Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ hai, 20/01/2025 | 05:55 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Nghiên cứu đào tạo

Lợi ích và Khó khăn của khách hàng sử dụng điện khi Thực hiện Cơ chế Mua bán Điện Trực tiếp (DPPA)

02/01/2025
Nghị định số 80/2024/NĐ-CP cho phép các Khách hàng sử dụng điện lớn được mua điện trực tiếp từ các Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bao gồm năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt và các dạng năng lượng tái tạo khác và hệ thống điện mặt trời trên mái nhà
DPPA là cơ chế mua bán điện trực tiếp được thực hiện thông qua hai phương thức: (i) Mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây riêng; (ii) Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, cũng như trong ngắn hạn việc thực hiện cơ chế DPPA đối với khách hàng sử dụng điện lớn ngoài những thuận lợi nhưng cũng có không ít những khó khăn khi triền khai thực hiện.
Lợi ích của cơ chế DPPA đối với khách hàng sử dụng điện lớn
 
Hình ảnh minh họa về các lợi ích của việc sử dụng cơ chế Mua bán Điện Trực tiếp (DPPA).
Khách hàng sử dụng điện lớn là tổ chức, cá nhân mua điện để sử dụng không bán lại cho tổ chức, cá nhân khác, theo quy định của Bộ Công Thương phù hợp với từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện hoặc có sản lượng tiêu thụ bình quân theo quy định.
Các chuyên gia nhận định rằng cơ chế DPPA có thể thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ hơn vào các dự án năng lượng tái tạo trong nước, từ đó không chỉ góp phần phát triển bền vững về môi trường mà còn nâng cao hiệu quả của thị trường điện tại Việt Nam. Nhờ đó, các khách hàng sử dụng điện lớn sẽ có thêm nhiều lựa chọn, đồng thời được hưởng lợi từ mức giá cạnh tranh khi mua bán điện với các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo cũng như tạo cơ hội để các doanh nghiệp sớm có được chứng chỉ năng lượng tái tạo, chứng chỉ giảm phát thải carbon để tăng sức cạnh tranh hàng hóa khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Các tập đoàn, công ty có nhu cầu sử dụng một lượng điện lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh) tham gia vào cơ chế DPPA do thông qua cơ chế này một mặt họ đáp ứng được các cam kết toàn cầu về sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển bền vững (ví dụ: RE100, REBA); mặt khác họ cũng đảm bảo được nguồn cung năng lượng trong dài hạn và giảm thiểu được rủi ro về chi phí sử dụng năng lượng trong tương lai do có thể đàm phán và cố định được giá mua điện.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR - Corporate Social Responsibility): Việc áp dụng DPPA có thể nâng cao hồ sơ CSR của khách hàng sử dụng điện, thể hiện cam kết thực hiện các hoạt động bền vững và giảm lượng khí thải carbon, điều này ngày càng quan trọng đối với người tiêu dùng, nhà đầu tư và đối tác.
Quản lý chi phí và tính ổn định: Tham gia vào DPPA có thể giúp các khách hàng sử dụng điện có thể tiên lượng và dự đoán về chi phí năng lượng và các chi phí năng lượng có khả năng thấp hơn. Tính ổn định về chi phí năng lượng này có thể hỗ trợ cho việc lập kế hoạch tài chính và lập ngân sách dài hạn của doanh nghiệp.
Lợi thế cạnh tranh và sự khác biệt trên thị trường: Việc chuyển đổi sử dụng NLTT thông qua DPPA có thể mang lại lợi thế cạnh tranh. Các khách hàng sử dụng NL  sạch có thể được khách hàng và bên liên quan đánh giá và ghi điểm về việc có ý thức bảo vệ môi trường ủng hộ, tạo sự khác biệt trên thị trường, nhất là khách hàng thị trường Châu Âu và nhiều thị trường của các quốc gia phát triển.
Liên quan đến REC cũng là một lợi thế khi tham gia DPPA và cơ chế mua bán REC góp phần thúc đẩy phát triển các dự án đầu tư cho năng lượng tái tạo và giảm các nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, từ đó thúc đẩy quá trình giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng của quốc gia. Khi phát triển thị trường REC cũng hỗ trợ tài chính để khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo: Việc bán REC có thể giúp các nhà đầu tư có thêm động lực để tiếp tục phát triển thêm các dự án phát điện tái tạo và giảm dần, thay thế các cơ chế hỗ trợ tài chính từ Chính phủ như cơ chế biểu giá cố định (Cơ chế giá FIT - Feed in tariff).
Khó khăn, thách thức của khách hàng sử dụng điện lớn
 
