Niu-Zi- Lân là quốc gia có dân số xấp xỉ 5.26 triệu người (theo số liệu dân cư mới nhất từ Liên Hợp Quốc vào ngày 28/02/2024), quy mô thị trường điện nhỏ, nhu cầu tiêu thụ điện không lớn. Tuy vậy, quốc gia châu Đại dương này lại sở hữu trình độ rất cao trong quản lý năng lượng nói chung và lĩnh vực điện nói riêng.
Theo số liệu chính thức, sản xuất điện tại Niu-Zi-Lân đồng thời sử dụng cả nguồn năng lượng truyền thống và tái tạo. Tuy nhiên, trong thập niên vừa qua, năng lượng tái tạo đã được Chính phủ Niu-Zi-Lân quan tâm khuyến khích phát triển mạnh mẽ. Tổng sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ tại Niu-Zi-Lân đạt xấp xỉ 44000 GWh, với gần 2,2 triệu khách hàng đăng ký. Tổng công suất đặt cả nước ước tính khoảng 10000 MW. Trong đó, điện phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp tương đương xấp xỉ 34% sản lượng, chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp chính như sản xuất thép, cơ khí luyện kim, công nghiệp chế biến thực phẩm…
Hiện nay, năng lượng tái tạo chiếm tới 30% tổng cơ cấu năng lượng và 87% cơ cấu nguồn phát điện của quốc gia này, cao hơn mức bình quân 30% của các quốc gia thành viên Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD). Niu-Zi-Lân đã trở thành một trong những quốc gia có tỷ trọng điện năng lượng tái tạo trên tổng cơ cấu vào hàng cao nhất thế giới. Các nguồn năng lượng hóa thạch còn được sử dụng không nhiều trong sản xuất điện, trong đó điện than chỉ còn chiếm khoảng 3% tổng nguồn phát. Cơ cấu các loại hình điện năng lượng tái tạo năm 2023 như sau: Thủy điện (60%), địa nhiệt (18%), điện khí (10%), điện gió (6,5%)…
Mặc dù cho đến nay điện năng lượng tái tạo chủ yếu đến từ thủy điện và địa nhiệt do các điều kiện tự nhiên đem lại, nhưng chủ trương của Chính phủ Niu-Zi-Lân là tiến tới phát triển nâng cao công suất và sản lượng điện mặt trời nhằm khai thác tiềm năng sẵn có, tận dụng những lợi thế của loại hình năng lượng này và cũng là xu thế phát triển chung trên thế giới.
Hiện tại, tổng công suất điện mặt trời của Niu-Zi-Lân còn khiêm tốn, chỉ khoảng 280 MW, bao gồm cả điện mặt trời mái nhà. Chính phủ có kế hoạch tăng tổng công suất lên 535 MW từ nay tới năm 2030, trong đó bao gồm cả các dự án nhà máy điện quy mô nhỏ có nối lưới và mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Do nhu cầu phát triển điện mặt trời trên thế giới đã trở thành một xu thế và là mối quan tâm của nhiều quốc gia, nên vốn và chi phí đầu tư cho các dự án điện mặt trời nói chung tăng cao trong thời gian gần đây. Điều này cũng không ngoại lệ đối với các dự án điện mặt trời tại Niu-Zi-Lân. Mặc dù vậy, điện xanh từ nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời là sự lựa chọn tối ưu giúp cho Niu-Zi-Lân phát triển nền kinh tế có mức độ phát thải thấp và tuân thủ các cam kết về chống biến đổi khí hậu. Bởi vậy, Chính phủ bạn vẫn duy trì chủ trương nhất quán và có các kế hoạch để từng bước thực hiện.
Chính phủ Niu-Zi-Lân đã cam kết đưa mức phát thải CO2 về 0 vào năm 2050 và đặt ra mục tiêu các nguồn năng lượng tái tạo đáp ứng 50% tổng mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2035, đạt 100% sản lượng điện từ năng lượng tái tạo trước năm 2030.
Để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ và người dân. Những kinh nghiệm chuyển đổi năng lượng của Niu-Zi-Lân chắc chắn sẽ rất hữu ích cho các quốc gia quan tâm, xem xét nghiên cứu, tham khảo và áp dụng nếu thấy phù hợp với các điều kiện của đất nước mình.
Việt Phương tổng hợp
(Nguồn: https://www.mbie.govt.nz/
https://www.canstarblue.co.nz/
https://www.ea.govt.nz/)