Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 29/03/2024 | 21:03 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Chuyện chưa kể về Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2: “Biệt đội” vận hành NMNĐ Thái Bình 2

16/05/2023
Ngang tàng, quyết liệt, chỉn chu…, mỗi người một tính cách nhưng tựu chung khó mà “cậy mồm” để họ nói về mình, bộc lộ cảm xúc ngay cả khi Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 thực sự hồi sinh.
Trở lại NMNĐ Thái Bình 2 trong cái nắng đầu hè 2023, chúng tôi dễ dàng cảm nhận được một không khí lao động khẩn trương, chuyên nghiệp như những giọt nắng vàng tràn đầy năng lượng đang lăn dài khắp mọi ngóc ngách của nhà máy.

Anh Mai Văn Long đang báo cáo công tác vận hành với lãnh đạo Petrovietnam tại Phòng điều khiển Trung tâm NMNĐ Thái Bình 2.
Gặp Nguyễn Văn Mạnh - Phó quản đốc phụ trách Phân xưởng Bảo dưỡng sửa chữa NMNĐ Thái Bình 2 đang tất tả điều hành công tác bảo dưỡng thiết bị. Anh là cán bộ biệt phái thuộc Công ty CP Dịch vụ Điện lực Việt Nam (PVPS) - đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí. Mạnh người huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam nhưng có hơn chục năm công tác tại Nhà máy Điện Cà Mau, sau được lựa chọn “biệt phái” nắm đội gồm 20 kỹ sư công nhân có trình độ cứng ra Bắc phụ trách bảo dưỡng sửa chữa cho NMNĐ Thái Bình 2 từ tháng 6/2020. Đến tháng 8/2022, đội của Mạnh được bổ sung thêm 15 người phụ trách toàn bộ công tác bảo dưỡng sửa chữa cho nhà máy.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm công tác trong đó có tới 12 năm công tác tại các nhà máy điện ngành Dầu khí, Mạnh cho biết làm việc tại NMNĐ Thái Bình 2 mới thấy khối lượng công việc lớn và phức tạp hơn nhà máy điện khí rất nhiều lần. Chính vì vậy, cán bộ, nhân viên bảo dưỡng sửa chữa phải thấm nhuần “văn hóa” của người bảo dưỡng sửa chữa là “thái độ hơn trình độ”.
Thấy tôi ngạc nhiên về một quan điểm tưởng chừng như chỉ có ở các cơ quan công sở, làm công tác Đảng, Mạnh thủng thẳng: “Trong những nhà máy sản xuất công nghiệp lớn, đặc biệt với nhà máy điện than, người làm nghề bảo dưỡng sửa chữa phải xác định chịu được “bẩn”. Mỗi ngày phải hít hơi dầu, mỡ và cả bụi than nên chuyện tay chân mặt mũi lấm lem, ăn cơm lẫn… đất cát là chuyện thường ngày ở huyện. Tại Thái Bình 2, khối lượng công việc nhiều, thiết bị đa dạng bởi vậy người bảo dưỡng sửa chữa phải yêu nghề và nhiệt huyết.
Vốn anh em quen biết nhau từ trước nên chúng tôi trò chuyện khá lâu và thân mật. Mạnh tâm sự rằng làm nghề bảo dưỡng có một “truyền thống” là toàn đẻ ra “vịt giời”. Vừa cười anh vừa “khoe” rằng mình có tới 3 cô con gái. Rồi giọng Mạnh chợt trầm xuống: “Chẳng hiểu sao nhưng càng có tuổi em càng muốn gần gũi gia đình hơn. Một phần là lo cho các cháu đang độ tuổi trưởng thành, còn lại em cũng hết cái tuổi dọc ngang rồi nên xung phong về Thái Bình 2 công tác.
Mạnh bộc bạch, Phân xưởng Bảo dưỡng sửa chữa mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, trong đội “biệt phái” thì càng mong muốn được gắn bó, cống hiến lâu dài hơn cho nhà máy. Anh em có nhà, quê ở gần Thái Bình thì có thể thu xếp 1-2 tuần về thăm nhà 1 lần. Còn anh em có nhà ở miền Trung thì cũng phải 1 tháng mới được về thăm nhà 1 lần. Bởi vậy, cán bộ nhân viên mảng bảo dưỡng sửa chữa đều mong muốn được lãnh đạo nhà máy quan tâm hơn nữa tới đời sống, thu nhập và cả vấn đề nhà ở cho anh em. Từ đó, người lao động sẽ càng thêm gắn bó với nhà máy.

