Trước đó, tại phiên thảo luận tại Tổ diễn ra vào chiều ngày 26/10, Bộ Công Thương đã nhận được 104 lượt ý kiến góp ý. Qua tổng hợp đa số đại biểu Quốc hội đã tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) và đánh giá cao sự chuẩn bị về hồ sơ dự án Luật.
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Quán triệt tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện nay là: “Xây dựng pháp luật theo hướng kiến tạo vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất”, “Dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”; “Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) - Ảnh: QH
Được sự thống nhất, đồng hành của Cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ Công Thương đã có Báo cáo tiếp thu, giải trình gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Về sự cần thiết tên gọi dự thảo Luật và nội dung phải sửa đổi
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Luật Điện lực được ban hành từ năm 2004. Sau 20 năm triển khai thi hành, Luật đã có 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều (trong đó lần sửa đổi gần nhất là tháng 9/2023) và trên thực tế đã giải quyết được một số vấn đề thực tiễn xảy ra. Tuy nhiên, đến giờ đòi hỏi chúng ta phải xem xét sửa đổi một cách toàn diện.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên họp toàn thể của Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) chiều ngày 7/11 (Ảnh: QH)
"Việt Nam đã hội nhập với thế giới, nên chúng ta phải có trách nhiệm luật hóa để tương thích với luật trong lĩnh vực năng lượng nói chung đặc biệt là điện giữa Việt Nam và thế giới, với khu vực"- Bộ trưởng nhấn mạnh và phân tích, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách mới về phát triển năng lượng, chúng tôi có đề cập đến 6 Nghị quyết của Đảng, tuy nhiên trên thực tế chúng ta chưa kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết, quy định mà mới ban hành dưới dạng Nghị định thậm chí là Thông tư.
"Chúng tôi lo rằng nếu như chúng ta duy trì mãi cơ chế như thế thì đến một lúc nào đó vi phạm của các cơ quan có liên quan là rất lớn. Đã đến lúc chúng ta phải thể chế các quy định của Đảng và luật hóa những quy định dưới luật dạng Nghị định, Thông tư”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng thông tin, theo xu hướng chung và cam kết trung hòa các-bon vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam, chúng ta phải phát triển mạnh năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Trong khi đó, năng lượng tái tạo chưa có quy định cụ thể trong luật hiện hành kể cả trong luật sửa đổi lần thứ 4.
Hay là vấn đề năng lượng mới trong đó có hydrogen, amoniac xanh, điện hạt nhân, bằng chứng chúng ta đã công bố Quy hoạch điện VIII, từ hơn 1 năm nay, đến giờ này không có một nhà đầu tư mới nào đề xuất dự án, vì không có những quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế chính sách trong khi chỉ còn 5,5 năm nữa chúng ta phải tăng gấp 2 lần tổng công suất các nguồn điện (hiện chúng ta mới chỉ có khoảng 80.000 MW) lên tới 150.524 MW, nếu như chúng ta không kịp thời sửa đổi, bổ sung ban hành cơ chế chính sách phù hợp, khả thi thì chắc chắn không có nhà đầu tư vào, không có nhà đầu tư vào thì chúng ta không thể nào đáp ứng được nhu cầu năng lượng cho đất nước”.
Theo tính toán của các chuyên gia, từ nay đến năm 2030, mỗi một năm Việt Nam cần khoảng 14-16 tỷ USD, tương đương với 320.000 - 350.000 tỷ đồng, nếu không có cơ chế chính sách thì không thể có nhà đầu tư. Đây là vấn đề thách thức rất lớn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng nếu không có cơ chế chính sách thì không thể có nhà đầu tư trong khi nhu cầu nguồn vốn cho các dự án phát triển điện lực là rất lớn (Ảnh: QH)
Bộ trưởng chia sẻ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay tôi về công tác ở Bộ Công Thương, liên tục phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra thậm chí là điều tra, qua thanh tra, điều tra, kiểm tra, kiểm toán đều khuyến nghị những điều mà cơ quan soạn thảo cùng với cơ quan chủ trì thẩm tra trình Quốc hội những vấn đề mà các cơ quan chức năng chỉ ra phải sửa, phải thay, phải đổi, chứ không phải chúng tôi tự nghĩ ra.
Nghị quyết số 937 của UBTVQH ngày 13/12/2023 về giám sát hoạt động điện lực và Luật Điện lực yêu cầu Chính phủ và Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan phải xử lý căn bản Luật Điện lực để khắc phục căn bản những điều được đưa ra. Từ các vấn đề trên, Bộ Công Thương đề xuất phải sửa đổi Luật Điện lực.
