Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 27/04/2024 | 18:53 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Thông tin báo chí

Hà Nội hưởng ứng Giờ Trái đất 2024: Tiết kiệm điện - Thành thói quen

24/03/2024
Từ 20h30 - 21h30 phút ngày 23/3, TP. Hà Nội hưởng ứng tắt đèn Giờ Trái đất với thông điệp 'Tiết kiệm điện - Thành thói quen'.
Tối 23/3, tại phố đi bộ Hồ Gươm, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI) đã tổ chức hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 với thông điệp "Tiết kiệm điện - Thành thói quen".

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng phát biểu tại chương trình
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian qua, chiến dịch Giờ Trái đất được lan tỏa rộng khắp tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, cộng động dân cư, hộ gia đình và mỗi công dân Thủ đô không chỉ thực hiện trong 60 phút tắt điện mà cả 365 ngày trong năm.
Năm 2023, sản lượng tiết kiệm Giờ Trái đất của TP. Hà Nội đạt 34.278 kWh, giúp giảm 24,75 tấn CO2, tương ứng tỷ lệ 11,5% so với cả nước.
Lượng tiết kiệm Giờ Trái đất năm 2023 trên toàn quốc đạt 298.000 kWh.
Thông qua sự kiện này đại diện Sở Công Thương Hà Nội kêu gọi tất cả nhân dân, cộng đồng, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp hãy cùng hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất bằng những hành động cụ thể như: Tắt các thiết bị điện không cần thiết; Vận động hướng dẫn tổ chức, nhân dân, người thân, bạn bè nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng điện tiết kiệm theo hướng tích cực bảo vệ môi trường tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền và tôn vinh những mô hình, điển hình tiên tiến về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm tăng trưởng xanh và bền vững.
"Chỉ một vài hành động nhỏ sẽ mang đến ý nghĩa lớn cho cộng đồng, tạo thành thói quen tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong cả năm, góp phần hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu", ông Thắng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội và Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội thực hiện nghi thức đếm ngược sự kiện Giờ Trái đất
Hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2024, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Phát động giải chạy online vào ngày 17/3 tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ); tuyên truyền, treo băng rôn, khẩu hiệu và đạp xe tại các tuyến phố chính trên địa bàn thành phố; thi vẽ tranh "Thiếu nhi Thủ đô - Tiết kiệm điện thành thói quen"; chương trình "Đổi giấy lấy cây" mang thông điệp bảo vệ môi trường hưởng ứng Giờ Trái đất…
Điểm nhấn năm nay, sự kiện hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 được tổ chức từ 20h30 - 21h30 ngày 23/3 tại phố đi bộ Hồ Gươm trước trụ sở của Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội.
Đồng loạt tại các địa điểm nổi tiếng, khu vực công cộng, tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như: Đền Ngọc Sơn - Tháp Rùa - cầu Thê Húc, vườn hoa Lý Thái Tổ; chung quanh các khu vực Hồ Gươm, Nhà Hát lớn Hà Nội, hồ Trúc Bạch; trụ sở Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND TP; trụ sở các sở, ban, ngành của TP… đã tiến hành hoạt động tắt đèn chiếu sáng, trang trí, biển quảng cáo…
Mỗi quận, huyện, thị xã của Hà Nội cũng chọn một số điểm công cộng trên địa bàn để tắt đèn chiếu sáng.
Đèn trang trí tòa nhà Tràng Tiền Plaza cũng được tắt trong 1 giờ
Sự kiện hưởng ứng Giờ Trái đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài
Rạp BHD Star Cineplex hưởng ứng Giờ Trái đất
Người dân Hà Nội cùng nhau tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất
Năm 2024 đánh dấu năm thứ 16 liên tiếp Bộ Công Thương chủ trì tổ chức Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam. Đây là sự kiện quốc tế thường niên do Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) khởi xướng từ năm 2007 và Việt Nam chính thức tham gia năm 2009.
Năm 2024, theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hệ thống điện miền Bắc vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm nắng nóng, đặc biệt có thể xuất hiện tình trạng công suất thiếu (khoảng 420 - 1.770MW) trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và 7.
Còn tại các tỉnh, TP phía Nam, từ đầu năm đến nay, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến sản lượng điện trên toàn hệ thống lên tới 19,25 tỷ kWh, tăng 12,87% so cùng kỳ năm 2023.
Do đó, bên cạnh nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị nhằm bảo đảm cung ứng điện an toàn, đầy đủ cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thì việc khách hàng cùng chung tay tiết kiệm, sử dụng điện hiệu quả là biện pháp đặc biệt có ý nghĩa.
Theo Báo Công Thương 

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151