Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:50 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Nghiên cứu đào tạo

Chuyện về một nhà khoa học của Viện Dầu khí Việt Nam

23/05/2023
(PetroTimes) - Tính đến nay, PGS.TS Nguyễn Trọng Tín - Chủ tịch Hội Địa chất Dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam đã cùng các cộng sự thực hiện trên 70 đề tài khoa học lớn nhỏ cùng hàng chục báo cáo hội thảo, trong đó nhiều đề tài giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

PGS.TS Nguyễn Trọng Tín trong một hội thảo
Những ngày làm việc cùng ông Hồ Đắc Hoài
Mở đầu buổi trò chuyện về chủ đề nhân Ngày Khoa học Công nghệ (18/5/2023), PGS.TS Nguyễn Trọng Tín kể sơ lược với chúng tôi về các nhà khoa học của ngành Dầu khí, trong đó có một người anh, một người đồng nghiệp, một người thầy mà ông luôn kính trọng, đó là ông Hồ Đắc Hoài, xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc gốc Huế, “đại trí thức” như Bác Hồ từng gọi. Theo ông Tín, bác Hoài chính là người đã đặt nền móng xây dựng nên Viện Dầu khí Việt Nam.
Vào thập niên 80 của thế kỷ XX, khi còn học ở Liên Xô, chàng sinh viên Nguyễn Trọng Tín vinh dự là 1 trong 10 sinh viên xuất sắc được kết nạp Đảng tại nước ngoài. Khi về nước, Nguyễn Trọng Tín được phân công công tác tại Viện Dầu khí Việt Nam, khi đó Viện còn ở khu nhà dòng cũ của Pháp có tên Nhà Thành, ở Hưng Yên. Ngày mới về công tác, một cán bộ Vụ Tổ chức, Tổng cục Dầu khí cẩn thận dặn Nguyễn Trọng Tín: “Chú dặn cháu một chút, về làm việc ở đây, có người phụ trách là Viện phó Viện Dầu khí nhưng chưa là đảng viên, cho nên cháu giữ ý tứ nhé!”. Ông Tín nhớ lời dặn dò đó và cũng ý thức mình là người trẻ, mới ra trường lại là đảng viên “hiếm” ở Viện Dầu khí Việt Nam, mình phải chứng minh bằng năng lực sau 10 năm đào tạo ở Liên Xô.
Những năm làm việc dưới sự chỉ bảo trực tiếp của một người sếp giỏi, ông Tín học được nhiều điều quý giá, đặc biệt là tính cẩn thận, chỉn chu trong công tác nghiên cứu khoa học. Tính dự báo, tầm nhìn của Viện phó Hồ Đắc Hoài có thể nói là hiếm có, khi ông Hoài đã vẽ ra một sơ đồ học viện dầu khí bài bản và là tiền đề phát triển của Viện Dầu khí Việt Nam ngày hôm nay.
Ông Tín cũng thẳng thắn nhận xét, tầm nhìn của bác Hoài trước kia đã chỉ ra quy mô, sứ mệnh, vai trò của Viện Dầu khí Việt Nam, thậm chí còn vượt xa so với hiện nay nhưng vì nhiều lý do khách quan, trong đó có vấn đề về cơ chế, nên chưa thể thực hiện được hết.
Ông Tín nhớ lại, hồi mới về Viện Dầu khí Việt Nam công tác, làm việc ở Tổ trữ lượng, ông Hoài biết ông Tín được đào tạo chuyên sâu về trữ lượng nên giao cho làm mảng trữ lượng dầu mỏ. Có lần ông Hoài gọi gặp riêng ông Tín và nói: “Tín, bây giờ em về đây, anh có một mảng chưa ai làm được, đó là tính trữ lượng dầu khí cho các mỏ. Em hiểu tính trữ lượng là gì không, nhưng là về góc độ kinh tế chứ không phải góc độ kỹ thuật theo chuyên môn của em?”.

