Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 03/12/2024 | 16:05 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Nghiên cứu đào tạo

Khi phụ nữ là công nhân ngành điện

23/10/2024
Dù ngày nắng hay mưa, kể cả khi đêm tối, những nữ công nhân vận hành tại các nhà máy điện vẫn hôm sớm miệt mài với công việc mà mình đã chọn, đã yêu.

Công nhân vận hành tại các nhà máy điện là một nghề nhiều vất vả, lắm nhọc nhằn. Ảnh: Minh Lương.
Công nhân vận hành tại các nhà máy điện là một nghề nhiều vất vả, lắm nhọc nhằn. Không chỉ thức khuya, dậy sớm, các công nhân còn phải đối mặt với nguy cơ khi môi trường làm việc tiếp xúc với nhiều máy móc, thiết bị, tiếng ồn, rung động lớn và các hóa chất độc hại. Bởi thế, tại các nhà máy điện, đa phần lực lượng vận hành là nam giới. Đối với phụ nữ khi đảm nhiệm vị trí này, khó khăn mà các chị phải đối mặt còn nhiều hơn thế.
Những bông hoa mạnh mẽ
Đến thăm Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, chúng tôi được trò chuyện với chị Lê Thị Hạnh Thủy, công nhân vận hành bơm dầu đốt lò. Thời điểm chị vào nghề còn rất trẻ, tròn 19 tuổi. Môi trường làm việc nhiều bỡ ngỡ, choáng ngợp với nhiều thiết bị, máy móc công suất lớn. Khi ấy bản thân chị cũng không biết liệu có hoàn thành được công việc hay không.
May mắn khi được lãnh đạo và đồng nghiệp tận tình hướng dẫn, giúp đỡ. Đến nay, chị Hạnh trở thành nữ công nhân vận hành chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm với 36 năm tuổi nghề. Từng máy móc, thiết bị trong nhà máy trở nên quen thuộc, thậm chí vào đến cửa trạm, nghe tiếng máy hoạt động, chị có thể nhận ra, máy bơm nào đang hoạt động.
Chị Lê Thị Hạnh Thủy kiểm tra thiết bị trong dây chuyền sản xuất. Ảnh: Minh Lương.
Đều đặn mỗi ngày khi vào ca trực, chị Hạnh Thủy sẽ kiểm tra tỉ mỉ từng chi tiết máy móc thiết bị, các thông số kỹ thuật. Nhất là vào mùa khô, bản thân chị cũng như đồng nghiệp càng nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiểm tra thiết bị sát sao, để tránh những sự cố bất thường có thể xảy ra, ảnh hưởng đến quá trình phát điện.
Nhìn đôi bàn tay của nữ công nhân vận hành này, chúng tôi thấy rõ những vết chai sần dày theo năm tháng. Tình yêu nghề của chị Hạnh Thủy cũng ngày càng sâu đậm, như từng nhịp đập âm thầm mà bền bỉ của trái tim người lao động.
Chị Trần Thu Hiền - Kỹ sư hóa phân tích tại Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (người đầu tiên). Ảnh: Minh Lương.
Cũng trưởng thành từ môi trường Nhà máy nhiệt điện, chị Trần Thu Hiền, một Kỹ sư hóa phân tích tại Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng có hơn 17 năm công tác. Khi nhắc về cái duyên đến với nghề, ánh mắt chị bừng lên niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào.
Chị Thu Hiền bộc bạch, bố chị cũng là công nhân ngành Điện. Từ nhỏ chị đã được bố cho vào nhà máy tham quan để hiểu hơn về công việc của bố, từ đó, chị bắt đầu yêu thích công việc này. Từ năm 2007 – 2010, chị thi chức danh, để được chính thức vận hành hệ thống khử khoáng, cung cấp nước cho lò hơi. Đến tháng 9/2023, chị được đề cử lên làm Trưởng kíp và gắn bó với công việc này cho đến nay.
