"Phòng vợ chồng tôi lắp điều hòa 24.000 BTU, mẹ sợ chúng tôi dùng nhiều tốn điện nên gọi thợ đến đổi", anh Khang, 38 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội kể chuyện đợt nóng đầu tháng 5.
Nhưng chiếc điều hòa 18.000 BTU ở phòng bà Hóa là mẫu mới mua trong khi chiếc 24.000 BTU đã dùng 5 năm, dòng rẻ tiền nên hiệu quả làm mát rất chậm. Ba ngày sau đó, chiếc điều hòa "mở cả đêm cũng không mát" khiến bà mất ngủ. Đến ngày thứ tư, bà gọi thợ đổi trở lại như cũ.
Sau lần đổi thứ hai, cả hai chiếc điều hòa "lăn ra chết". "Nửa đêm nóng như điên, cả nhà kéo ra nhà nghỉ thuê phòng ngủ", Khang kể. Chưa đến tháng lương, nhưng quá nóng, anh phải vay mượn mua một chiếc mới tốn hơn 25 triệu đồng chưa tính 6 triệu đồng hai lần tháo lắp, đổi điều hòa của bà.
Khang cho biết đây không phải lần đầu tiên mẹ anh gây ra chuyện dở khóc dở cười liên quan đến cái điều hòa. Những năm trước cứ đến tối bà lại mang gối vào ngủ chung với vợ chồng anh để chỉ cần bật một máy lạnh cho tiết kiệm điện. Khi hai đứa cháu ra đời, bà không ngủ chung được nữa nhưng cứ gần sáng lại vào phòng con trai tắt điều hòa, mở toang các cửa, bật quạt.
Nhiều lần anh con trai thuyết phục mẹ rằng cả năm có ba, bốn tháng nóng, để các cháu nhỏ sử dụng thoải mái chút nhưng bà vẫn không hài lòng. Những hôm trời 32 độ mà bật điều hòa vợ chồng Khang sẽ bị mắng.
"Có hôm tôi phải chốt cửa, giấu điều khiển để mẹ không thể tìm được mà tắt", anh nói.
Một người dân ở Hà Nội bật điều hòa sử dụng vào đợt nắng nóng cuối tháng 5/2023. Ảnh: P.D Vợ chồng Ngọc Trang, 31 tuổi ở quận Bắc Từ Liêm cũng từng phải ngủ chung với bố mẹ chồng suốt hai mùa hè. Hồi mới cưới phòng của vợ chồng Trang ở tầng bốn nên rất nóng, muốn lắp điều hòa nhưng bố mẹ không cho phép. "Ông bà bắt ngủ chung một phòng ở tầng hai nếu nóng quá không ngủ được ở phòng mình", Trang kể.
Là dâu mới, sợ làm phật ý bố mẹ nên mặc dù khó chịu, Trang phải cố nín nhịn. Cô nói may phòng ông bà rộng, kê được hai giường nhưng kể cả lúc đi ngủ cũng phải ăn mặc kín đáo, muốn ôm chồng ngủ cũng không dám. "Vợ chồng son mà mỗi đứa nằm một góc", cô kể.
Cầm tờ hóa đơn 1,8 triệu đồng tiền điện tháng vừa rồi khiến anh Tuyên, 29 tuổi, đang trọ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội thấy choáng váng. Những tháng bình thường gia đình anh chỉ tốn khoảng 500.000 đồng.
"Thủ phạm là do chiếc điều hòa", anh Tuyên nói. Chị Hoài, vợ anh nuôi con theo phương pháp quấn bé trong chăn và luôn để nhiệt độ phòng 23-24 độ. Với mức nhiệt vợ cài đặt, Tuyên thường xuyên lạnh nổi gai ốc. Nói vợ tăng nhiệt lên nhưng cô nói trẻ con thân nhiệt cao và cần nhiệt độ ổn định để giữ gìn sức khỏe.
Anh Tuyên không hiểu phương pháp nuôi con của vợ thế nào, chỉ nghĩ có những hôm nắng nóng tới 40 độ mà bật nhiệt độ thấp như thế sẽ khiến chiếc điều hòa sẽ phải làm việc liên tục, tốn điện, nhanh hỏng, cũng không tốt cho cơ thể.