“Nội dung được sửa là những điều căn cơ nhất, phạm vi sửa đổi chỉ đề cập những vấn đề lớn, vấn đề căn cốt, vấn đề mà không có nó thì không thể giải quyết được những ách tắc hiện nay trong 3 nhóm”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Ba nhóm nội dung sửa gồm: Những cơ chế chính sách bất cập; bổ sung những chính sách mới để phát triển năng lượng mới bao gồm: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, kể cả gió ngoài khơi và gió trên bờ, kể cả mặt trời áp mái và mặt trời tập trung; phát triển những nguồn năng lượng mới như Hydrogen, Amoniac xanh...
Thu hồi dự án đầu tư chậm tiến độ
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Đến năm 2030 chúng ta cần gấp 2 lần công suất hiện nay, nhưng đến năm 2050, tức là còn 26 năm nữa chúng ta phải gấp 5 lần công suất hiện nay. Khi mà các nguồn điện truyền thống chúng ta không còn dư địa để phát triển, thủy điện đã hết, điện than không được phát triển, năng lượng mặt trời có giờ... Nếu như tính cả đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện thì không hề rẻ, và kể cả có lưu trữ điện thì chúng ta không thể tăng công suất gấp 7 lần công suất hiện nay bằng năng lượng tái tạo. Cho nên, các nguồn điện mới trong tương lai dứt khoát phải có, nhưng để những nguồn đó có trong thực tiễn thì ngay từ bây giờ trong luật chúng ta phải đề cập.
Theo Bộ trưởng, những gì quy định đã rõ thì chúng ta quy định trong luật, chưa rõ thì chúng ta trao quyền đó cho Chính phủ và Chính phủ chỉ đạo, Chính phủ quy định và có những bước đi cụ thể.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (đầu tiên bên phải), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy (ở giữa) trao đổi trước khi vào phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) (Ảnh: QH)
Sau khi sửa đổi, Bộ Công Thương giữ nguyên và sửa rất nhỏ 50/70 điều so với luật cũ, hiệu chỉnh lớn 20 điều và bổ sung mới là 23 điều. Những điều bổ sung mới chủ yếu quy định về năng lượng mới, phát triển thị trường điện cạnh tranh, quy định rõ thẩm quyền của cơ quan quyết định chủ trương đầu tư với dự án điện cấp bách; chủ trương để thu hồi các dự án điện chậm tiến độ.
Bộ trưởng giải thích, dự án điện khác với các dự án khác ở chỗ, điện bao giờ cũng phải đi trước một bước; điện sản xuất ra thì phải có địa chỉ tiêu dùng. Đặc biệt, nếu như chúng ta không có cơ chế thu hồi dự án chậm tiến độ hoặc không có cơ chế quyết định khẩn cấp trong trường hợp khẩn cấp được phép chỉ định nhà đầu tư.
Thực tế có những dự án đã giao cho nhà đầu tư cả chục năm nay, thậm chí có dự án gần 20 năm nay nhưng họ có đủ lý do để chưa triển khai. Như vậy, chúng ta đang thiếu điện là do các dự án trước đó không có cơ chế thu hút, chỉ áp dụng cơ chế chung đối với các dự án đầu tư, trong khi dự án điện thì đặc thù, đã quy hoạch rồi thì phải làm, đã giao thì phải làm, không làm được thì phải bị thu hồi, phải thế mới được, không lẽ cả đất nước này ngồi chờ một vài nhà đầu tư hay sao? Cho nên đây là những vấn đề mà chúng tôi thấy không quy định không thể nào làm được.
Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới
Về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các quy định trong dự thảo luật này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội trong dự thảo mới nhất thì cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu, thiết kế dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) theo hướng chỉ đưa vào những điều khoản quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội, những nội dung chi tiết sẽ giao cho Chính phủ quy định để bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong triển khai dự án luật và định kỳ có giám sát, xem xét, quyết định của Quốc hội.
Trong hồ sơ dự án trình Quốc hội, Bộ đã có Báo cáo số 242 về rà soát văn bản quy phạm pháp luật và Báo cáo 243 về đánh giá tác động chính sách. Theo đó, đã đối chiếu kỹ lưỡng các quy định của dự thảo luật với các luật chuyên ngành có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, không chồng chéo, trùng lắp về nội dung.
Đồng thời, đã rà soát, đối chiếu dự án luật với các điều ước quốc tế để tránh thiếu sót hoặc chưa bảo đảm tính tương thích. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu để tiếp thu, hoàn chỉnh những nội dung chi tiết mà các đại biểu đã phát biểu hôm nay.