Tình yêu nghề được nhen nhóm từ bé, khi lớn lên, chị Thu Hiền cũng giống như bố của mình, gắn liền thanh xuân bên máy móc, thiết bị nhà máy điện. Khi đã chọn gắn bó với công việc đặc thù vất vả, phải làm việc theo ca, kíp. Nhất là những ca khuya kéo dài từ 23 giờ đêm cho đến 7 giờ sáng hôm sau, bản thân chị Thu Hiền tự rèn luyện cho mình ý chí “thép”.
Việc thay đổi múi giờ sinh hoạt, bên cạnh đó, việc xử lý nước cung cấp cho lò hơi, tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại cũng khiến cuộc sống của nữ công nhân vận hành gặp không ít khó khăn.
Chị Trần Thu Hiền (bên trái) cùng đồng nghiệp kiểm tra các máy bơm trong hệ thống. Ảnh: Minh Lương.
Vượt khó khăn, chân cứng đá mềm
Bà Dương Thị Định, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng cho biết: Nữ công nhân vận hành phải làm việc theo ca, kíp, do đó phải phân bố thời gian, sắp xếp hài hòa, hợp lý giữa công việc công ty và gia đình. Khó khăn của các chị em là khi con còn nhỏ hoặc ở độ tuổi đi học, không có nhiều thời gian chăm sóc, đưa đón. Còn vào các dịp lễ tết, các chị em cũng phải trực ca để đảm bảo công tác sản xuất.
Khi phụ nữ là công nhân ngành điện, các chị vừa phải đảm đương vai trò người vợ, người mẹ với vô vàn những việc không tên, vừa phải hoàn thành mọi nhiệm vụ được công ty giao phó. Nhiều khó khăn, gian truân và cả những hy sinh, đôi lúc các chị phải gác lại chuyện riêng để đặt nhiệm vụ công việc lên hàng đầu. Thế nhưng các chị vẫn luôn mạnh mẽ vượt qua, cống hiến hết mình vì sứ mệnh phát điện.
Làm việc ở các nhà máy điện, việc không có ngày lễ, tết trọn vẹn cũng trở nên quá đỗi thường tình. Người ta thường nói “nghề chọn mình”, thế nhưng với chị Thu Hiền, chị Hạnh Thủy hay những chị em khác đang là công nhân vận hành của ngành điện lại có đôi phần khác biệt.
Các chị đã lựa chọn, từng bước vượt qua những khó khăn, để rồi yêu và sống cùng ngành điện. Các chị không hề kém cạnh nam giới, vừa luôn hoàn thành nhiệm vụ, vừa khéo léo vun vén cho mái ấm gia đình. Mọi nỗ lực của các chị đã cho thấy, khi lòng yêu nghề đủ lớn, những vất vả, thử thách bỗng trở thành những điều nhỏ bé.
“Sức khỏe của mình không như nam giới, nhiều khi mưa gió rét lắm, nhưng cứ đến giờ là mình đi, bất kể mưa to gió lớn, để đảm bảo giao ca, nhận ca trong nhà máy. Là công nhân ngành điện nhiều năm, kỷ niệm vui, buồn rất nhiều.
Nếu được chọn lại, tôi vẫn lựa chọn là công nhân ngành điện. Mặc dù những ngày lễ tết mọi người được về quê sum vầy bên gia đình, nhưng chúng tôi vẫn đi làm, không có ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật. Thế nhưng, tôi vẫn cảm thấy rất vui khi đóng góp một phần nhỏ cho nhiều gia đình có nguồn sáng, góp phần phát triển kinh tế xã hội”, chị Thu Hiền bộc bạch.
Các nữ công nhân vận hành làm việc theo ca trực vào ban đêm. Ảnh: Minh Lương.
Những chia sẻ, cảm xúc quá đỗi thân thương của chị Hạnh Thủy, chị Thu Hiền, trong ánh mắt họ luôn ngời lên niềm hạnh phúc giản dị nhưng sâu sắc. Hạnh phúc vì đôi chân đã vững bước qua bao thăng trầm của nghề. Hạnh phúc vì đôi tay đã cần mẫn, vun đắp cho tổ ấm gia đình. Và trên hết, hạnh phúc vì họ là những “nữ công nhân Ngành điện Việt Nam” đầy tự hào.
Theo Trang tin điện tử Ngành điện  

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302