Hình ảnh minh họa về các khó khăn khi thực hiện cơ chế Mua bán Điện Trực tiếp (DPPA).
Một khảo sát do Bộ Công Thương thực hiện vào cuối năm 2023 cho thấy, trong số 41 đại diện khách hàng được khảo sát, có 20 đơn vị (với tổng công suất 996 MW) bày tỏ mong muốn tham gia cơ chế DPPA. Điều này cho thấy hơn 50% khách hàng sử dụng điện vẫn còn do dự trong việc tham gia vào cơ chế này.
Do DPPA là một cơ chế còn mới tại Việt Nam nên khó tránh khỏi một số vấn đề có thể nảy sinh trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, các Khách hàng sử dụng điện lớn trong các Khu công nghiệp mà chủ yếu là các doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc các chuỗi cung ứng của các Tập đoàn nước ngoài đều là các doanh nghiệp có nhu cầu mạnh mẽ và cấp thiết về việc chứng mình sử dụng năng lượng sạch trong hoạt động sản xuất của mình nhằm đáp ứng các cam kết của các Tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, như quy định ở trên, nếu các doanh nghiệp sử dụng điện nằm trong các khu công nghiệp và đang mua điện trực tiếp từ Đơn vị bán lẻ trong Khu công nghiệp thì sẽ không thể nào mua bán điện trực tiếp với đơn vị phát điện do bị ràng buộc bởi các hợp đồng mua điện hiện hữu. Bên cạnh đó, các đơn vị bán lẻ điện tại các Khu công nghiệp cũng không thể mua điện từ đơn vị phát điện năng lượng tái tạo để bán lại cho Khách hàng sử dụng điện của mình vì họ lại không phải là đối tượng mua bán điện trực tiếp theo quy định tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP. Theo Điều 47 Luật điện lực, việc mua bán điện trực tiếp với đơn vị phát điện là quyền của Khách hàng sử dụng điện lớn và cũng theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Điện lực thì Khách hàng sử dụng điện được định nghĩa là tổ chức, cá nhân mua điện để sử dụng, không bán lại cho tổ chức, cá nhân khác. 
Vì vậy, khi Nghị định số 80/2024/NĐ-CP được ban hành, các điều khoản trong Nghị định này đã cho phép Khách hàng sử dụng điện lớn đang mua điện từ Đơn vị bán lẻ điện trong KCN được chủ động tiếp cập với việc sử dụng nguồn năng lượng sạch thông qua việc được chuyển sang ký kết hợp đồng mua điện với Tổng công ty điện lực để mua điện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp hoặc ủy quyền cho đơn vị bán lẻ điện trong Khu công nghiệp tham gia cơ chế này. Khi đó, Đơn vị bán lẻ điện cần phải thỏa thuận và thống nhất được với Khách hàng sử dụng điện lớn về mức chi phí bán lẻ trong hàng rào khu công nghiệp để tính toán và thanh toán với Khách hàng. Đây cũng là một điểm mới mà Đơn vị bán lẻ điện trong Khu công nghiệp cũng như Khách hàng sử dụng điện lớn trong Khu công nghiệp sẽ cần phải nghiên cứu, tìm hiểu để thỏa thuận được mức chi phí này.
Một khó khăn tiềm ẩn nữa là chuẩn bị nội dung, đàm phán Hợp đồng mua bán điện trong trường hợp mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây kết nối riêng, hai bên tham gia cơ chế DPPA là Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn. Tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, hợp đồng này được quy định mang tính chất định hướng, còn các nội dung cụ thể liên quan đến vấn đề mua bán, trao đổi, giá cả,… sẽ do hai bên tự thỏa thuận. Đây là những nội dung hoàn toàn mới mẻ đối với cả khách hàng sử dụng điện lớn và Đơn vị phát điện NLTT; do đó, hai bên cần thời gian, nguồn lực để nghiên cứu kỹ các quy định pháp lý, điều kiện, nhu cầu, mục tiêu khi chuẩn bị các nội dung cũng như đàm phán hợp đồng…