Giá điện vừa tăng 3%, chủ trọ điều chỉnh từ 3.500 đồng lên 4.000 đồng một số điện. "Chỉ vì mấy lần góp ý vợ bật nhiệt độ cao lên, sáng sớm trời mát cho con ra ngoài tắm nắng, đi dạo mà vợ mắng tôi đàn ông so đo, tính toán", anh kể.
Những bất đồng, lục đục trong sử dụng điều hòa là chuyện không hiếm trong các gia đình, với 28% độc giả tham gia khảo sát của VnExpress hôm 29/5 thừa nhận. Trong hơn 500 độc giả, 15% cho biết gia đình mâu thuẫn vì chi phí điện; 13% mâu thuẫn vì thói quen dùng điều hòa khác nhau.
"Tôi thường thấy nhất trong các gia đình có mâu thuẫn thế hệ vì thói quen và tiết kiệm điện. Các ông bà ít dùng điều hòa, họ cũng sợ con cháu nằm phòng lạnh nhiều ốm yếu, xanh xao. Ngược lại thế hệ trẻ quen làm việc văn phòng, tối về chỉ muốn bật máy lạnh đắp chăn đi ngủ", chuyên gia tâm lý Hồng Hương (Hà Nội) cho biết.
Điều hòa không khí là giải pháp hiệu quả nhất, cũng sạch sẽ, giúp ngủ ngon và bảo vệ sức khỏe cả nhà. Tuy nhiên theo chuyên gia này nếu nhìn ở chiều hướng khác, những người ít dùng điều hòa và muốn tiết kiệm điện lại có mặt tích cực, nhất là trong bối cảnh thiếu điện như năm nay.
Điều hòa tiêu thụ nhiều điện hơn bất kỳ thiết bị nào khác trong nhà. Theo tờ Guardian (Anh), thiết bị làm mát này tiêu thụ 10% điện năng toàn cầu và giải phóng các loại khí làm nóng hành tinh vào bầu khí quyển. Vào ngày nóng nhất trong năm ở một số vùng của Mỹ và Trung Đông, 70% nhu cầu điện cao điểm của dân cư là để làm mát.
Theo giáo sư Nguyễn Đức Lợi, Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt Lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội, điều hòa có động cơ từ 750W đến 1.900 W. Khi bật điều hòa, lượng điện tiêu thụ tương đương với đun nấu bếp điện. Tuy nhiên thời gian dùng điều hòa trong các gia đình thường nhiều hơn đun nấu cả chục lần.
Cách hiệu quả nhất để tiết kiệm điện điều hòa là dùng ít, đóng kín cửa nhưng phải thông gió cho phòng sau mỗi 3-4 giờ để đủ dưỡng khí, cài đặt nhiệt độ phòng cao nhất có thể. Thông thường chênh lệch nhiệt độ so với ngoài trời không quá 8 độ và nên để ở mức từ 27-28 độ C, nếu chưa thấy lạnh có thể bật thêm quạt.
"Tăng lên được một độ đồng nghĩa với tiết kiệm được khoảng 10% điện năng tiêu thụ", giáo sư Lợi nói.
Tình trạng ngủ cùng phòng với bố mẹ của vợ chồng Ngọc Trang chỉ chấm dứt bốn năm trước, khi cô sinh con. Trang được phép lắp điều hòa cho phòng mình. Các năm sau con ra ngủ riêng, thêm phòng làm việc và ba mẹ con chị gái chuyển về sống cùng khiến gia đình Trang hiện nay có 7 chiếc điều hòa. Năm ngoái có tháng nắng nóng cao điểm, gia đình phải trả gần 4 triệu đồng tiền điện.
Vì điều hòa mà chi phí đội lên gấp ba bình thường khiến cô rất xót. Năm nay kinh tế khó khăn, ngay từ đầu mùa nóng cô lặp lại cách dùng điều hòa của bố mẹ chồng khi xưa: Cả nhà dồn về một phòng, ba mẹ con chị gái dồn vào phòng bà nội.
Vì con nhỏ đã quen điều hòa, trong khi phải chịu giá điện đi thuê, vợ chồng Tuyên đang tìm chỗ trọ mới để được hưởng điện, nước giá sinh hoạt.
Riêng anh Khang thừa nhận việc mẹ tiết kiệm cũng đỡ được cho anh một số chi phí. "Nhưng lần này bà đổi điều hòa liên tục các phòng là sai lầm. Đỡ được mấy trăm bạc mỗi tháng lại khiến con tốn hơn 30 triệu", anh than thở.
Theo Vnexpress