Để đảm bảo thành công của hợp đồng DPPA, các bên cần nắm rõ những ý chính và ghi chú quan trọng trong quá trình đàm phán và ký kết. Một hợp đồng DPPA hiệu quả phải làm rõ các điều khoản về giá điện, quyền và nghĩa vụ của các bên, quản lý chứng chỉ xanh, cơ chế giải quyết tranh chấp, và quản lý rủi ro. Những yếu tố này sẽ giúp tạo ra sự minh bạch và ổn định cho hợp đồng, đồng thời giảm thiểu các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng bên tham gia DPPA trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, các vấn đề cần làm rõ về việc triển khai thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ bao gồm các nội dung, khía cạnh tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, bài viết này sẽ trình bày những ý chính và ghi chú quan trọng trong hợp đồng DPPA, giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về các yêu cầu cần thiết, từ đó xây dựng các thỏa thuận hợp tác lâu dài và hiệu quả trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Đối tượng tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp
Xác định Khách hàng sử dụng điện lớn/Đơn vị bán lẻ điện đủ điều kiện tham gia DPPA:
Những khách hàng tham gia cơ chế DPPA không chỉ hướng tới tiết kiệm chi phí năng lượng mà còn nâng cao trách nhiệm xã hội và đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững quốc tế. Nhóm khách hàng tiêu biểu bao gồm các doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp, chuỗi bán lẻ, trung tâm dữ liệu, và các đơn vị dịch vụ. Cơ chế này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tận dụng nguồn năng lượng tái tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo dựng hình ảnh tích cực trên thị trường.
Những đơn vị bán lẻ điện nào trong KCN có đủ điều kiện tham gia mua điện từ Đơn vị phát điện theo cơ chế DPPA cũng là những điểm cần lưu ý. Để tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), các đơn vị bán lẻ điện trong KCN phải đáp ứng một số điều kiện liên quan đến pháp lý, kỹ thuật và tài chính. Hoặc trường hợp mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia: Với khách hàng thuê đất trong khu công nghiệp/chế xuất/công nghệ cao, nhưng ngành nghề là những nhóm như IT, thiết kế phần mềm, kiểm định sản phẩm có đáp ứng tiêu chí là Khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ mục đích sản xuất hay không cũng cần phải đánh giá xem xét về điều kiện. Bởi lẽ quy định về sản lượng điện tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh/tháng để đáp ứng điều kiện là Khách hàng sử dụng điện lớn sẽ là sản lượng 200.000 kWh/tháng được tính trên sản lượng khách hàng đó mua từ đơn vị phát điện hay là tổng sản lượng tiêu thụ điện của khách hàng.
Hoặc các lưu ý về khách hàng sử dụng điện lớn có sản lượng tiêu thụ bình quân từ 200.000kWh/ tháng là tính cho nhiều điểm đo (công tơ điện) tại một vị trí sử dụng điện hay chỉ tính cho một điểm đo (có nhiều điểm đo tại cùng vị trí sử dụng điện).
Việc xem xét khách hàng sử dụng điện đấu nối cấp điện áp 22kV trở lên, có sản lượng tiêu thụ trên 200.000 kWh/tháng vừa phục vụ mục đích sản xuất, vừa kinh doanh/sinh hoạt… thì có đủ điều kiện tham gia cơ chế DPPA qua lưới điện quốc gia không (có cần 100% sản lượng điện sử dụng điện cho mục đích sản xuất) cũng là những điểm mà trong bài viết này đánh giá cần lưu ý.
Rất nhiều câu hỏi và các điểm mà các khách hàng tham gia DPPA cần lưu ý. Đơn cử như xác định đơn vị bán lẻ điện trong KCN có nhiều khách hàng sản xuất có mức tiêu thụ điện trung bình hàng tháng nhỏ hơn 200.000 kWh/tháng nhưng tổng mức tiêu thụ điện của KCN lớn hơn 200 kWh/tháng; khi đó, các khách hàng ủy quyền cho Đơn vị bán lẻ điện thì Đơn vị bán lẻ điện/Khách hàng có đủ điều kiện tham gia DPPA không.
Quy định Khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ mục đích sản xuất đấu nối cấp điện áp từ 22kV trở lên: Việc xác định cấp điện áp đấu nối của khách hàng căn cứ vào Thỏa thuận đấu nối công trình điện hay căn cứ vào vị trí đặt hệ thống đo đếm mua bán điện.
Quá trình triển khai DPPA không chỉ là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực năng lượng, mà còn đặt ra những thách thức và cơ hội mới cho các bên liên quan, các giai đoạn triển khai thực hiện DPPA tại Việt Nam, từ khâu xây dựng chính sách, thử nghiệm mô hình cho đến triển khai rộng rãi cũng cần được lưu ý trong quá trình thực hiện. Trong khuôn khổ bài viết này sẽ đưa ra những điểm cần lưu ý đối với các loại hình nhà máy điện năng lượng tái tạo như thủy điện nhỏ, sinh khối, điện mặt trời áp mái khi tham gia DPPA, các đơn vị nên lưu ý các điểm sau:
• Việc cấp chứng nhận sử dụng năng lượng xanh cho Khách hàng sử dụng điện lớn tham gia DPPA.
• Làm rõ Đơn vị bán lẻ điện của KCN được ủy quyền có thể mua điện từ cả Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và EVN theo cơ chế DPPA bằng cách sử dụng đường dây kết nối riêng hoặc qua lưới điện quốc gia cho tất cả các doanh nghiệp trong KCN bất kể lĩnh vực kinh doanh của từng doanh nghiệp và có thể tự do thiết lập giá bán lẻ cho khách hàng (trừ trường hợp đơn vị điện lực thực hiện cả chức năng sản xuất và bán lẻ điện trong KCN và đồng thời mua điện từ EVN).
• Theo Giấy phép hoạt động điện lực được cấp, Tổng công ty Điện lực được phép phân phối, bán buôn, bán lẻ trên địa các tỉnh/thành phố thuộc địa bàn quản lý trừ các khu vực đã được Cục Điều tiết điện lực hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho đơn vị điện lực khác để hoạt động phân phối, bán buôn, bán lẻ điện. Khi Tổng công ty Điện lực ký hợp đồng DPPA với các khách hàng lớn trong KCN, Công nghệ cao, Khu chế xuất,… có vướng mắc gì liên quan đến quy định về cấp phép hoạt động điện lực.
Cơ chế mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng
Việc triển khai thực hiện trong trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng:
• Về nguyên tắc mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng, nếu mua điện rồi bán lẻ cho khách hàng thì phải bán theo giá bán lẻ của EVN hay bán theo giá tự thoả thuận;
• Giải thích rõ hơn về sản lượng điện dư mà Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo có thể thỏa thuận, bán cho EVN; Việc mua bán điện dư (giá) được thực hiện theo quy định hiện hành nào;
• Đơn vị điện lực đáp ứng được yêu cầu về quy hoạch, có thể tiếp tục phát triển dự án điện mới và bán điện cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp với giá bán lẻ được quy định không;
• Sản lượng hợp đồng giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng do hai bên tự đàm phán, sau khi thống nhất thì cần báo cáo hay trình cơ quan/đơn vị có thẩm quyền như thế nào;
• Khách hàng sử dụng điện lớn mua điện từ Đơn vị phát điện qua đường dây kết nối riêng và vẫn còn hợp đồng mua bán điện (PPA) hiện hữu với Đơn vị phát điện của EVN (hoặc Đơn vị bán lẻ điện trong KCN), giá áp dụng cho PPA hiện hữu đó với EVN (hoặc KCN) như thế nào;
• Khách hàng lớn tham gia chương trình DPPA qua đường dây kết nối riêng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến PPA hiện hữu với EVN (hoặc Công ty Điện lực hoặc đơn vị bán lẻ điện trong KCN);
• Trường hợp Khách hàng sử dụng điện lớn nằm trong KCN mà lưới điện được vận hành bởi Chủ sở hữu KCN và Chủ sở hữu đó không phải là Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, Khách hàng sử dụng điện lớn tham gia DPPA qua đường dây kết nối riêng với giá/điều kiện tự thỏa thuận trong khi Chủ sở hữu KCN (Đơn vị bán lẻ điện) sẽ tiếp tục cung cấp /bán điện cho Khách hàng sử dụng điện lớn như thế nào;
• Những quy định đối với Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (chủ đầu tư) khi đầu tư, vận hành Đường dây kết nối riêng.
Mô hình bán điện của đơn vị phát điện năng lượng tái tạo qua thị trường điện giao ngay
Việc triển khai thực hiện trong trường hợp mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia:
• Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn thanh toán hợp đồng kỳ hạn dựa trên giá trị tham chiếu gì;
• Cơ chế ưu tiên huy động đối với các dự án năng lượng tái tạo tham gia DPPA; cơ chế bồi thường (nếu có) khi xảy ra trường hợp cắt giảm công suất do các lý do bất khả kháng/không lường trước được;
• Trường hợp Đơn vị bán lẻ điện trong KCN được ủy quyền bởi Khách hàng lớn, Đơn vị bán lẻ được ủy quyền phải thỏa thuận, thống nhất những nội dung, ký kết các hợp đồng nào với các cơ quan/đơn vị liên quan;
• Việc sửa đổi hợp đồng mua bán điện giữa Chủ sở hữu KCN (Đơn vị bán lẻ điện) với EVN khi Chủ sở hữu KCN được một (hoặc một phần) Khách hàng sử dụng điện lớn trong KCN ủy quyền để tham gia DPPA?
• Khách hàng sử dụng điện lớn ủy quyền cho Đơn vị bán lẻ điện đồng thời ký Hợp đồng với Tổng công ty điện lực và ký kết hợp đồng kỳ hạn hay có thể ủy quyền một trong hai nội dung trên;
• Thời hạn hợp đồng của Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo trong Thị trường giao ngay. Hợp đồng này có cần phải có cùng thời hạn với Hợp đồng sai khác hay có thể có thời hạn khác để của Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo có thể tiếp tục tham gia thị trường điện cạnh tranh kể cả khi không tiếp tục tham gia DPPA;
• Hệ số quy đổi theo tổn thất điện năng trên lưới phân phối Kpp là áp dụng riêng cho từng Tổng công ty điện lực hay áp dụng chung thống nhất toàn quốc, làm rõ hơn việc quy đổi từ sản lượng phát của năng lượng tái tạo theo Kpp;
• Chi phí cho các thành phần như chi phí dịch vụ của lưới điện truyền tải và phân phối, chi phí bù trừ chênh lệch, tổn thất lưới điện;
• Khi thực hiện đàm phán hợp đồng kỳ hạn, Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn cần căn cứ vào những quy định nào và cần lưu ý những vấn đề gì để xác định kỳ hạn, giá điện…;
• Trong trường hợp có sự chênh lệch giữa sản lượng điện tiêu thụ thực tế và sản lượng điện tiêu thụ đảm bảo trong Hợp đồng kỳ hạn giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện, có biện pháp bù trừ nào cho những chênh lệch này không (mức tiêu thụ thực tế thấp hơn hoặc cao hơn mức tiêu thụ đảm bảo);
• Thông tin hỗ trợ khách hàng sử dụng điện lớn có kế hoạch tham gia DPPA trong việc tìm kiếm các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo muốn bán điện theo cơ chế này để cùng thỏa thuận, đàm phán tham gia;
• Thuế giá trị gia tăng (VAT) liên quan đến Hợp đồng kỳ hạn ký kết giữa Đơn vị phát điện và Khách hàng sử dụng điện lớn;
• Trong trường hợp chưa có chi phí DPPA (CDPPA) chính thức tại phương án giá bán lẻ điện bình quân hàng năm của năm N thì lấy số liệu theo chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-2 để tính CDPPA, có thực hiện quyết toán lại với các kỳ đã thanh toán hay không;
• Đối với khách hàng có sản lượng trên 200.000 kWh/tháng hiện nay các đơn vị đang thanh toán theo 3 kỳ theo hướng dẫn của Nghị định 137/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực. Cần làm rõ khách hàng tham gia cơ chế DPPA thì thanh toán theo mấy kỳ (theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 80/2024/NĐ-CP “Chu kỳ thanh toán là chu kỳ lập chứng từ, hóa đơn cho các khoản giao dịch trên thị trường điện trong khoảng thời gian 01 tháng, tính từ ngày 01 hằng tháng”); Tương tự đối với kỳ thanh toán mua bán công suất phản kháng (nếu có) thực hiện theo mấy kỳ;
• Việc Tổng công ty điện lực bán điện cho Khách hàng sử dụng điện đang mua điện từ Đơn vị bán lẻ điện trong Khu công nghiệp khi Khách hàng sử dụng điện tham gia cơ chế này có cần phải điều chỉnh giấy phép hoạt động điện lực của các Tổng công ty điện lực hay không.
Việc triển khai cơ chế DPPA đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng và thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam. Những ý chính và ghi chú quan trọng trong quá trình thực hiện DPPA đã làm sáng tỏ các yếu tố then chốt, từ khâu xây dựng khung pháp lý, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật phù hợp, cho đến cơ chế quản lý thị trường và hỗ trợ tài chính.
Những ghi chú quan trọng được rút ra từ thực tiễn triển khai sẽ giúp các bên tham gia giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa quy trình và thúc đẩy sự minh bạch trong giao dịch. Với việc áp dụng đúng hướng các giải pháp và bài học kinh nghiệm, DPPA hứa hẹn sẽ trở thành động lực quan trọng trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo và xây dựng một thị trường điện hiệu quả, minh bạch và bền vững tại Việt Nam.
Cục Điều tiết điện lực