Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 20/04/2024 | 01:27 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Nghiên cứu đào tạo

Xây dựng, thực thi Luật Năng lượng Tái tạo: Kinh nghiệm Hoa Kỳ và tiểu bang California

25/05/2023
Tại Hoa Kỳ, liên bang có luật chung, còn các tiểu bang lại có quy định riêng để thúc đẩy năng lượng tái tạo phát triển cho mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Tổng hợp dưới đây của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam là kinh nghiệm xây dựng, thực thi Luật Năng lượng Tái tạo của Hoa Kỳ nói chung và tiểu bang California nói riêng.
Về Luật Năng lượng Tái tạo của liên bang:
Đạo luật An ninh và Năng lượng Sạch của Mỹ năm 2009 (ACES) là luật năng lượng được thiết lập kế hoạch mua bán khí thải (tương tự như kế hoạch mua bán khí thải của Liên minh châu Âu). Dự luật đã được Hạ viện thông qua vào ngày 26 tháng 6 năm 2009 - được gọi là Dự luật Waxman-Markey, gọi theo tên tác giả, đó là dân biểu Henry A. Waxman của California và Edward J. Markey của Massachusetts, cả hai đều thuộc Đảng Dân chủ. Waxman vào thời điểm đó là Chủ tịch của Ủy ban Năng lượng và Thương mại, còn Markey là Chủ tịch của Tiểu ban Năng lượng và Điện thuộc Ủy ban đó.
Dự luật đề xuất một hệ thống giới hạn và thương mại. Theo đó, Chính phủ sẽ đặt ra giới hạn với tổng lượng khí nhà kính có thể được thải ra trên toàn liên bang. Sau đó, các công ty mua, hoặc bán (trao đổi) giấy phép phát thải các loại khí này, chủ yếu là carbon dioxide (CO2). Giới hạn này được giảm dần theo thời gian để giảm tổng lượng khí thải carbon. Luật này sẽ đặt ra mức trần đối với tổng lượng khí thải trong giai đoạn 2012 - 2050 và yêu cầu các thực thể được quản lý phải nắm giữ các quyền, hoặc các khoản cho phép để thải khí nhà kính. Sau khi các khoản trợ cấp ban đầu được phân phối, các thực thể sẽ được tự do mua và bán chúng (phần thương mại của chương trình). Những thực thể thải ra nhiều khí hơn phải đối mặt với chi phí cao hơn, điều này mang lại động lực kinh tế để giảm lượng khí thải.
Các yếu tố chính của Dự luật bao gồm:
Thứ nhất: Yêu cầu các công ty điện lực phải đáp ứng 20% nhu cầu điện thông qua các nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả vào năm 2020.
Thứ hai: Trợ cấp cho công nghệ năng lượng sạch mới và sử dụng năng lượng hiệu quả, bao gồm năng lượng tái tạo (90 tỷ USD trợ cấp mới đến năm 2025), thu hồi và cô lập carbon (60 tỷ USD), xe điện và các phương tiện công nghệ tiên tiến khác (20 tỷ USD), nghiên cứu và phát triển khoa học cơ bản (20 tỷ USD).
Thứ ba: Bảo vệ người tiêu dùng trước nguy cơ tăng giá năng lượng. Theo ước tính từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường, việc giảm ô nhiễm carbon theo yêu cầu của luật pháp sẽ khiến các gia đình Mỹ tốn ít hơn tiền chi phí năng lượng mỗi ngày (khoảng 13,2 USD/tháng và 160,6 USD/năm).
Thứ tư: Đặt mục tiêu giảm phát thải carbon dioxide, metan và các loại khí nhà kính khác giống như mục tiêu do Tổng thống Barack Obama đề xuất. Dự luật yêu cầu giảm 17% lượng khí thải từ mức năm 2005 vào năm 2020. Kế hoạch sẽ dự kiến giảm lượng khí thải của Hoa Kỳ khoảng 83% vào năm 2050. Các biện pháp bổ sung trong luật, chẳng hạn như nỗ lực ngăn chặn nạn phá rừng nhiệt đới, sẽ đạt được mức giảm đáng kể lượng carbon khí thải.
Thứ tư: Đưa ra tiêu chuẩn điện tái tạo (gần giống với tiêu chuẩn danh mục năng lượng tái tạo, nhưng được điều chỉnh hẹp hơn cho năng lượng điện) yêu cầu mỗi nhà cung cấp điện cung cấp hơn 4 triệu MWh/năm phải sản xuất 20% điện năng từ các nguồn tái tạo (như gió, mặt trời và địa nhiệt) vào năm 2020. Có một điều khoản, theo đó 5% tiêu chuẩn này có thể được đáp ứng thông qua tiết kiệm hiệu quả năng lượng, cũng như 3% bổ sung với chứng nhận của Thống đốc tiểu bang - nơi nhà cung cấp hoạt động.
Các mục tiêu chính của dự luật bao gồm:
Một là: Tạo điều kiện để hiện đại hóa lưới điện.
Hai là: Tạo hành lang cho sản xuất xe điện và công nghệ ô tô tiên tiến khác.
Bà là: Tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà, thiết bị gia dụng và phát điện.
Sau ACES, trung tuần tháng 8/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) trị giá hơn 430 tỷ USD. Mục tiêu của IRA là giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch vốn chịu nhiều biến động về nguồn cung. Đó cũng là lý do mà lĩnh vực an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu được dành ra tới 369 tỷ USD, chiếm hơn 85% tổng ngân sách của Đạo luật.
Đạo luật IRA nhắm tới 3 mục tiêu chính là giảm chi phí chăm sóc y tế (Medicare), tăng thuế thu nhập và thúc đẩy chuyển đổi sang các dạng năng lượng xanh. Đối với lĩnh vực năng lượng xanh, phần lớn nguồn ngân sách từ Đạo luật sẽ được phân bổ cho các chương trình trợ giá và trợ thuế với người tiêu dùng để chuyển đổi sang năng lượng thân thiện với môi trường, chẳng hạn người mua xe điện tại Mỹ sẽ được hưởng một khoản trợ thuế 7.500 USD. Đây được xem là cơ hội lớn để các lĩnh vực như sản xuất tấm pin mặt trời và ô tô điện phát triển nhanh.
Trong vài năm qua, nhu cầu sử dụng các sản phẩm và phương tiện xanh đã bắt đầu tăng mạnh tại Mỹ, đặc biệt là những thành phố lớn. Tuy nhiên, quy mô của thị trường này vẫn còn khá khiêm tốn như ô tô điện mới chỉ chiếm khoảng 4% tổng lượng xe bán ra tại Mỹ. Một số lĩnh vực khác không nằm trong phân bổ của Đạo luật cũng đang kêu gọi Chính phủ Mỹ có thêm các gói hỗ trợ trong tương lai. Dù chưa hoàn hảo, nhưng Chính phủ Mỹ kỳ vọng Đạo luật IRA là cú hích mạnh trong việc chuyển đổi xanh trong nền kinh tế Mỹ và hiện thực hóa mục tiêu giảm 40% phát thải nhà kính vào năm 2030.
Đạo luật Năng lượng sạch của tiểu bang California:
Trong trường hợp không có chính sách liên bang để giảm lượng khí thải carbon dioxide từ ngành điện, các tiểu bang của Mỹ đã phát triển các chiến lược riêng:
- Áp dụng các tiêu chuẩn danh mục năng lượng tái tạo.
- Đầu tư vào các nguồn năng lượng hiệu quả.
- Khởi xướng các chương trình thương mại và giới hạn carbon.
- Thông qua các mục tiêu giảm phát thải hàng năm.
- Đưa điện khí hóa vào ngành giao thông vận tải.
Vào tháng 9/2018, California đã thông qua Dự luật 100 Thượng viện [Senate Bill 100] hay ‘Đạo luật 100% năng lượng sạch năm 2018’ [The 100 Percent Clean Energy Act of 2018], gọi ngắn là SB 100. Dự luật mở ra cơ hội cho các phân ngành (như thủy điện, hạt nhân và lưu trữ năng lượng) phát triển để giúp California đạt được mục tiêu 100 phần trăm năng lượng sạch. Đạo luật ra đời cũng là thời điểm báo hiệu sự kết thúc của than, khí đốt ở California, ngoại trừ việc lưu trữ và cô lập carbon khí đốt tự nhiên.
California tự hào là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, vì vậy, luật pháp tích cực của nó có thể có những tác động sâu rộng vượt ra ngoài tác động tức thời đối với giá điện và chuyển giao năng lượng. Nó có khả năng ảnh hưởng đến các chính sách ở những nơi khác và đẩy nhanh tính khả dụng, cũng như giảm chi phí của các công nghệ phát thải carbon bằng không mới nổi có thể chưa có sẵn trên thị trường, hoặc chưa có hiệu quả về kinh tế.
Tại cuộc họp tháng 11/2022 của Hội đồng Bang, California đã cung cấp thông tin cơ bản về luật nói trên và đưa ra đánh giá về nguồn cung cấp điện hiện tại của bang, cũng như việc tích hợp bang với vùng Tây Bắc (WECC).
California nhập khẩu khoảng 13% nguồn cung cấp năng lượng hàng năm từ khu vực này, vì vậy, những tác động tiềm ẩn đối với thị trường Tây Bắc và Hội đồng điều phối điện miền Tây (WECC) là rộng lớn.
Đến năm 2045, trong số khoảng 100 gigawatt năng lượng tái tạo mới được dự báo sẽ được xây dựng để đáp ứng chính sách của California, 70% là năng lượng gió và 30% là nguồn năng lượng mặt trời. Điều này chủ yếu là do chi phí vốn ngày càng thấp so với các lựa chọn tái tạo và sạch khác như địa nhiệt, lò phản ứng mô-đun nhỏ (hạt nhân) và lưu trữ năng lượng (pin).
Mặc dù ban đầu phần lớn các nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo đã được phát triển ở California, nhưng đến năm 2045, hơn một nửa năng lượng gió và mặt trời sẽ được xây dựng bên ngoài California, với hơn 20 gigawatt công suất mới ở Tây Nam sa mạc. Ngoài ra, năng lượng gió đã vượt qua thủy điện để trở thành nguồn điện lớn nhất trong WECC. California càng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào hàng nhập khẩu từ các nước láng giềng, đặc biệt là từ Tây Bắc Thái Bình Dương vào mùa xuân, mùa hè, và từ sa mạc, miền núi phía Tây vào mùa thu và đông.
Về lâu dài, lượng khí thải carbon từ hệ thống điện trong WECC sẽ giảm do có SB 100. Nếu không có SB 100, lượng khí thải sẽ tăng nhẹ do phụ tải ở WECC tăng theo thời gian. Lượng phát thải hàng năm vẫn phụ thuộc vào sự sẵn có của thủy điện Tây Bắc, nhưng ở mức độ thấp hơn một chút.
Chính sách của California cũng hạn chế mức tăng giá điện bán buôn dự kiến trong hầu hết WECC, nhưng sự thay đổi giá cả hàng năm và theo mùa sẽ tăng lên, đặc biệt là trong điều kiện thủy điện thấp ở Tây Bắc. Phân tích cho thấy: Giá hàng ngày có hai giai đoạn cao điểm chính: 6 đến 10 giờ sáng và tối, với mức giá thấp nhất vào giữa ngày. Các khoảng thời gian cao điểm tương ứng với mặt trời mọc và lặn khi mọi người chuẩn bị đi làm, hay về nhà.
Tài nguyên gió có xu hướng mạnh hơn vào buổi tối và sáng sớm khi nhiệt độ thay đổi, khiến giá giảm, mặc dù nguồn năng lượng mặt trời ở mức 0, hoặc phát điện thấp. Do sự biến đổi của sản xuất năng lượng tái tạo, giá có thể biến động theo từng giờ, nhưng nhìn chung, giá được dự báo sẽ ở mức thấp.
Xây dựng hệ thống truyền tải mới, sửa đổi chính sách thị trường và tác động tiềm năng của điện khí hóa là tất cả các yếu tố có thể thay đổi đáng kể quan điểm của California trong tương lai. Ngoài ra, một lượng lớn tài nguyên gió và mặt trời khiến việc quản lý lưới điện trở nên phức tạp hơn nên cần tới chuyên môn giỏi trong quản lý, điều hành để nâng cao độ tin cậy của toàn bộ hệ thống.
Đón đọc kỳ tới...
Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam 

Cùng chuyên mục

Gần 900 sáng kiến làm lợi 450 tỷ đồng tại PTSC trong năm 2023

19/04/2024

​Vừa qua, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã tổ chức thành công Hội nghị Khoa học Công nghệ (KHCN) lần I năm 2024. Hội nghị đã tập trung vào việc đánh giá hoạt động KHCN trong năm 2023 và triển khai kế hoạch cho năm 2024.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151