Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Chủ nhật, 15/12/2024 | 00:22 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Cần quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong phát triển năng lượng tái tạo

26/10/2024
Để tăng cường tính khả thi của chính sách về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đại biểu Quốc hội kiến nghị cần quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cũng như cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi.
Đại biểu Quốc hội kiến nghị, cần quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VĂN DUY)
Chiều 26/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Doanh nghiệp nhà nước chưa có kinh nghiệm về điện gió ngoài khơi
Tán thành sự cần thiết kịp thời sửa đổi Luật Điện lực, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Hồ sơ dự án Luật đã nhiều lần chỉnh lý, tiếp thu các ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và các cá nhân.
Về cơ chế phát triển năng lượng tái tạo (khoản 9 Điều 5), dự thảo Luật hiện quy định về chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Tuy nhiên, để tăng cường tính khả thi của chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đại biểu Yên đề nghị thiết kế khoản 9 Điều 5 tương tự như khoản 8 Điều 5 của dự thảo Luật.
Theo đó, cần quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cũng như cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi.
Về việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi, dự thảo Luật quy định: Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép doanh nghiệp do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ được thực hiện khảo sát, triển khai các dự án điện gió ngoài khơi (điểm c khoản 1 Điều 42).
Đại biểu Yên cho rằng, điện gió ngoài khơi là ngành mới, việc giao cho các doanh nghiệp nhà nước triển khai một số dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên là bước đi cần thận trọng.
Tuy nhiên, theo nữ đại biểu, cũng cần tính đến thực tế là các doanh nghiệp nhà nước lớn trong ngành năng lượng của Việt Nam như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều chưa có kinh nghiệm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi. Trong đó, EVN đang trong tình trạng thua lỗ.
“Để bảo đảm thành công của các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên cả về mặt công nghệ, hiệu quả kinh tế, dự thảo Luật nên bổ sung quy định về việc cho phép các tập đoàn Nhà nước được đề xuất đối tác cho hoạt động khảo sát và triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên”, đại biểu Yên đề xuất.
Theo đại biểu, việc lựa chọn đối tác có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ giúp doanh nghiệp nhà nước tận dụng được nguồn lực, giảm bớt gánh nặng tài chính cũng như chia sẻ rủi ro nếu có.
Mô hình đối tác này cũng giúp giảm thiểu những quan ngại về vấn đề an ninh, do doanh nghiệp nhà nước vẫn là đối tác nắm quyền kiểm soát đối với dự án.
Cụ thể, đại biểu Yên kiến nghị bổ sung vào điểm c khoản 1 Điều 42 dự thảo Luật nội dung: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được đề xuất đối tác cùng phát triển dự án để Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.
Tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền
Cũng tại phiên họp chiều nay, các đại biểu Quốc hội đã góp ý vào nhiều nội dung cụ thể của dự thảo Luật liên quan quy định về chính sách giá điện và giá các dịch vụ về điện; thời điểm thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi); cơ chế xử lý đối với các dự án nguồn điện chậm tiến độ; quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực;…
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông.
Về chính sách giá điện và giá các dịch vụ về điện, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, về nguyên tắc định giá, vấn đề nhất quán là giá điện phải bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho đơn vị điện lực.
Nếu thực hiện đúng nguyên tắc này, sẽ có tác dụng "đòn bẩy" tích cực đến nền kinh tế, khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, cũng như tạo áp lực sử dụng điện tiết kiệm, từ đó giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền.
Do đó, đại biểu đề nghị, không đưa các nội dung như: “Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí, cơ chế do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội từng thời kỳ”, hay “Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng phương án hỗ trợ giảm tiền điện trong trường hợp cần thiết để ổn định phát triển kinh tế-xã hội”… vào chính sách giá điện, mà phải đưa vào một mục riêng về chính sách hỗ trợ tiêu dùng điện cho phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang.
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho rằng, dự án luật có nhiều vấn đề đặt ra, cần xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong đó, tại Điều 4 của dự thảo luật đưa ra nhiều khái niệm về giá, tuy nhiên yếu tố hình thành giá lại chưa được đề cập tới, nếu quy định như dự thảo sẽ khó trong việc triển khai thực hiện trong thực tiễn.
Ngoài ra, đại biểu cũng lưu ý vấn đề xác định giá cần minh bạch; quy định về cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi cần cụ thể; rà soát các thức dùng từ tại Điều 5 còn mang tính nghị quyết;…
Nêu quan điểm tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn An (Thái Bình) nhấn mạnh, cần tiếp tục quán triệt quan điểm, nguyên tắc mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, đó là “những vấn đề thực tế biến động thường xuyên giao cho Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành”, “không luật hóa các quy định của nghị định, thông tư”.
Đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.
Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát để lượng hóa các quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi. Thí dụ: khoản 7 Điều 5 quy định về “Nhà nước khuyến khích nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch chuyển đổi sang các nguồn nhiên liệu phát thải thấp”, điểm i khoản 12 Điều 5 quy định về “các nhóm khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ điện cao và phát thải cao”. Việc định lượng phát thải cao hay thấp căn cứ theo quy định nào của pháp luật, chủ thể nào quy định, đại biểu nêu băn khoăn.
Bên cạnh đó, đại biểu lưu ý, dự thảo Luật có Chương II quy định về Quy hoạch phát triển điện lực. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cũng thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật, trong đó có Luật Quy hoạch. Trong các nội dung sửa đổi, bổ sung, có quy định về điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực (Điều 11, Điều 12).
Do đó, đại biểu cho rằng, cần đánh giá và đảm bảo sự thống nhất giữa các luật mà Quốc hội sẽ xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (trong đó có Luật Điện lực), bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn liên quan điều chỉnh quy hoạch, nhằm mục tiêu chung là phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Báo Nhân dân  

Cùng chuyên mục

'Chìa khóa' giúp Việt Nam phát triển điện hạt nhân

14/12/2024

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại London về tình hình phát triển điện hạt nhân tại châu Âu, chuyên gia Bùi Nguyễn Hoàng, kỹ sư, điều phối thiết kế công trình, dự án EPR2 thuộc Tập đoàn điện lực Pháp (EDF), cho biết từ sau đại dịch COVID-19 và đặc biệt khủng hoảng khí đốt do xung đột tại Ukraine, nhiều nước châu Âu đã coi điện hạt nhân là nguồn năng lượng sạch giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng giá rẻ, đảm bảo an ninh năng lượng và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302