Phòng thí nghiệm tại Viện Dầu khí Việt Nam
Một câu hỏi lạ. Ông Tín mồ hôi như vã ra trước câu hỏi của sếp. Suy nghĩ một lúc, ông Tín đành thú thực: “Về kỹ thuật thì em biết, nhưng anh hỏi về “tính trữ lượng kinh tế” thì đúng là em chưa hiểu, mong anh chỉ bảo”. Ông Hoài liền vỗ vai ông Tín, cười khành khạch: “Trữ lượng dầu khí là tiền, cái cần là làm thế nào phải ra tiền ngay”. Thế rồi ông Hoài giải thích cho ông Tín khái niệm chẳng có sách vở, trường lớp nào dạy cả. “Tiền ngay” là khi tính được trữ lượng dầu khí ở một mỏ, ôm cái số liệu trữ lượng ấy rồi ra ngân hàng vay tiền để đầu tư khai thác mà được đồng ý duyệt tiền ngay. Nghe xong, ông Tín mới vỡ ra, ở thời kỳ đất nước còn trong bao cấp cứ “nghĩ đến tiền” là thấy sợ, nó như giấc mơ, mong có cái ăn hằng ngày là đã tốt lắm rồi.
Sau bao năm được tiếp xúc, làm việc, ông Tín nhận ra một điều, sếp Hồ Đắc Hoài là một người có tư duy kinh tế thị trường rất mạnh mẽ, có tầm nhìn xa, đó cũng là yêu cầu đặt ra của ông Hoài với ông Tín phải làm thật tốt về công tác nghiên cứu, đánh giá về trữ lượng. Tuy nhiên, ông Tín cũng cho rằng, người làm khoa học phải có định hướng, bước ngắn, bước trung và bước dài. Bước ngắn thì tiền nhanh nhưng không thể bỏ bước trung và dài hạn để xây dựng đội ngũ khoa học, một nền tảng khoa học bền vững thì phải có sự hy sinh cần thiết.
“Người làm khoa học mà cứ mải chạy theo cơ chế thị trường thì tư duy sẽ bị bó hẹp lại, không có ý tưởng sáng tạo khoa học để tập trung phát triển”, PGS.TS Nguyễn Trọng Tín nhận xét.
Nghiên cứu khoa học không thể đơn độc
Tiếp nối những câu chuyện thời Viện Dầu khí Việt Nam trước đây, ông Tín kể tiếp: Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta thu lại của chính quyền cũ một trạm xử lý máy tính điện tử IBM duy nhất ở Đông Dương. Đầu thập niên 70, quân đội Mỹ tại Việt Nam đã tự hào có trong tay những cỗ máy tính mạnh nhất thế giới, được vận hành bởi 250 nhân viên của IBM và đội ngũ sĩ quan của quân đội Mỹ và Sài Gòn. Đây là hệ thống máy tính IBM360/40 do hãng IBM Mỹ chế tạo, hiện đại nhất Đông Nam Á, nó điện toán hóa lương bổng và phụ cấp cho toàn bộ quân đội của chế độ Việt Nam Cộng hòa, theo dõi ngân sách quốc phòng, ngoài ra nó còn quản lý toàn bộ nhân sự, khí tài, quân dụng, quân trang của 1,2 triệu sĩ quan và binh lính quân lực Việt Nam Cộng hòa...