Đối với hình thức mua bán qua đường dây riêng, các bên tự thỏa thuận về công suất, sản lượng và giá điện. Hình thức này không giới hạn công suất và áp dụng cho các nguồn điện như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu và điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, việc triển khai có thể gặp khó khăn liên quan đến khoảng cách giữa nhà máy điện và khách hàng. Việc này dẫn tới một số vấn đề phát sinh như bổ sung quy hoạch đường dây kết nối riêng, giải phóng mặt bằng….
Đối với hình thức mua bán qua lưới điện quốc gia, ngoài quy định về sản lượng điện tiêu thụ bình quân tại thời điểm nộp hồ sơ tham gia DPPA phải đạt từ 200.000 kWh/tháng trở lên (tính trung bình trong 12 tháng gần nhất), các khách hàng sử dụng điện lớn mới hoặc có thời gian sử dụng điện dưới 12 tháng cũng cần đảm bảo sản lượng đăng ký từ 200.000 kWh/tháng trở lên. Đồng thời, các khách hàng này phải tuân thủ các quy định chung của pháp luật về quy hoạch, đầu tư; giấy phép hoạt động điện lực; an toàn điện, phòng chống cháy nổ trong xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, vận hành (phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) và an toàn trong sử dụng điện; cũng như các quy định liên quan đến mua bán điện, hợp đồng và các quy định pháp luật khác có liên quan. Đây cũng là rủi ro cho bên mua, nếu trong vòng đời của hợp đồng mà doanh nghiệp sử dụng điện ít hơn mức tối thiểu này thì họ có khả năng vi phạm/không đáp ứng các điều khoản hợp đồng với đơn vị phát điện NLTT...
Nghị định 80/2024/NĐ-CP được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng với các khách hàng sử dụng điện lớn và nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và khách hàng sử dụng điện, và kỳ vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Do đó, thị trường DPPA toàn cầu đã tăng trưởng với tốc độ ấn tượng trong vài năm qua. Mặc dù Nghị định 80/2024/NĐ-CP là một bước đi đúng hướng, nhưng vẫn cần phải vượt qua một số thách thức để đạt được những kết quả, mục tiêu đề ra. Lợi ích và Khó khăn của khách hàng sử dụng điện khi Thực hiện Cơ chế Mua bán Điện Trực tiếp (DPPA)
Nghị định số 80/2024/NĐ-CP cho phép các Khách hàng sử dụng điện lớn được mua điện trực tiếp từ các Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bao gồm năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt,các dạng năng lượng tái tạo khác và hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.
DPPA là cơ chế mua bán điện trực tiếp được thực hiện thông qua hai phương thức: (i) Mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây riêng; (ii) Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, cũng như trong ngắn hạn việc thực hiện cơ chế DPPA đối với khách hàng sử dụng điện lớn ngoài những thuận lợi nhưng cũng có không ít những khó khăn khi triền khai thực hiện.
Cục Điều tiết điện lực

Cùng chuyên mục

Người kỹ sư luôn tận tâm với công tác An toàn điện

17/01/2025

34 năm gắn bó với ngành điện, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, nhưng ở vị trí nào, anh Phan Văn Điền – Kỹ sư Chuyên trách an toàn, Công ty Điện lực Củ Chi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc, làm lợi cho đơn vị hàng chục tỷ đồng.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302