Tham dự buổi làm việc có đại diện các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Than - Khoáng sản Việt Nam và các Tổng công ty: Đông Bắc, khí Việt Nam cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương: Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Dầu khí - Than, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững,…
Khung cảnh cuộc họp
Đề xuất 3 kịch bản cung ứng điện năm 2025
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, có thể thấy, năm 2024 là năm có nhiều yếu tố có thể gây ảnh hưởng, nhưng công tác cung ứng điện năm 2024 đã cơ bản hoàn thành tốt, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế đất nước. Điều đó chứng tỏ, việc dự báo tình hình xây dựng kế hoạch, nhất là kế hoạch cho cả năm, cho từng quý và cho mùa khô,… điều chỉnh theo từng giai đoạn đã góp phần đảm bảo cung ứng điện trong năm vừa qua.
Năm 2025 được dự báo sẽ là năm có tốc độ tăng trưởng rất cao của nền kinh tế, phấn đấu đạt khoảng 7-8%, từ năm 2026 trở đi phấn đấu cố gắng đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 10%.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, xã hội là rất lớn, vì vậy, cần thiết phải xây dựng kế hoạch cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện sát với yêu cầu thực tiễn, trên tinh thần an toàn là trên hết.
Trên tinh thần đó, tại cuộc họp, đã lắng nghe 15 ý kiến của đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, báo cáo về tình hình thực hiện cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện năm 2024 vả dự kiến kế hoạch năm 2025; các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp, kiến nghị đối với Bộ Công Thương để đảm bảo cung ứng điện năm 2025 và cung cấp đủ than, khí cho sản xuất điện năm 2025.
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu của các đơn vị, tổ chức trong việc đảm bảo cung ứng điện cho năm 2024 dù bối cảnh có nhiều yếu tố ảnh hưởng và tác động đến việc cung ứng điện, cung ứng than, khí, các nguồn đầu vào cho sản xuất điện cùng rất nhiều diễn biến phức tạp.
Năm 2025 được xác định là năm tăng trưởng kinh tế đất nước sẽ đạt từ 7-7,5% trở lên, vì vậy, công tác cung ứng điện phải đảm bảo đạt từ 11% trở lên.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu ra 3 kịch bản cung ứng điện đã được thống nhất tại cuộc họp:
Kịch bản 1 (Kịch bản cơ sở): Tăng trưởng điện năng phải đạt từ 11-12%, các tháng mùa khô phải đạt từ 13% trở lên.
Kịch bản 2 (Kịch bản cao): Từ 12-13% trở lên, các tháng mùa khô phải đạt 14% trở lên.
Kịch bản 3 (Kịch bản cực đoan): Phải đạt từ 14-15% trở lên, các tháng mùa khô phải đạt 16% trở lên.
“Dựa vào kịch bản cung ứng điện nêu trên, Vụ Dầu khí - Than chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cung cấp than, khí và vận hành hồ chưa, bảo đảm nguồn cung đầu vào cho nhiên liệu và các điều kiện cung ứng điện cho năm 2025.” - Bộ trưởng đề nghị.
Tuyệt đối đảm bảo ung ứng điện, không để xảy ra mất cân đối cung-cầu điện trong mọi tình huống
Để thực hiện kế hoạch, chuẩn bị đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, tuyệt đối bảo đảm cung ứng điện của năm 2025, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu điện trong mọi tình huống, tuân thủ các quy định của pháp luật, tối ưu chi phí mua điện của toàn hệ thống và bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, tuyệt đối bảo đảm cung ứng điện của năm 2025, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu điện trong mọi tình huống
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị một số nhiệm vụ chung đối với các Tập đoàn, các Tổng công ty, cụ thể:
(i) Thực hiện nghiêm và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến vận hành hệ thống điện quốc gia, đầu tư phát triển các dự án nguồn điện và lưới điện được giao bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
(ii) Tăng cường phối hợp, thực hiện tốt các hợp đồng mua bán điện, cung cấp than, cung cấp khí cho sản xuất điện theo nguyên tắc tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia dân tộc, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” như chỉ đạo của Thủ tướng.
“Theo đó, kế hoạch cả năm sẽ được mã hóa theo từng quý và trong từng quý sẽ phải được điều chỉnh cho phù hợp, trên hết là mọi tình huống phải đảm bảo cung ứng đủ điện.” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
(iii) Chủ động, tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị; phải đảm bảo nguồn cung năng lượng trong mọi tình huống, không được để đứt gẫy nguồn cung.
(iv) Các Tập đoàn, Tổng công ty khẩn trương chỉ đạo, khắc phục triệt để những hư hỏng, sự cố của các nhà máy, các tổ máy và các đường dây, trạm biến áp (nếu có) trong phạm vi quản lý, bảo đảm các nhà máy đủ khả năng hoạt động và sẵn sàng vận hành tối đa công suất trong điều kiện kỹ thuật cho phép.
(v) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Chủ đầu tư các nhà máy điện trực thuộc trong việc thực hiện bảo đảm cung cấp điện năm 2025 và những năm tiếp theo.
(vi) Thực hiện tốt công tác truyền thông để truyền tải thông tin một cách chính thống, kịp thời, đầy đủ; qua đó tạo sự đồng thuận trong dư luận, khách hàng và nhân dân.
(vii) Đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành các dự án đầu tư liên quan đến phát triển nguồn và truyền tải cũng như trạm biến áp và các thiết bị lưu trữ, bảo đảm nguồn điện. Từng đơn vị cũng cần tính đến việc phát triển thêm các hệ thống lớn, phương tiện mới để duy trì truyền tải điện.
(viii) Chủ động xây dựng kế hoạch nâng mức dự phòng vật tư, phương tiện, thiết bị để sẵn sàng đối phó với các tình huống bất trắc về kỹ thuật và đối phó với thiên tai, đáp ứng nhu cầu cung ứng điện năng.
“Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Công Thương ủng hộ việc nâng mức dự phòng, dự trữ vật tư thiết bị,… cho năm 2025 và những năm tiếp theo.” - Bộ trưởng nêu.
(ix) Khẩn trương rà soát, hoàn thành việc ban hành cơ chế giá của các loại hình điện mới như điện gió, điện năng sinh khối, điện qua pin lưu trữ, điện khí,…
Bộ trưởng nhấn mạnh, kế hoạch cả năm sẽ được mã hóa theo từng quý và trong từng quý sẽ phải được điều chỉnh cho phù hợp, trên hết là mọi tình huống phải đảm bảo cung ứng đủ điện
Về các nhiệm vụ cụ thể, Bộ trưởng đề nghị,
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN):
(i) Tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo, phối hợp với NSMO trong công tác bảo đảm cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân.
Trong đó, lưu ý phối hợp chặt chẽ với NSMO để rà soát, thống nhất các thông số đầu vào phục vụ công tác lập Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2025.
(ii) Đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu điện từ các nhà máy sản xuất điện từ Lào theo quy định, đặc biệt các nhà máy điện có khả năng đấu nối bán điện về Việt Nam trước cao điểm mùa khô năm 2025, đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện phục vụ nhập khẩu điện từ Lào.
(iii) Chỉ đạo các đơn vị thuộc Tập đoàn rà soát, đồng bộ các thiết bị, đảm bảo sẵn sàng vận hành các thiết bị phù hợp, hệ thống rơ le bảo vệ, tự động và các mạch sa thải liên động trên hệ thống điện quốc gia nhằm khai thác tối đa khả năng truyền tải của đường dây; hạn chế các công tác lưới điện có ảnh hưởng đến cung cấp điện và giải tỏa nguồn điện, nhất là khi hệ thống điện mặt trời áp mái sẽ được nối lên hệ thống.
(iv) Phối hợp với NSMO và các đơn vị có liên quan để nghiên cứu phương án thi công dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng trong các tháng 6, 7/2025 và đánh giá về khả năng ảnh hưởng đến cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2025, cũng như khả năng tích nước đến cuối năm 2025 để phục vụ phát điện năm 2026.
(v) Đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư nguồn trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và Quy hoạch điện VIII. Đặc biệt là các công trình giải tỏa nguồn, tăng khả năng nhập khẩu, chống quá tải, nâng cao khả năng khai thác truyền tải của đường dây 500kV (Dự án lắp đặt 1404 MVAr tụ bù ngang miền Bắc, cập nhật mạch sa thải đặc biệt, dự án lắp đặt kháng bù ngang trên hệ thống điện 500kV) để đảm bảo cấp điện phụ tải nhằm đảm bảo an ninh cung ứng điện năm 2025 và các năm tiếp theo.
(vi) Chỉ đạo Tổng công ty Điện lực và đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý nguồn phụ tải, tiếp tục quan tâm đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng hiệu quả, chuyển dịch phụ tải và chuẩn bị các phương án điều hòa/điều tiết phụ tải, huy động nguồn điện từ diesel để ứng phó khi cần thiết, đồng thời, tính toán các phương án cấp điện cho một số đảo xa, một số bản làng vùng cao.
(vii) Chỉ đạo rà soát, củng cố hệ thống kỹ thuật, nhất là hệ thống lưới điện cơ sở, các trạm biến áp để sẵn sàng cho cơ chế mua bán điện trực tiếp trong tình huống sử dụng lưới điện quốc gia và thực hiện cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái.
Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và PVGas:
(i) Ưu tiên cung cấp tối đa khí và thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng cung cấp khí cho sản xuất điện; cố gắng khai thác các mỏ trong nước, nghiên cứu đàm phán, điều chỉnh hợp đồng nhằm đảo bảo nguồn cung ổn định và giá cả hợp lý.
(ii) Chịu trách nhiệm phân bổ phần khí PM3-CAA đã trả trước đảm bảo thu hồi đủ quyền của Việt Nam trong các cam kết nhiên liệu giai đoạn 2024 - 2026, khẩn trương thông báo cho EVN, NSMO để phối hợp trong công tác huy động nguồn điện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị các đơn vị chủ động triển khai, xây dựng kế hoạch cung ứng điện và biểu đồ cung ứng than, khí và cơ chế vận hành các hồ chứa và ban hành trong đầu năm 2025
Đối với TKV, Tổng công ty Đông Bắc: Chủ động nâng cao năng lực khai thác tối đa than trong nước, đồng thời, nhập khẩu than từ nước ngoài, ưu tiên nhập khẩu than từ Lào để vừa đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho sản xuất trong nước vừa đáp ứng thực hiện Hiệp định giữa 2 Chính phủ về mua bán than và điện.
Đối với các Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than: Phải chủ động lập kế hoạch sản xuất điện, chuẩn bị nguồn than đảm bảo đủ nguồn than theo nhu cầu phát điện của hệ thống điện hàng tháng và cả năm 2025, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bị động về nguồn cung nhiên liệu và không để xảy ra tình trạng hỏng thiết bị, máy móc, hoặc không được được sửa chữa, không để xảy ra tình trạng khi cần không thể nâng công suất nhà máy.
Đối với các đơn vị của Bộ Công Thương
Trước hết, đề nghị NSMO:
(i) Phối hợp với Cục Điều tiết điện lực xây dựng Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2025 (trong đó bao gồm nhu cầu nhiên liệu than, khí của từng nhà máy điện tham gia hệ thống điện quốc gia), báo cáo Bộ Công Thương để xem xét phê duyệt.
(ii) Lập phương thức vận hành và huy động hợp lý các nguồn điện (bao gồm cả nguồn năng lượng tái tạo) trong hệ thống điện quốc gia để đảm bảo cung ứng đủ điện trên cơ sở nguyên tắc minh bạch, công bằng, tối ưu chi phí toàn hệ thống, phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật của lưới điện và các quy định pháp luật.
(iii) Đề xuất các phương án điều tiết các hồ chứa thủy điện một cách linh hoạt nhằm đảm bảo tối ưu sử dụng tài nguyên nước và khai thác các nhà máy thủy điện phục vụ cung cấp điện.
(iv) Xây dựng phương án điều chỉnh phụ tải trong thời điểm cực đoan về thời tiết, huy động tối đa, tối ưu các nguồn có thể bổ sung công suất cho cung ứng điện năm 2025.
(v) Rà soát cùng Vụ Kế hoạch - Tài chính xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp và bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động của NSMO, cả những cơ chế chính sách để duy trì cho hoạt động của NSMO.
Thứ hai, đề nghị Cục Điều tiết điện lực:
(i) Đôn đốc, chỉ đạo NSMO khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2025.
(ii) Chủ trì đề xuất, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tổ chức các Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát định kỳ về tình hình chuẩn bị, thực hiện kế hoạch cung ứng điện và biểu đồ cung cấp than, khí cho phát điện.
(iii) Khẩn trương hoàn thiện, trình Bộ ban hành Thông tư quy định về khung giá cho các loại hình điện năng mới. Đồng thời, xem xét đề xuất ban hành thí điểm cơ chế giá điện hai thành phần, khung giá theo giờ,…
Thứ ba, đề nghị Vụ Dầu khí và Than:
(i) Chủ trì làm việc với PVN, PVGAS, EVN và các đơn vị có liên quan về khả năng cung cấp khí bổ sung cho khu vực Đông Nam Bộ, cơ chế phân bổ khí cho các hộ dùng điện.
(ii) Trên cơ sở Kế hoạch cung ứng điện và vận hành hệ thống điện năm 2025 được phê duyệt, trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt Biểu đồ cấp than, khí cho sản xuất điện năm 2025, trong đó bao gồm dự kiến khối lượng than cho sản xuất điện các tháng mùa khô năm 2025.
(iii) Rà soát để sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến trách nhiệm Bộ trong vấn đề này.
Thứ tư, đề nghị Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo:
(i) Phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia bám sát để tham mưu cho Ban Chỉ đạo và Bộ trưởng đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư các công trình nguồn điện và đường dây truyền tải đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm cung ứng điện cũng như giải tỏa công suất điện cho các (2h33p35)
(ii) Tổ chức làm việc với các Chủ đầu tư dự án BOT Vũng Áng 2, cố gắng đưa tổ máy S1 phấn đấu vào vận hành phát điện trước ngày 30/4/2025; hướng dẫn EVN công tác tiếp nhận nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 bàn giao cho Việt Nam.
(iii) Phối hợp với các đơn vị xây dựng Nghị định để thực hiện Luật Điện lực (Sửa đổi)
(iv) Rà soát đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư nguồn điện truyền tải, thuộc thẩm quyền của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.
(v) Đặc biệt, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu để sớm xử lý các dự án năng lượng tái tạo chậm tiến độ theo Kết luận thanh tra số 1027/KL-TTCP, sớm huy động được những dự án này vào cung ứng điện.
(vi) Tăng cường kiểm tra, đôn đốc giám sát việc thực hiện các dự án, công trình cùng với Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia.
Đề nghị Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp:
(i) Chủ trì cùng với EVN làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên - Môi trường về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và vận hành linh hoạt các hồ chứa thủy điện.
(ii) Thường xuyên bám sát hoạt động sản xuất điện, than, khí của các doanh nghiệp liên quan; chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị sản xuất điện, than, khí thực hiện các giải pháp cụ thể để đảm bảo an toàn trong sản xuất, không để xảy ra các tai nạn nghiêm trọng.
Bộ trưởng chỉ đạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chủ động chỉ đạo, chủ động khuyến cáo và chủ động kiểm tra và có báo cáo kịp thời trước những biến động của thời tiết.
(iii) Bám sát tình hình diễn biến thủy văn và diễn biến của thời tiết để kịp thời chỉ đạo theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị liên quan trong việc vận hành các hồ chứa thủy điện, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Thứ năm, đề nghị Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững: Đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, phối hợp cùng NSMO và Cục Điều tiết điện lực tham mưu, đưa ra các kịch bản phụ tải trong những thời điểm cực đoan của thời tiết. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện của các đơn vị.
Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị, sau cuộc họp, các đơn vị chủ động triển khai, xây dựng kế hoạch cung ứng điện và biểu đồ cung ứng than, khí và cơ chế vận hành các hồ chứa và sẽ ban hành trong đầu năm 2025.
Huyền My