Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam có nhiều quy định liên quan đến ngành điện nói chung và biểu giá điện nói riêng; tuy nhiên, không có quy định cụ thể nào hướng dẫn xác định mức giá thực hiện theo thỏa thuận trong Hợp đồng CfD giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn. Hợp đồng CfD cho phép cả hai bên thương lượng mức giá thực hiện mà tại đó Đơn vị phát điện NLTT đồng ý bán một phần năng lượng nhất định cho Khách hàng sử dụng điện.
Do cơ chế DPPA không thay thế thị trường hiện tại, thỏa thuận giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn được hình thành như một Hợp đồng CfD giữa hai bên, yêu cầu thanh toán tiền dựa trên sự chênh lệch giữa giá thực hiện theo thỏa thuận và giá trên thị trường điện giao ngay. Nếu giá thực hiện cao hơn giá trên thị trường điện giao ngay thì Khách hàng sẽ phải trả khoản chênh lệch cho Đơn vị phát điện NLTT, và Đơn vị phát điện NLTT sẽ phải thanh toán tiền cho Khách hàng sử dụng điện lớn nếu giá thực hiện thấp hơn giá trên thị trường điện giao ngay. Điều này đảm bảo một mức giá cam kết cho cả Khách hàng và Đơn vị phát điện NLTT.
Chính phủ Việt Nam khuyến khích phát triển NLTT và đã có các chính sách cho phép các Đơn vị phát điện NLTT được hưởng các ưu đãi về thuế và các ưu đãi đầu tư khác khi đầu tư vào các cơ sở sản xuất NLTT.
Theo nghiên cứu thông lệ ở một số quốc gia được tham khảo cho thấy, CfD trong mô hình DPPA tài chính có thể được xem là công cụ phái sinh tại Úc (theo luật thuế) và Nhật Bản (trong trường hợp không phải để chuyển nhượng Chứng nhận năng lượng tái tạo), hoặc là một hợp đồng tài chính tại Trung Quốc. Trong khi đó, nguyên tắc lập hoá đơn và việc áp dụng VAT/hoặc Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) cho CfD ở mỗi quốc gia này có thể khác nhau tùy thuộc vào từng cơ chế thuế tại từng nước. Tại Việt Nam, định nghĩa và phạm vi giao dịch phái sinh được quy định riêng biệt theo các luật khác nhau với đối tượng, nội dung cụ thể và riêng biệt. Chưa có quy định nào đưa ra những nguyên tắc chung hay định nghĩa thống nhất về giao dịch phái sinh để áp dụng cho tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, để tìm hiểu tổng thể các giao dịch phái sinh hiện hành trong bối cảnh quy định của Việt Nam và đánh giá sự tương đồng với CfD trong mô hình DPPA tài chính, những quy định sau đây đã được lựa chọn và thống nhất để xem xét chi tiết như sau:
Các quy định về điện lực: cơ chế “thanh toán sai khác” đã tồn tại trong PPA giữa đơn vị phát điện và EVN, theo đó EVN và đơn vị phát điện thực hiện thanh toán phần chênh lệch giữa mức giá thị trường và giá quy định trong PPA cho phần sản lượng đã thống nhất. Nếu giá thị trường vượt mức giá trong PPA, đơn vị phát điện có nghĩa vụ trả phần chênh lệch cho EVN và ngược lại. Tổng doanh thu mà đơn vị phát điện nhận được theo PPA bao gồm doanh thu thị trường (dựa trên sản lượng thực tế theo giá thị trường hiện hành), được điều chỉnh với khoản chênh lệch phát sinh từ cơ chế “thanh toán sai khác”.
Ngoài các quy định về thuế, còn có các quy định về việc thiết lập giá bán buôn điện do các cơ quan có thẩm quyền ban hành như: Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; Thông tư số 21/2024/TT-BCT ngày 10/10/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Thông tư số 07/2024/TT-BTC ngày 12/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện…
Quy định kế toán: Hiện chưa có định nghĩa hay hướng dẫn cụ thể về công cụ tài chính phái sinh trong các quy định kế toán cũng như chưa có hướng dẫn chi tiết về kế toán phái sinh trong Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS). Mặc dù vậy, quy định về kế toán Việt Nam hiện chấp nhận việc tham chiếu đến Các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, trong đó, có đề cập về định nghĩa công cụ tài chính phái sinh, có tương đồng với CfD theo mô hình DPPA tài chính.
Các luật chuyên ngành - Luật Chứng khoán, Luật Thương mại, Luật Các tổ chức tín dụng: Phạm vi và định nghĩa về công cụ phái sinh theo các luật này là chuyên biệt cho các đối tượng cụ thể thuộc phạm vi áp dụng của từng luật. Ví dụ: giao dịch phái sinh với chứng khoán được điều chỉnh bởi Luật Chứng khoán, trong khi giao dịch phái sinh với hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa được điều chỉnh bởi Luật Thương mại hoặc hoạt động cung cấp sản phẩm phái sinh (đối với lãi suất, tỷ giá) của các ngân hàng thương mại được điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng. Mặc dù vậy, các công cụ tài chính phái sinh hiện được điều chỉnh bởi các Luật này có những điểm tương đồng với CfD trong mô hình DPPA tài chính.
Quy định về thuế: Liên quan đến thuế giá trị gia tăng (GTGT): Tại Luật Điện lực sửa đổi mới được Quốc hội thông qua ngày 30/11/2024, có quy định cơ chế thuế GTGT đối với giao dịch hợp đồng kỳ hạn điện (CfD),hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện, hợp đồng tương lai điện áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế GTGT. Việc quy định hợp đồng kỳ hạn điện tại Luật Điện lực là cơ sở pháp lý để hướng dẫn cơ chế thuế GTGT đối với hợp đồng này.
Theo quy định tại Điều 5 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (số 01/VBHN-VPQH ngày 28/4/2016 của Quốc hội), hợp đồng kỳ hạn là một hình thức dịch vụ tài chính phái sinh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán và không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn phân tích rõ hơn về khuôn khổ pháp lý có liên quan tại Việt Nam liên quan đến giá giao dịch trong Hợp đồng CfD để các bên liên quan có cơ sở tham khảo, đánh giá để tính toán cho việc thực hiện Hợp đồng CfD khi tham gia cơ chế DPPA.
Cục Điều tiết điện lực