Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ tư, 22/01/2025 | 17:40 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin thị trường điện

Trách nhiệm của đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện (NSMO)

01/01/2025
Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng và thúc đẩy phát triển bền vững, cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) đang ngày càng được quan tâm và triển khai rộng rãi tại Việt Nam. Cơ chế này cho phép các doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn, đặc biệt là trong các khu công nghiệp, mua trực tiếp năng lượng tái tạo từ các nhà sản xuất mà không cần thông qua hệ thống phân phối truyền thống.
Sự thành công của cơ chế DPPA không chỉ phụ thuộc vào các bên tham gia mua bán, giao dịch mà còn cần vai trò quan trọng của các đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện. Họ đảm bảo quá trình kết nối, truyền tải và giao dịch mua bán điện được diễn ra an toàn, ổn định và minh bạch. Đồng thời, sự phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị này giúp tối ưu hóa hoạt động của thị trường điện và hỗ trợ mục tiêu quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo.
Bài viết này sẽ làm rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của các đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện khi tham gia cơ chế DPPA, từ đó đề xuất các giải pháp để đảm bảo hiệu quả vận hành, giảm thiểu rủi ro và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
Nhiệm vụ chung của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện
- Khoản 28 Điều 3 Thông tư 21/2024/TT-BCT ngày 10/10/2024 của Bộ Công Thương định nghĩa: Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện là đơn vị thực hiện chức năng điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện.
- Khoản 5 Điều 1 Thông tư số 12/2024/TT-BCT ngày 01/8/2024 của Bộ Công Thương bổ sung trách nhiệm của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện như sau:
+ Đầu tư, xây dựng, lắp đặt và nâng cấp Hệ thống thông tin thị trường điện và các phần mềm phục vụ thị trường điện phù hợp với yêu cầu quy định tại Thông tư này.
+ Thực hiện kiểm tra và công nhận các chức danh tham gia công tác vận hành thị trường điện của đơn vị đáp ứng yêu cầu vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo các quy định có liên quan.
+ Hướng dẫn các đơn vị thành viên thị trường điện về trình tự, thủ tục đăng ký tham gia thị trường điện theo quy định tại Thông tư này và nâng cấp Trang thông tin điện tử thị trường điện để các đơn vị phát điện nộp hồ sơ đăng ký tham gia thị trường điện theo hình thức trực tuyến”.
Trách nhiệm của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện khi tham gia DPPA 
- Điều 20 Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03/7/2024 quy định trách nhiệm của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện như sau:
+ Quản trị việc đăng ký tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn qua lưới điện quốc gia, đảm bảo tổng công suất năng lượng tái tạo không được vượt quá tổng công suất năng lượng tái tạo theo từng loại hình nguồn điện quy định tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt.
+ Thực hiện vận hành hệ thống điện và thị trường điện tuân thủ theo Quy định hệ thống điện truyền tải, Quy định quy trình Điều độ hệ thống điện quốc gia, Quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành và các quy định pháp luật có liên quan khác.
+ Hằng tháng, công bố danh sách và sản lượng điện năng tiêu thụ của các Khách hàng sử dụng điện lớn tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp với Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo qua lưới điện quốc gia.
+ Hằng tháng, công bố danh sách và sản lượng điện năng phát của các Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp với Khách hàng sử dụng điện lớn qua lưới điện quốc gia.
+ Giám sát, phát hiện và báo cáo Bộ Công Thương các vấn đề phát sinh, các hành vi có dấu hiệu vi phạm trong quá trình thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp.
- Khoản 4 Điều 29 Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định trách nhiệm thi hành của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện trong việc thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp như sau: Hướng dẫn các đơn vị tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia theo quy định tại Điều 20 Nghị định này.
Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ năng lượng tái tạo, đồng thời đáp ứng các cam kết về phát triển bền vững và giảm phát thải carbon. Tuy nhiên, để cơ chế này hoạt động hiệu quả, vai trò của các đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện là vô cùng quan trọng. Đơn vị này không chỉ đảm bảo vận hành an toàn và ổn định hệ thống điện mà còn tạo điều kiện cho giao dịch minh bạch, công bằng trên thị trường điện. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên trong vận hành và giám sát hệ thống điện sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa nguồn năng lượng tái tạo và duy trì sự ổn định của thị trường điện trong bối cảnh có nhiều biến động.
Với những nhiệm vụ và trách nhiệm được xác định rõ ràng, đơn vị vận hành hệ thống và thị trường điện sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc triển khai thành công cơ chế DPPA, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và xây dựng hệ thống năng lượng bền vững tại Việt Nam trong tương lai.
Cục Điều tiết điện lực

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302