Phó quản đốc phụ trách Phân xưởng Bảo dưỡng sửa chữa Nguyễn Văn Mạnh và anh Lê Văn Tuấn là những cán bộ chuyên gia góp công lớn trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị của NMNĐ Thái Bình 2.
Chia tay anh em phân xưởng bảo dưỡng sửa chữa, tôi tìm gặp anh Mai Văn Long - Phó trưởng ban Quản lý Dự án (QLDA) - Quản đốc Phân xưởng Vận hành. May mắn đúng lúc anh Long đang “rảnh” nên tôi liền bắt chuyện. Được biết, anh Mai Văn Long chính thức được bổ nhiệm Phó trưởng Ban QLDA phụ trách công tác vận hành chạy thử NMNĐ Thái Bình 2 vào ngày 25/10/2022. Nhưng trước đó 8 tháng, anh Long đang ở vị trí Phó giám đốc NMNĐ Vũng Áng 1 đã được “biệt phái” về hỗ trợ vận hành NMNĐ Thái Bình 2.
Anh Long phấn khởi cho biết, tinh thần của anh em cán bộ công nhân viên tại NMNĐ Thái Bình 2 đang lên cao. Đặc biệt phấn chấn từ khi phát điện lên lưới điện quốc gia thành công. Đến nay đội ngũ cán bộ công nhân viên tại nhà máy hoàn toàn tự tin vận hành thành công và hiệu quả NMNĐ Thái Bình 2.
Trái với tâm trạng phấn khích khi vượt qua hàng loạt hàng rào kỹ thuật, anh Mai Văn Long chia sẻ, giai đoạn này chúng ta cần nhìn thẳng vào các vấn đề hiện tại của nhà máy. Đây chính là giai đoạn chuyển giao từ Ban QLDA sang sản xuất kinh doanh. Bởi vậy, các vấn đề vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị máy móc sẽ diễn ra liên tục, với mật độ dày đặc và cả những diễn biến khó lường. Chính vì vậy luôn cần tinh thần khắc phục, sẵn sàng chiến đấu trong không chỉ năm 2023 mà còn ít nhất tới năm 2025.
Mặt khác, phần lớn cán bộ nhân viên chưa có kinh nghiệm sản xuất kinh doanh điện, chưa xây dựng được một kế hoạch chi tiết, bài bản, lường hết được các rủi ro trong quá trình sản xuất, điều tiết điện, thời điểm phát điện hiệu quả nhất… Vậy nên không chỉ có tính chiến đấu cao mà còn phải có tinh thần nỗ lực học hỏi, nâng cao tay nghề để đáp ứng công việc tốt hơn mỗi giờ, mỗi ngày.
Được sự giới thiệu của anh Long, tôi tìm gặp một nhân vật khá lạ trong "biệt đội" vận hành. Đó là anh Lê Mạnh Tuấn là cán bộ mới được “chiêu mộ” về NMNĐ Thái Bình 2.
Anh Tuấn chia sẻ, thời gian dài trước đây anh là cán bộ thuộc Trung tâm Dịch vụ sửa chữa của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Là một cựu quân nhân có 12 năm tuổi lính chuyển sang làm bảo dưỡng sửa chữa, anh Tuấn cũng có thâm niên làm chuẩn bị sản xuất cho NMNĐ Mông Dương, rồi công tác tại Tổng công ty Phát điện 3, đến năm 2020 anh Tuấn được biệt phái về công tác tại Ban QLDA NNMĐ Thái Bình 1 với chức danh cán bộ Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN.
Với chất giọng trầm, nghiêm túc của người lính, anh Tuấn bảo, những ngày đầu về Thái Bình, mỗi lần từ NMNĐ Thái Bình 1 “ngó sang” NMNĐ Thái Bình 2 lại thấy “xót xa”. Thấy cả nhà máy nằm im lìm một thời gian dài, thì cứ nghĩ là đã “chết chắc” rồi. “Ấy vậy nhưng chỉ hơn 1 năm qua, khi dự án được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các nhà thầu thì dự án khởi sắc lên từng ngày. Tôi thấy mừng lắm”.

NMNĐ Thái Bình 2 đi vào hoạt động góp phần đảm bảo nguồn điện cho vùng Đồng bằng sông Hồng ngay thời điểm nguy cơ thiếu điện trong mùa hè 2023.
Chia sẻ duyên cớ về đầu quân cho NMNĐ Thái Bình 2, anh Tuấn cho biết, do nhiều lần có dịp hợp tác hỗ trợ công tác bảo dưỡng sửa chữa cho Thái Bình 2, được tiếp xúc với lãnh đạo Ban QLDA và nhà máy nên anh Tuấn cảm nhận rõ được sự cống hiến không ngừng của người dầu khí, sự gần gũi thân thiết của lãnh đạo cũng như người lao động “bên này”. Thế nên khi được lãnh đạo NMNĐ Thái Bình 2 đề nghị về cộng tác, gắn bó lâu dài với Thái Bình 2, anh Tuấn liền nhận lời.
Anh Tuấn còn khẳng định với chúng tôi, hệ thống máy móc thiết bị của NMNĐ Thái Bình 2 rất tốt, về trình độ và kinh nghiệm của anh em cũng đủ nhưng vẫn cần thời gian để kết nối đồng bộ hơn các hệ thống, thiết bị trong toàn nhà máy. Khi đó hiệu quả hoạt động của nhà máy mới có thể ngày càng nâng cao hơn được.
Quả thật, đến thời điểm này người viết bài vẫn không thể lý giải tại sao họ có thể từ bỏ những công việc đang ổn định, có thu nhập cao, "có chức có quyền” để về NMNĐ Thái Bình 2. Nếu chỉ một vài người làm những chuyện trái với lẽ thường, có thể cho là “gàn” nhưng hàng trăm, hàng ngàn người cùng đâm đầu về chỗ khó và khổ như Thái Bình 2 thì phải có cái “lý” của nó. Đến khi tiếp xúc và tìm hiểu từ những anh em của “biệt đội" vận hành NMNĐ Thái Bình 2 chúng tôi mới vỡ ra rằng họ là những con người đầy nhiệt huyết, trách nhiệm và tinh thần cống hiến không ngừng nghỉ. Bởi vậy, khi Petrovietnam, đất nước cần là họ sẵn sàng giảm thu nhập, xa gia đình, gói ghém quần áo lên “tuyến đầu”.
Dù anh em cán bộ công nhân viên tại NMNĐ Thái Bình 2 không hề kể lể công lao khi nhà máy đi vào sản xuất điện sau nhiều năm chờ đợi. Nhưng sự ngọt ngào bởi thành công chung của dự án đều sáng lên trong từng đôi mắt của những người dầu khí chân chính. Đối với họ, công việc như đã thành một đam mê bất tận. Tôi chợt nhớ đến câu nói giản dị của nguyên Trưởng ban QLDA NMNĐ Thái Bình 2 Nguyễn Thành Hưởng: “Đưa dự án về đích là danh dự của người dầu khí, để sau này có chuyện mà nói với con cháu là chúng ta đã hoàn thành một dự án khó khăn nhất trong lịch sử”.
Thay lời kết:
Dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 là điển hình cho một quá trình xây dựng và phát triển nguồn năng lượng của Việt Nam. Ở đây, hội tụ đủ các yếu tố phức tạp từ một tập thể tốt, những cá nhân xuất sắc đến sự linh hoạt khéo léo để xử lý những vấn đề vướng mắc về cơ chế chính sách. Từ đó đưa dự án từ nguy cơ đình trệ kéo dài trong nhiều năm về đích, đảm bảo chất lượng và hiệu quả dự án.
Đặc biệt, dự án còn là nơi để thử thách về niềm tin, thử thách cán bộ, Đảng viên trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng của đất nước đang diễn ra quyết liệt. Ngay trong thời điểm dự án hoàn toàn bế tắc nhất vì vướng cơ chế về vốn triển khai dự án, các lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đều nhiều lần khẳng định cần phải triển khai dự án đến cùng. Được biết, lãnh đạo Tập đoàn còn sẵn sàng đem cả “sinh mệnh chính trị” ra để đảm bảo cho cán bộ nhân viên, người lao động dầu khí tại dự án.
Kế tiếp, chúng tôi vẫn hay dùng cụm từ “cả hệ thống chính trị” vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho dự án NMNĐ Thái Bình 2. Đây là cụm từ hoàn toàn dùng theo nghĩa đen. Nói “Thái Bình 2 là một dự án đặc biệt” không phải vì những nét đặc trưng của dự án mà nếu không có sự thống nhất chỉ đạo của lãnh đạo Đảng - Chính phủ và Quốc hội thì chắc chắn dự án này không thể triển khai tiếp được. Ít người biết rằng, đối với Thái Bình 2, lãnh đạo Petrovietnam như Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương phụ trách lĩnh vực điện và Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã phải lập “quân lệnh trạng”, cam kết trước Chính phủ là phải đảm bảo hiệu quả cho từng đồng đầu tư vào dự án.
Không những thế, lãnh đạo Tập đoàn từ Chủ tịch, Tổng giám đốc đến “biệt phái” Thành viên HĐTV Nguyễn Hùng Dũng đảm nhiệm Thường trực Ban chỉ đạo đặc biệt về dự án, Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Phạm Tiến Dũng trực tiếp quản lý hỗ trợ triển khai dự án, đã không quản ngày đêm thay nhau liên tục bám sát dự án, đồng thời báo cáo, phản ánh những bất cập phát sinh từ dự án lên các cấp lãnh đạo Đảng - Chính phủ. Đồng thời luôn gương mẫu trong từng việc làm cho dự án, áp dụng những mô hình quản trị tiên tiến, gom góp từng đồng tiền thưởng cho cán bộ, người lao động có thành tích xuất sắc trong công tác thi công, vận hành nhà máy.
Bởi vậy, nói không ngoa rằng thành công của NMNĐ Thái Bình 2 là một chiến công vang dội không chỉ nức lòng người dầu khí mà còn mang dấu ấn đậm nét của lãnh đạo Đảng, Chính phủ khi đặt niềm tin vào cán bộ, đảng viên của Petrovietnam - những người đi mở đất trong thời đại mới. Những người lao động Dầu khí đã hoàn thành nhiệm vụ đáng tự hào, vượt qua muôn vàn những khó khăn, thử thách để làm chủ công nghệ tiên tiến, đưa dòng điện vào phục vụ đời sống nhân dân, phát triển kinh tế. Dù làm dự án có "ngũ vị tạp trần", phải nếm đủ cay - đắng - mặn - chua chát mới biết thế nào là ngọt ngào khi vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình!
Theo PetroTimes

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151