn chỉnh hết mọi thứ mới ban hành thì e rằng rất khó và sẽ không phù hợp với nhu cầu cấp thiết hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông!