Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ hai, 20/01/2025 | 07:09 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Nghiên cứu đào tạo

Mối tương quan giữa các giao dịch mua bán điện trực tiếp trong thị trường bán buôn điện Việt Nam và các khung pháp lý liên quan

01/01/2025
Trước khi cơ chế DPPA ra đời, theo quy định tại Luật Điện lực (điểm b khoản 1 Điều 47), khách hàng sử dụng điện lớn có quyền mua điện trực tiếp của đơn vị phát điện thông qua hợp đồng có thời hạn hoặc mua điện giao ngay trên thị trường điện; tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cơ chế này một cách rộng rãi là chưa thực sự khả thi do chưa phù hợp với sự phát triển của thị trường điện.
Ngày 03/07/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn, trong đó quy định  cơ chế mua bán điện trực tiếp được thực hiện thông qua 2 hình thức: Mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng và Mua bán điện trực tiếp qua Lưới điện quốc gia. Có thể nói, cơ chế DPPA được xem là 01 trong những bước đi có tính đột phá trong lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam, đây có thể được coi là giải pháp đầu tiên để triển khai các bước thí điểm cơ chế thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Cơ chế DPPA cho phép khách hàng sử dụng điện lớn trực tiếp đàm phán hợp đồng, mua điện trực tiếp từ các nguồn năng lượng tái tạo, thực hiện các giao dịch mua bán điện thông qua thị trường điện giao ngay hoặc qua đường dây kết nối riêng.
Theo Quyết định 63/2013/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện được phê duyệt theo Quyết định 63/2013/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ như sau: 
Năm 2020, Bộ Công Thương đã hoàn thành Đề án về thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (VREM), báo cáo Thủ tướng Chỉnh phủ thông qua, trên cơ sở đó Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2093/QĐ-BCT ngày 07/08/2020 về mô hình thiết kế, các giải pháp và kế hoạch thực hiện thị trường bán lẻ điện gồm có 2 bước: 
(i) Bước 1- Khách hàng sử dụng điện tham gia mua điện trên thị trường điện giao ngay:  Thực hiện thí điểm khách hàng lớn ký hợp đồng với các nguồn điện sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời;
(ii) Bước 2 - Khách hàng lớn lựa chọn đơn vị bán lẻ điện gồm các công tác: Hoàn thiện cơ chế cho phép KH trực tiếp mua điện trên thị trường điện giao ngay và cho phép các khách hàng sử dụng điện trên toàn quốc được quyền lựa chọn, thay đổi đơn vị bán lẻ điện (theo lộ trình phù hợp với quy mô tiêu thụ điện của khách hàng)
Đến nay, các công tác chuẩn bị cho thị trường VREM vẫn đang được tiến hành và dần hoàn thiện như đang trong quá trình sửa đổi Luật Điện lực với mục tiêu hoàn thiện các quy định liên quan đến thị trường điện (giá phân phối điện, giá SMO, các hình thức giao dịch trên thị trường điện); tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (NLDC) khỏi EVN để đảm bảo tính công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các thành viên tham gia thị trường điện;  quy định về DPPA đã được Chính phủ ban hành. Như vậy, có thể coi cơ chế DPPA là một bước trong tiến trình phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh lên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Vậy làm như thế nào để đảm bảo hiện thực hóa việc triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA. Nhìn nhận một cách khách quan, vấn đề trước tiên là cần phải có một khung pháp lý và các quy định liên quan thật sự rõ ràng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và khả năng đáp ứng của các bên liên quan.
Trong phạm vi của cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA, các bên liên quan, các hợp đồng và các quy định được trình bày chi tiết như trong biểu đồ dưới đây:
   
Phân tích các loại giao dịch trong thị trường bán buôn điện Việt Nam
Theo cơ chế DPPA, có bốn mô hình giao dịch mua bán điện trực tiếp chính trong thị trường bán buôn điện Việt Nam:
1. Giao dịch giữa khách hàng sử dụng điện lớn và nhà máy phát điện năng lượng tái tạo (NLTT): Giao dịch này sử dụng hợp đồng "Chênh lệch" (Contract for Difference - CfD) để xác định giá thực hiện, giúp các bên ổn định được giá điện, giảm thiểu rủi ro biến động giá trên thị trường.
2. Giao dịch giữa EVN (hoặc công ty con) và nhà máy phát điện NLTT: Giá điện được xác định dựa trên giá thị trường điện giao ngay (Spot Market), và hợp đồng được thực hiện dưới dạng "PPA" (Power Purchase Agreement). Hợp đồng PPA hiện đang là loại hợp đồng chủ đạo trong các giao dịch mua bán điện trực tiếp tại Việt Nam. 
3. Giao dịch giữa các công ty điện lực (PC) và nhà máy phát điện NLTT hoặc EVN: Trong các giao dịch này, giá điện cũng được xác định dựa trên giá thị trường điện giao ngay, nhưng có thêm các chi phí phụ khác như tổn thất lưới điện,...
4. Giao dịch giữa khách hàng tiêu thụ điện lớn và các công ty điện lực (PC): Giá điện trong trường hợp này được điều chỉnh theo giá bán lẻ điện thông qua hợp đồng MBPSA (Multiple Buyer Power Supply Agreement), dựa trên Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg và các quy định khác của chính phủ.
5. Giao dịch khi Khách hàng ủy quyền cho Khu công nghiệp:  Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền thực hiện đàm phán, ký kết hợp đồng kỳ hạn trên cơ sở các nội dung đã được hướng dẫn tại Nghị định. Thời hạn của Hợp đồng kỳ hạn, giá hợp đồng và sản lượng điện cam kết trong hợp đồng kỳ hạn cho các chu kỳ giao dịch trong tương lai do hai bên thỏa thuận, thống nhất. Sản lượng hợp đồng và giá hợp đồng do hai bên thoả thuận, thống nhất cho các chu kỳ giao dịch trên thị trường điện giao ngay. Lưu ý là giá tham chiếu được lấy bằng Giá thị trường điện giao ngay do Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện tính toán, công bố theo Quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh được Bộ Công Thương ban hành. Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền và Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo thực hiện tính toán, thanh toán sản lượng điện hợp đồng theo Hợp đồng kỳ hạn bằng mức chênh lệch giữa giá cam kết tại hợp đồng với giá thị trường điện giao ngay (giá tham chiếu)
Khung pháp lý điều chỉnh các giao dịch mua bán điện trực tiếp DPPA 
Khung pháp lý hiện hành cho các giao dịch mua bán điện trực tiếp được xây dựng trên nền tảng của một loạt các Luật như Luật Giá, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Điện lực và các văn bản dưới Luật có liên quan. Đối với các quy định trong ngành điện, cơ chế DPPA sẽ liên quan trực tiếp tới các quy định về giá điện, thị trường điện, hệ thống điện.
Về giá bán lẻ điện, Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và các văn bản hướng dẫn phù hợp với lộ trình phát triển thi trường điện lực cạnh tranh và thiết kế của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được duyệt.
Về thị trường điện, Thông tư số 21/2024/TT-BCT ngày 10 tháng 10 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Trong đó đã bổ sung, hoàn thiện quy định các nhà máy phát điện năng lượng tái tạo tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Ngoài ra, việc xác định giá phát điện và hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện năng lượng tái tạo quy định tại Thông tư số 07/2024/TT-BCT ngày 12 tháng 4 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện. Các quy định này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường pháp lý ổn định, minh bạch cho các giao dịch mua bán điện trực tiếp.
Mặc dù khung pháp lý hiện hành đã tạo cơ sở ban đầu cho các giao dịch mua bán điện trực tiếp nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết. Một trong những thách thức lớn nhất là việc áp dụng các quy định pháp lý, đặc biệt là khi liên quan đến các giao dịch mới và phức tạp như Hợp đồng CfD. Ngoài ra, khi triển khai cơ chế DPPA, các bên liên quan bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, EVN, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện (Công ty TNHH MTV vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia – NSMO) cần phối hợp chặt chẽ, cập nhật liên tục các quy định pháp lý để đảm bảo việc thực hiện các giao dịch, Hợp đồng CfD theo đúng quy định pháp luật, đúng nguyên tắc, tránh các trường hợp ảnh hưởng không tốt đến thị trường như nội dung hợp đồng CfD không minh bạch/rõ ràng, các doanh nghiệp kê khai thuế chưa chính xác, đầy đủ…
Không thể phủ nhận các giao dịch mua bán điện trực tiếp trong thị trường bán buôn điện Việt Nam đang mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển của ngành điện, đặc biệt là trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để tận dụng được các cơ hội này, việc hoàn thiện khung pháp lý là điều kiện tiên quyết. Một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường điện trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh thị trường điện Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường điện quốc tế.
Cục Điều tiết điện lực

Cùng chuyên mục

Người kỹ sư luôn tận tâm với công tác An toàn điện

17/01/2025

34 năm gắn bó với ngành điện, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, nhưng ở vị trí nào, anh Phan Văn Điền – Kỹ sư Chuyên trách an toàn, Công ty Điện lực Củ Chi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc, làm lợi cho đơn vị hàng chục tỷ đồng.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302