PGS.TS Nguyễn Trọng Tín cùng Chi hội Dầu khí Hà Nội tham quan Nhà máy Thủy điện Hủa Na cuối năm 2022
Ông Hồ Đắc Hoài nghĩ cách phải chớp thời cơ để xin ngay việc quản lý cái trạm này để nghiên cứu, tính toán về trữ lượng dầu khí. Ông Hoài thành lập 1 tổ công tác vào Nam, tổ trưởng là ông Hà Quốc Quân, vào tìm hiểu, tiếp cận cỗ máy tính điện tử IBM đó. Sau đó, cỗ máy này còn tiếp tục sử dụng đến những năm 80, phục vụ cho tính toán các công trình kinh tế như dầu khí, thủy điện Trị An, quản lý đảng viên, tuyển sinh đại học...
Còn ở ngoài Bắc, một tổ khác do ông Phạm Kim Trung, kỹ sư toán máy tính là tổ trưởng, đi tiếp cận cỗ máy tính MINSK 22 khổng lồ của Liên Xô tại Trường Đại học Bách Khoa. Chiếc MINSK 22 có kích thước to đúng bằng một phòng nhà, cộng thêm khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở Việt Nam khiến việc chăm sóc, bảo dưỡng chiếc máy tính đó còn khó hơn cả việc vận hành. Vì là chiếc máy tính đầu tiên và duy nhất của toàn miền Bắc nên nó được ưu tiên cho việc tính toán để phục vụ sản xuất hơn là trong công tác đào tạo. Rất nhiều cơ quan khác nhau đến để tiếp cận chiếc máy tính phục vụ cho công việc. Cho nên, chiếc máy tính được đặt ở một tầng hầm chuyên biệt của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật trên phố Trần Hưng Đạo. Ngày đó, mỗi lần muốn được sử dụng chiếc máy tính ấy, có hôm các ông phải chờ đến đêm. Để nghiên cứu, mọi người cho đống tài liệu dày cộp vào máy nên thường gọi là “đục lỗ”.
Cả 2 trạm máy tính của Mỹ và Liên Xô đều được Viện Dầu khí Việt Nam tận dụng nghiên cứu triệt để, thu nhận nhiều kết quả rất giá trị.
PGS.TS Nguyễn Trọng Tín, sinh năm 1953, quê Nam Đàn, Nghệ An. Năm 1970, ông theo học chuyên ngành dầu khí tại thành phố Bacu, Liên Xô. Năm 1980, ông công tác tại Viện Dầu khí Việt Nam cho đến năm 2013. Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội Địa chất Dầu khí Việt Nam.
Được phân nhà ở Hà Nội, sướng như tiên
Những năm tháng làm việc tại Viện Dầu khí Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Tín rất hiểu ông Hồ Đắc Hoài luôn có trăn trở về việc “nghiên cứu khoa học không thể đơn độc, nó cần sự liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học khác nhau và với các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khác”. Vì lẽ đó, ông Hoài mong muốn được chuyển trụ sở Viện Dầu khí Việt Nam ở Hưng Yên về thủ đô. Nhưng thời kỳ đó hết sức nhạy cảm, có đồng chí lãnh đạo rất ghét chuyện cán bộ cứ lũ lượt kéo nhau về thủ đô, thậm chí còn nâng quan điểm là... “tư duy tư sản”, nên chiến lược “đưa Viện Dầu khí Việt Nam về Hà Nội” được thực hiện từ từ.
Đầu tiên lãnh đạo Viện Dầu khí Việt Nam đặt vấn đề xin nhà ở Hà Nội, khi đó ông Phan Tử Quang, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Việt Nam ủng hộ ngay. Ông Tín được phân vỏn vẹn 10m2 tại tầng 5 tập thể D1 Thành Công, Hà Nội. Hôm đầu tiên nhận nhà, ông Tín sướng quá, cởi trần nằm luôn giữa nhà, ngước lên trần nói: “Thế là đời lên... tiên”. Đó là kỷ niệm ông Tín gọi là đáng nhớ nhất trong đời, tại căn nhà đó ông với vợ và hai con ở. Những hôm mưa to, ông Tín cùng ông Hoàng Phổ, Trưởng ban Lao động - Tiền lương và Chế độ chính sách (Tổng cục Dầu khí), hàng xóm cùng căn hộ, lại vác thùng ra hứng nước mưa để dùng trong sinh hoạt...
Đến năm 1985, quyết định xin chuyển địa điểm của Viện Dầu khí Việt Nam mới được Hội đồng Bộ trưởng chấp thuận. Có tờ giấy quyết định trong tay, chiến lược “đưa Viện Dầu khí Việt Nam về Hà Nội” tiếp tục được thực hiện đến năm 1993.

