Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn Tăng tối đa khả năng cấp khí cho sản xuất điện
Trước tình hình thời tiết nắng nóng bất thường kéo dài dẫn đến nhu cầu phụ tải hệ thống điện tăng cao, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã làm việc với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng công ty khí Việt Nam (PV GAS) để tìm giải pháp tăng cung cấp khí cho sản xuất điện, đáp ứng nhu cầu lưới điện quốc gia đang cấp bách trong nửa cuối tháng 5 và có thể kéo dài đến đầu tháng 6/2023.
Trong giai đoạn căng thẳng của hệ thống điện, EVN đề nghị PV GAS hỗ trợ xem xét ưu tiên cấp khí tối đa cho sản xuất điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải, đồng thời có các giải pháp tăng cấp khí cho điện cao hơn so với kế hoạch cấp khí năm 2023 đã được PV GAS thông báo. PV GAS cho biết sẽ nỗ lực tối đa tăng cấp khí cho sản xuất điện.
Đối với nhu cầu khí cho sản xuất điện đang cấp bách trong hai tuần cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2023, Ủy ban Quản lý vốn đề nghị PV GAS tiếp tục làm việc với các chủ mỏ để tăng tối đa khả năng cấp khí trong giới hạn kỹ thuật cho phép. PV GAS cũng cần xem xét khả năng cân đối điều chỉnh sản lượng khí cấp cho các hộ tiêu thụ ngoài điện. Đối với giải pháp mang tính dài hạn cho tình trạng thiếu nhiên liệu sản xuất điện, Ủy ban Quản lý vốn đề nghị EVN chủ động nghiên cứu, cân đối và tính toán bổ sung nguồn khí LNG vào hệ thống sản xuất điện để sẵn sàng tiếp nhận nguồn khí LNG trong thời gian tới.
15 dự án điện gió, điện mặt trời đã có giá tạm thời
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) vừa cho biết, đến ngày 19/5, trong số 37 hồ sơ đàm phán chủ đầu tư đã gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có 15 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương thống nhất mức giá tạm thời. 15 nhà máy này gồm 3 nhà máy điện mặt trời, 7 nhà máy điện gió trên đất liền và 5 nhà máy điện gió trên biển, với tổng công suất khoảng 1.200 MW.
Bên cạnh đó, Cục Điều tiết điện lực cũng cho hay có 6 nhà máy đã được chủ đầu tư và EVN thống nhất mức giá tạm thời, dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Công Thương trong tuần tới.
Về phương pháp tính giá điện, đã có 24 chủ đầu tư thống nhất áp dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền tương tự theo hướng dẫn tại Thông tư 57/2020 của Bộ Công Thương. Cục Điều tiết điện lực đánh giá đây là tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực đàm phán của các chủ đầu tư và EVN, góp phần giảm căng thẳng cung ứng điện, tránh lãng phí nguồn lực xã hội và tài nguyên thiên nhiên.
TKV đề nghị EVN huy động thêm điện gió, điện mặt trời
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) mới đây cho biết đang có một khó khăn là nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện tăng cao trong khi khả năng sản xuất của TKV chưa tăng được do chưa được phép khai thác vượt dưới 15% và giấy phép khai thác cho một số dự án chưa được cấp mới. "Nếu không được giải quyết kịp thời thì năm 2023 than nguyên khai khai thác sẽ giảm khoảng 3 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm, tương ứng giảm khoảng 2-3 triệu tấn than pha trộn nhập khẩu cấp cho sản xuất điện", đại diện TKV nói.
Tập đoàn cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN đưa ra giải pháp phù hợp trong điều độ hệ thống điện quốc gia, điều tiết hợp lý việc huy động sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện BOT để giảm áp lực cho TKV có than trong nước để pha trộn với than nhập khẩu.
Ngoài ra, trong giai đoạn khó khăn về huy động nguồn điện, TKV cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN huy động tất cả nguồn điện (năng lượng tái tạo, các nhà máy nhiệt điện dùng than nhập khẩu...) để không dồn áp lực cho một nhà cung cấp than là TKV.
Hội nghị thượng đỉnh G7 nhấn mạnh vai trò quan trọng của LNG
Các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 20/5 đã ra tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima (Nhật Bản). Trong đó, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh mong muốn “quan hệ ổn định và mang tính xây dựng” với Bắc Kinh, đồng thời phản đối “các hoạt động quân sự hóa” tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuyên bố cũng khẳng định quyết tâm của các nước G7 trong việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về các chuỗi cung ứng nhạy cảm
Về vấn đề khí đốt, tuyên bố chung cho biết các nhà lãnh đạo G7 tin rằng hoạt động đầu tư do nhà nước hỗ trợ trong lĩnh vực khí đốt có thể tạm thời phù hợp trong khi các quốc gia đang đẩy nhanh việc loại bỏ dần sự phụ thuộc vào Nga. Tuyên bố chung nêu rõ: "Chúng tôi nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tăng cường cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và thừa nhận rằng đầu tư vào lĩnh vực này có thể là phù hợp để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay cũng như giải quyết tình trạng thiếu hụt trên thị trường khí đốt do khủng hoảng gây ra".
Các nhà lãnh đạo G7 cũng xác nhận sẽ tăng cường hỗ trợ về năng lượng và phát triển cho các nước mới nổi và đang phát triển; nhất trí thực hiện các bước để bảo vệ an ninh lương thực bị đe dọa bởi cuộc xung đột tại Ukraine. Ngoài ra, tuyên bố chúng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố chuỗi cung ứng các nguyên liệu công nghiệp quan trọng. G7 kêu gọi tất cả các nước tham tuân thủ các nguyên tắc "minh bạch, đa dạng hóa, an ninh, bền vững, đáng tin cậy" trong việc xây dựng các mạng lưới cung ứng.
Thái Lan dự kiến lượng khí LNG nhập khẩu năm nay cao gấp đôi năm 2022
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Thái Lan (PTT Plc) vừa công bố kế hoạch tăng mức nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lên mức 6 triệu tấn trong năm nay, cao gần gấp đôi so với năm 2022.
Ông Pongpun Amornvivat, Phó Chủ tịch điều hành cấp cao về thương mại quốc tế của PTT Plc, cho biết, Thái Lan đang tăng cường dự trữ khí LNG trong bối cảnh nhu cầu sử dụng khí cho sản xuất điện tại nước này tăng vọt khi hoạt động du lịch phục hồi và nguồn cung từ thủy điện suy yếu.
Ông Toby Copson, Giám đốc phụ trách bộ phận giao dịch toàn cầu của hãng môi giới Trident LNG (Australia) cho biết, nhận định nhu cầu đối với các lô khí LNG giao tháng 8/2023 đang tăng lên và một số quốc gia tiêu thụ khí LNG lớn tại châu Á bắt đầu xúc tiến việc đặt trước các lô hàng.
Theo PetroTimes