Nhiều chương trình hành động và kế hoạch cụ thể đã được Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận triển khai để thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TU ngày 25/01/2022 về xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Tỉnh ủy. Theo đó, tổng công suất tích lũy của điện năng lượng tái tạo tính đến ngày 30/9/2024 là gần 3.700 MW, đạt khoảng 58 % mục tiêu đề ra. Sản lượng hiện có là 8,7 tỷ KW điện hàng năm, tăng 87% so với năm 2020 và chiếm 7% tổng lượng điện tái tạo của cả nước.
Cánh đồng điện gió và điện mặt trời ở Ninh Thuận mang lại hiệu quả cao trong khai thác nguồn năng lượng tái tạo Năng lượng tái tạo mang lại nguồn thu lớn
Theo thông tin từ UBND tỉnh Ninh Thuận, tính đến tháng 9/2024, trên địa bàn tỉnh có 11 nhà máy điện gió với tổng công suất là 667 MW đã đưa vào vận hành thương mại. Trong số này, 10 dự án và 24 MW của nhà máy điện gió Habaram đủ điều kiện được hưởng giá ưu đãi theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về việc cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió của Thủ tướng Chính phủ. 93 MW còn lại của nhà máy điện gió Habaram được đàm phán theo khung giá điện của Quyết định 21/QĐ-BCT khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp của Bộ Công Thương.
Đối với các dự án điện mặt trời tập trung, tính đến tháng 9/2024, trên địa bàn của tỉnh có tổng số 35 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 2.466 MW, đã đưa vào vận hành thương mại. Trong số này, 32 dự án có ngày vận hành thương mại trước mùng 1/1/2021 nên được hưởng giá ưu đãi theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và 3 nhà máy đàm phán theo Quyết định 21/QĐ-BCT khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp của Bộ Công Thương.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đi thực tế tại Nhà máy điện gió Habaram“Trong 7 năm qua, các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đã đóng góp cho ngân sách là trên 7.000 tỷ đồng. Các dự án đã phát huy rất tốt hiệu quả sử dụng đất và nâng cao giá trị sử dụng đất đối với các diện tích đất khô cằn, hoang hóa không thể sản xuất được trong nông nghiệp, khi chuyển đổi sang thực hiện các dự án năng lượng tái tạo đã đưa giá trị sản xuất hàng năm của khu vực này từ khoảng 10 triệu đồng/hecta/năm lên giá trị khoảng 3,8 tỷ đồng/hecta/năm,” ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ.
Ông Nam nhấn mạnh, việc huy động nguồn vốn đầu tư từ các dự án năng lượng tái tạo đã góp phần rất lớn cho việc huy động vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh với tổng giá trị trên 100.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã thu hút được 50 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 88.000 tỷ đồng, chiếm 69 % vốn đăng ký đầu tư mới của các dự án và các thành phần kinh tế.
Khó khăn cần giải quyết đúng pháp luật
Theo một doanh nghiệp điện gió tại tỉnh Ninh Thuận, dự án được triển khai trong thời gian dịch Covid 19 bùng phát. Do đó, các chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, đàm phán mua thiết bị, vận chuyển thiết bị từ nước ngoài về Việt Nam cũng như là các thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài… Một số dự án không thể về đích đúng hẹn nên không được hưởng giá ưu đãi. Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, tuy nhiên do thiếu các điều kiện cần thiết theo pháp luật hiện hành, các dự án này không thể hoạt động hết công suất, một sản lượng điện không được phép huy động lên hệ thống lưới điện quốc gia.
Ninh Thuận có tiềm năng to lớn về điện năng lượng tái tạo “Chúng tôi chỉ có thể được phát với công suất 70% đến tối đa 80% công suất của nhà máy”, ông Mai Nguyện, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần điện gió Habaram cho biết.
Về chính sách của tỉnh, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết tiêu chí để đánh giá Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước hiện nay chưa được xây dựng.
Trạm điện năng lượng tái tạo 500KV tại tỉnh Ninh Thuận Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành Trung ương đã tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Ninh Thuận ngày 14/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Bộ Công Thương hoàn toàn ủng hộ tỉnh Ninh Thuận sẽ trở thành một trong những Trung tâm công nghiệp, dịch vụ, năng lượng tái tạo của cả nước bởi Ninh Thuận hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi hơn bất kể một địa phương nào trong khu vực, cũng như cả nước. Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình lên Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và đã được cấp có thẩm quyền cho phép thảo luận, thông qua trong một kỳ họp. Theo đó, tất cả những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực tiễn vận hành Luật Điện lực hiện nay đều được đề cập trong Luật Điện lực (sửa đổi). Luật sẽ có hiệu lực ngay sau khi được Quốc hội thông qua.
Theo Báo Công Thương