Phòng thí nghiệm tại Viện Dầu khí Việt Nam
Ông Nguyễn Trong Tín nhớ lại, thời kỳ còn ở Hưng Yên gặp rất nhiều khó khăn nhưng mọi người sống với nhau rất tình cảm, không phân biệt cấp trên, cấp dưới. Ngoài những kỷ niệm với ông Hồ Đắc Hoài, ông còn nhiều kỷ niệm với Viện phó, Bí thư Đảng ủy Hoàng Lộc, một Thượng tá quân đội chuyển sang Viện. Ông Lộc là người quán xuyến mọi việc ở Viện Dầu khí Việt Nam, luôn quan tâm đến đời sống cán bộ, nhân viên, ngày nào ông cũng đi gõ cửa từng nhà, thăm hỏi mọi người, bởi thế đời sống con em cán bộ ra sao ông Lộc nắm hết.
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Trọng Tín, tiềm năng dầu khí tại Việt Nam còn rất triển vọng, ví dụ như bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, chúng ta đang triển khai tìm kiếm dầu khí trong các bẫy phi truyền thống, đặc biệt tại vùng nước sâu và xa bờ cần được tiếp tục nghiên cứu và thăm dò.
Một người nữa là một chuyên gia Liên Xô Sê-va-si-a-nốp sang Việt Nam giúp Viện Dầu khí Việt Nam làm báo cáo tổng hợp, đánh giá triển vọng dầu khí miền võng Hà Nội. Lần đầu tiên ông Tín được tiếp xúc một báo cáo phục vụ sản xuất rất bài bản, chi tiết tuyệt vời cho ngành Dầu khí. Nó đã giúp chúng ta định hướng công tác tìm kiếm, thăm dò tại miền võng Hà Nội từ năm 1983, có giá trị đến ngày nay.
Ông Sê-va-si-a-nốp đưa ra khái niệm địa chất dầu khí “nhịp và chu kỳ”. Dựa trên khái niệm này, về sau các nhà địa chất phương Tây đưa ra khái niệm “tập và phân tập” trên máy tính, giải được bài toán thực tế. Về mặt ý tưởng, có thể nói các nhà địa chất Liên Xô là bậc thầy, luôn đi đầu.
Năm 1991, ông Nguyễn Trọng Tín lần đầu sang Vương quốc Anh theo chương trình hợp tác giữa Viện Dầu khí Việt Nam và Công ty Robertson về đề tài nghiên cứu cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí bể Nam Côn Sơn. Công tác tại Anh 3 tháng, ông Tín học thêm được tính thực tiễn, sau đó đề tài nghiên cứu được áp dụng hiệu quả tại Việt Nam.
Tính đến nay, PGS.TS Nguyễn Trọng Tín đã cùng các cộng sự thực hiện trên 70 đề tài khoa học lớn nhỏ cùng hàng chục báo cáo hội thảo cho các nhà thầu, trong đó nhiều đề tài giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao như đề tài nghiên cứu tại bể Cửu Long, Nam Côn Sơn và các bể trầm tích khác trên thềm lục địa Việt Nam.
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Trọng Tín, tiềm năng dầu khí tại Việt Nam còn rất triển vọng, ví dụ như bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, chúng ta đang triển khai tìm kiếm dầu khí trong các bẫy phi truyền thống, đặc biệt tại vùng nước sâu và xa bờ cần được tiếp tục nghiên cứu và thăm dò. Ông Nguyễn Trọng Tín cũng tin rằng, thế hệ hôm nay rất giỏi, sẽ kịp thời nắm bắt những thành tựu khoa học công nghệ, tạo ra những giải pháp đột phá, góp phần vào sự phát triển ổn định và bền vững của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Sau ngày giải phóng miền Nam, chúng ta thu lại của chính quyền cũ một hệ thống máy tính IBM360/40 do hãng IBM Mỹ chế tạo, hiện đại nhất Đông Nam Á. Hệ thống máy tính này được tiếp tục sử dụng đến những năm 80, phục vụ cho tính toán các công trình dầu khí, thủy điện Trị An...
Theo Petrotimes

Cùng chuyên mục

Công ty Than Mạo Khê tăng cường phối hợp đào tạo thực hành cho học viên

28/03/2024

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển sản xuất kinh doanh, Công ty Than Mạo Khê - TKV đã phối hợp cùng Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam kết hợp đào tạo học lý thuyết gắn với thực hành.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151