Cơ chế này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các dự án năng lượng tái tạo mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn tiếp cận nguồn điện xanh nhằm nâng cao tính bền vững trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, để DPPA thực sự thành công, việc thiết kế cơ chế và triển khai trên thực tế đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bên, bao gồm cả nhà phát triển năng lượng, doanh nghiệp tiêu thụ điện và các cơ quan quản lý.
Trong quá trình triển khai cơ chế này, quan điểm của một số chuyên gia về những thuận lợi, khó khăn và nhìn nhận một cách khách quan đóng vai trò quan trọng, giúp nhận diện những cơ hội và thách thức tiềm ẩn. Những ý kiến chuyên môn từ các lĩnh vực như chính sách năng lượng, vận hành hệ thống điện, và thị trường tài chính mang đến các góc nhìn sâu sắc về cách thức thúc đẩy DPPA hoạt động hiệu quả và bền vững.
Bài viết này sẽ làm rõ những đánh giá và đề xuất của các chuyên gia liên quan đến khung pháp lý, cơ sở hạ tầng, các yếu tố kỹ thuật và tài chính, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo thành công cho cơ chế DPPA tại Việt Nam trong tương lai.
Qua buổi trao đổi với ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng phòng Thị trường điện, Cục Điều tiết Điện lực (ĐTĐL) - Bộ Công Thương do nhóm phóng viên thực hiện về nội dung Nghị định đang được triển khai ra sao và còn những vấn đề gì cần lưu ý, những điểm sau cần được lưu ý từ góc nhìn của chuyên gia:
Mua bán điện trực tiếp là hoạt động mua bán điện giữa Đơn vị phát điện NLTT với Khách hàng sử dụng điện lớn được thực hiện không thông qua hình thức mua bán điện truyền thống trước đây đang áp dụng là ký hợp đồng mua điện từ EVN hoặc từ các đơn vị trực thuộc EVN. Theo đó, có 2 hình thức mua bán điện trực tiếp: mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng và mua bán điện trực tiếp qua Lưới điện quốc gia.
Ông Nguyễn Quang Minh – Trường phòng Thị trường điện, Cục Điều tiết điện lựcTrong đó, mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng là trường hợp sẽ hiệu quả khi các khách hàng ở gần các nguồn NLTT và thực hiện mua bán điện không sử dụng lưới điện quốc gia do EVN hay các đơn vị trực thuộc quản lý vận hành. Trong trường hợp này, việc mua bán điện được thực hiện đơn giản, giá điện và sản lượng điện mua bán sẽ được thỏa thuận giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn.
Mua bán điện trực tiếp qua Lưới điện quốc gia là trường hợp thường áp dụng cho các khách hàng lớn ở xa các nguồn NLTT thực hiện mua điện qua hệ lưới điện quốc gia, thông qua việc tham gia thị trường điện cạnh tranh. Theo đó, khách hàng có trách nhiệm thanh toán phần điện năng mua từ đơn vị phát điện NLTT theo giá thị trường điện giao ngay cộng với các loại chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện (bao gồm: dịch vụ truyền tải điện, dịch vụ phân phối điện, dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) và các chi phí thanh toán khác; trong khi đơn vị phát điện sẽ được nhận các thanh toán theo quy định thị trường điện.
Ngoài các khoản thanh toán nêu trên, khách hàng hoặc đơn vị phát điện NLTT sẽ nhận được khoản thanh toán chênh lệch trên cơ sở tham chiếu giữa giá thị trường điện cạnh tranh và giá thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện sai khác (CfD) ký giữa 2 bên.
Ngoài nhận định của Ông Nguyễn Quang Minh, Cục Điều tiết điện lực chia sẻ, một vài ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và thị trường điện có nhiều đánh giá và quan điểm đa chiều về những yếu tố cần thiết để triển khai thành công cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) tại Việt Nam cụ thể:
Khung pháp lý chưa được đồng bộ: Các chuyên gia cho rằng cần có các quy định cụ thể, đồng bộ và minh bạch để đảm bảo sự tham gia bình đẳng cho các bên. Điều này bao gồm chính sách về giá điện, kết nối lưới và quyền sở hữu chứng chỉ xanh.
Hạ tầng và kỹ thuật ổn định: Để DPPA hoạt động hiệu quả, hệ thống lưới điện cần được nâng cấp để đảm bảo khả năng hấp thụ và truyền tải điện từ các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời giảm thiểu rủi ro gián đoạn.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên: Các chuyên gia nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa nhà phát điện, khách hàng tiêu thụ điện, các đơn vị vận hành hệ thống và thị trường điện là yếu tố then chốt để đảm bảo sự ổn định và hiệu quả trong quá trình triển khai.
Chính sách khuyến khích và hỗ trợ: Các chuyên gia khuyến nghị cần có những chính sách ưu đãi về thuế và tài chính để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cơ chế DPPA, đồng thời cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp phép các dự án năng lượng tái tạo.
Ý thức và cam kết của doanh nghiệp: Triển khai thành công DPPA đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ từ các doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn trong việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn để đáp ứng các mục tiêu về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội.
Giải quyết các rào cản về tài chính và thị trường: Một số chuyên gia nhấn mạnh cần có các giải pháp tài chính linh hoạt để hỗ trợ nhà phát triển năng lượng tái tạo và doanh nghiệp tiêu thụ điện trong việc thực hiện DPPA, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi thị trường còn chưa ổn định.
Mô hình DPPA tài chính Nhìn chung, các chuyên gia đồng thuận rằng, với những điều kiện và chính sách phù hợp, DPPA sẽ trở thành công cụ quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, góp phần thúc đẩy năng lượng tái tạo và xây dựng một thị trường điện bền vững và hiệu quả.
Quay lại với những nhận định của Ông Nguyễn Quang Minh Nghị định số 80/2024/NĐ-CP đã ban hành được gần 3 tháng. Hiện các doanh nghiệp, cũng như các cơ quan đang có những vướng mắc triển khai
Nghị định số 80/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 3/7/2024, với mục tiêu của Chính phủ là ban hành có thể triển khai được ngay nên sẽ không cần ban hành Thông tư hướng dẫn. Để đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, Cục ĐTĐL đã tham mưu cho Bộ Công Thương để khẩn trương triển khai các công việc như: Tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 80/2024/NĐ-CP với sự tham gia của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn, Tổng công ty, đơn vị có liên quan (hình thức họp trực tiếp tại trụ sở Bộ Công Thương và trực tuyến qua hội nghị truyền hình).
Đồng thời ban hành nhiều văn bản và tổ chức các cuộc họp để đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai các nội dung tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, trong đó, yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về điện lực, trong phạm vi quản lý, thực hiện kiểm tra giám sát việc tuân thủ quy định tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan về quy hoạch, cấp phép, an toàn và các quy định khác có liên quan.
Cục cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương tính toán các chi phí liên quan khi tham gia cơ chế DPPA (như chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện, chi phí thanh toán bù trừ chênh lệch, hệ số tổn thất trên lưới phân phối; Sửa đổi và ban hành quy trình kinh doanh/quy trình nội bộ để hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thanh toán các thành phần của chi phí dịch vụ mua bán điện trực tiếp (chi phí truyền tải điện, chi phí phân phối-bán lẻ điện, chi phí điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí chênh lệch thanh toán). Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng cơ sở dữ liệu về sản lượng điện năng giao nhận theo chu kỳ giao dịch của các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn tham gia cơ chế DPPA.
Ngoài ra, yêu cầu Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia khẩn trương xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai cơ chế DPPA phối hợp với các Tổng công ty điện lực xây dựng cơ sở dữ liệu và Trang thông tin điện tử phục vụ giao nhận điện năng từng chu kỳ giao dịch của các đơn vị tham gia cơ chế DPPA; Xây dựng quy trình và hướng dẫn các đơn vị tham gia cơ chế DPPA thực hiện xác nhận, đối soát số liệu và tính toán thanh toán đối với sản lượng điện năng giao nhận trên thị trường điện giao ngay.
Hiện nay, EVN và các đơn vị đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP và các nội dung nêu trên.
Đối với việc tính toán các chi phí mà khách hàng phải thanh toán khi tham gia cơ chế DPPA, đến thời điểm hiện tại, Cục ĐTĐL mới nhận được đề xuất tính toán ban đầu của EVN cho các chi phí liên quan khi tham gia cơ chế DPPA. Trong thời gian tới Cục ĐTĐL sẽ kiểm tra, đánh giá và báo cáo Bộ Công Thương để có ý kiến trước khi EVN công bố chính thức.
Cục ĐTĐL chưa nhận được các phản ánh về vướng mắc từ các doanh nghiệp hoặc đơn vị liên quan muốn tham gia cơ chế, ngoài các câu hỏi, thắc mắc để làm rõ hơn nguyên tắc, mô hình tham gia cơ chế DPPA. Theo những thông tin có được, thì các khách hàng và các đơn vị đầu tư NLTT cũng đang tiếp cận nhau, để đánh giá cơ hội, cũng như phân tích hiệu quả, lợi ích và chi phí tham gia cơ chế DPPA trước khi đưa ra quyết định đồng hành cùng tham gia cơ chế DPPA chính thức.
Việc triển khai thành công cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) tại Việt Nam không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo mà còn giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững và tăng cường năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để DPPA trở thành công cụ hiệu quả, cần có sự đồng thuận giữa các bên liên quan và một khung pháp lý minh bạch, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, cũng như những cơ chế hỗ trợ tài chính phù hợp.
Các quan điểm và đề xuất từ các chuyên gia đã làm rõ những cơ hội và thách thức trong quá trình triển khai, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giữa nhà phát triển năng lượng, doanh nghiệp tiêu thụ điện, và các cơ quan quản lý. Nếu các yếu tố này được giải quyết đúng hướng, DPPA sẽ đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững và cam kết giảm phát thải khí nhà kính.
Trong tương lai, việc lắng nghe và áp dụng các ý kiến chuyên môn sẽ giúp cơ chế DPPA hoạt động hiệu quả hơn, tạo ra một thị trường điện linh hoạt, minh bạch và bền vững, góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về năng lượng tái tạo.
Cục Điều tiết điện lực