“Về 6 nhóm chính sách cụ thể trong dự thảo luật, chúng tôi khẳng định đã quy định rõ hơn về thẩm quyền quyết định và những cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới và một số nguồn điện nền như điện khí... kể cả điện hydro xanh” - Bộ trưởng nêu.
Tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn nhưng nếu không có cơ chế, chính sách thì chúng ta không thể nào mở đến mức tối đa khả năng có thể cho các địa phương. Nhu cầu của các địa phương là rất lớn, quy hoạch điện VIII không mở được vì luật của chúng ta vẫn bó, bây giờ nếu cho phép nâng điện nền một số nguồn linh hoạt, cho phép phát triển mạnh hệ thống lưu trữ thì đương nhiên khai thác được tiềm năng năng lượng tái tạo ở các địa phương, nhất là điện mặt trời và điện gió trên bờ.
Đối với các nội dung mới được quy định trong Luật Điện lực được nhiều đại biểu quan tâm như điện gió ngoài khơi, hiện nay công nghệ chế tạo thiết bị xây dựng, lắp đặt đã được triển khai và thương mại hóa thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, sự phức tạp và rủi ro về công nghệ đã được kiểm nghiệm và minh chứng an toàn trong thực tiễn.
Nghị quyết 55 và Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị cũng đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp là phải thể chế hóa các nội dung để phát triển điện gió ngoài khơi. “Đương nhiên, phát triển điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đầu, chúng ta phải giới hạn các tập đoàn nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước hoặc nếu như có doanh nghiệp nước ngoài thì phải có một quy định rất cụ thể là không cho phép chuyển nhượng, kể cả trong quá trình vận hành, bởi vì nó gắn với an ninh quốc gia, nó không đơn thuần chỉ là vấn đề năng lượng hay vấn đề kinh tế” - Bộ trưởng cho hay.
Về bổ sung quy định về những cơ chế, chính sách chủ đạo để xây dựng, phát triển thị trường điện cạnh tranh ở cả 3 cấp độ, như đại biểu nêu, theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, nhất là vấn đề sản xuất, kinh doanh điện.
Người đứng đầu ngành Công Thương thông tin, đến giờ này đã phát điện cạnh tranh, hiện 52% là các nhà đầu tư ngoài nhà nước thì rõ ràng là cạnh tranh chứ không thể không cạnh tranh. Bán buôn thì chúng ta vừa mới ban hành chính sách mua, bán điện trực tiếp và đã quy định không chỉ 5 đơn vị được mua buôn điện. Còn bán lẻ, chúng ta đang sửa các quy định về giá, giá 2 thành phần, khung giá theo giờ… Tất cả những việc đó chúng ta đang vận hành.
“Chúng ta có điểm khác với các nước ở chỗ chúng ta thực hiện nền kinh tế thị thường định hướng xã hội chủ nghĩa, cho nên đầu vào có cao đến bao nhiêu nhưng đầu ra vẫn phải kiểm soát để bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội” - Bộ trưởng chỉ rõ.
Về bổ sung quy định về giao thẩm quyền cho Chính phủ hay cho bộ, ngành có liên quan quy định chi tiết vận hành điều độ hệ thống điện quốc gia như đại biểu đề cập điều độ hệ thống điện quốc gia phải báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng cho rằng, điều độ hệ thống thì phải từng giây và từng giờ, không cho phép thiếu điện trong một giây, về nguyên tắc là như vậy. Bây giờ lại phải trình các cấp có thẩm quyền thì làm sao vận hành và sẽ thiếu điện.
Cho nên, trong trường hợp này tất cả được quy định xem thẩm quyền của Trung tâm điều độ (A0) như thế nào. Bây giờ A0 về Bộ Công Thương chứ không còn ở EVN. “Tôi thống nhất với đại biểu nếu như để cả 3 khâu, tức là đầu tư vào hệ thống phát điện, truyền tải điện và cả điều độ điện ở EVN sẽ thiếu khách quan” - Bộ trưởng nói, đồng thời chia sẻ: "Bây giờ chúng ta đang vận hành tách điều độ ra trực thuộc Bộ Công Thương, tức là cơ quan nhà nước trực tiếp điều độ. Còn phát điện bây giờ đâu phải chỉ EVN, EVN bây giờ chỉ còn chiếm khoảng hơn 30%, còn lại là ngoài nhà nước và các tập đoàn khác”.
Về giá điện, bây giờ có khung giá quy định theo Luật Giá và Luật Điện lực. Trong khung đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể làm như thế nào để ra được khung giá, dựa vào khung giá các bên đàm phán với nhau chứ không phải bên này bắt chẹt bên kia. Tại sao yêu cầu trong thời hạn 12 tháng mọi đàm phán phải xong, vì nếu không xong thì lại kiếm cớ để kéo dài, nếu kéo dài chúng ta sẽ thiếu điện. Cho nên, quy định rất rõ khung giá đã có, không thể nói thị trường không cạnh tranh.
Bộ trưởng khẳng định 6 nhóm chính sách cụ thể hóa này nếu được thông qua cơ bản giải quyết được những vấn đề thực tiễn hiện nay.
Điện phải đi trước một bước
Về đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật tại một kỳ họp, Bộ trưởng cho biết, quy hoạch Điện VIII xác định đến năm 2030 tức chỉ còn hơn 5 năm nữa chúng ta phải tăng gấp đôi công suất. Đến năm 2050, tức 26 năm nữa phải tăng gấp 5 lần công suất hiện nay. Nếu từ bây giờ không có luật và không có những cơ chế, chính sách cụ thể chúng ta không thể thu hút được đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) - (Ảnh: QH)
Giai đoạn từ nay đến năm 2030 cần 14 - 16 tỷ USD mỗi năm, nhưng từ sau năm 2030 phải cần từ 16 - 18 tỷ USD/1 năm mới bảo đảm an ninh năng lượng điện. Do đó, Bộ rất mong luật này sớm được thông qua vì nếu không có chính sách thì không có đầu tư, không có đầu tư sẽ không có điện, không có điện thì không có gì hết. Điện phải đi trước một bước. Tuy nhiên, Bộ với tư cách cơ quan chủ trì soạn thảo hay lớn hơn là Chính phủ sẽ chấp hành quyết định của Quốc hội.
Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ đặt ra yêu cầu cấp bách là phải có cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ, khả thi mới thu hút được các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước cho phát triển các nguồn và lưới điện. Đặc biệt, là điện từ năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch hay lưới điện truyền tải liên miền.
Hiện nay, chúng ta đã có cơ chế cho thu hút đầu tư vào hệ thống lưới điện, điểm 2 Điều 4 Luật Điện lực (sửa đổi). Luật mới này cơ bản mở cánh cửa ra cho các nhà đầu tư đầu tư về hệ thống truyền tải. Đương nhiên, hệ thống cao áp và siêu cao áp phải là nhà nước, bây giờ đang cân nhắc giữa chuyện để 220kV trở xuống hay là 110kV trở xuống, nếu các đại biểu bấm nút thông qua điện áp 220kV trở xuống là tư nhân có thể đầu tư để có thể huy động được các nguồn năng lượng tái tạo phân tán rải rác, khắp nơi trong cả nước thì chúng tôi cũng chấp hành nhưng rõ ràng đây là vấn đề an ninh năng lượng quốc gia.
Bộ trưởng chia sẻ thêm, điện gió ngoài khơi ở các nước phát triển rất mạnh, nhưng chúng ta có một điểm khác với các nước, vì ở một vị trí địa chính trị, địa quốc phòng rất đặc biệt. Vì thế, không thể phát triển một cách ồ ạt, không có lựa chọn, không có những quy định chặt chẽ.
Vì vậy, phải quy định trước mắt là những tập đoàn nhà nước, trước mắt là những doanh nghiệp trong nước, trước mắt là những doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng không được chuyển giao, kể cả trong thời gian đầu tư dự án cũng như vận hành, đã chấp nhận là nhà đầu tư thì phải chấp nhận những điều kiện chúng ta đưa ra.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng nhiệm vụ đặt ra yêu cầu cấp bách là phải có cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ, khả thi mới thu hút được các nhà đầu tư (Ảnh: QH)
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, những ý kiến đóng góp cụ thể của các đại biểu về giải thích từ ngữ hay góp ý về kỹ thuật vào từng điều, Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ nghiêm túc tiếp thu để thể hiện trong dự thảo luật này. Với tinh thần cầu thị trong quá trình hoàn thiện dự án luật, cơ quan soạn thảo đã nỗ lực nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
“Sau phiên thảo luận hôm nay, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục cùng cơ quan chủ trì thẩm tra, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa và xác đáng ý kiến đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp này. Đây là điều chúng tôi thiết tha đề nghị, còn Quốc hội quyết thế nào chúng tôi chấp hành nhưng chúng tôi cho rằng, chậm 1 ngày có luật thì chậm cả năm, thậm chí nhiều năm để thu hút đầu tư” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Báo Công Thương