Mới đây, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã hoàn thiện quy định nhằm thiết lập một hệ thống dự trữ sản xuất than trong nước vào năm 2027 với mục tiêu ổn định giá than, đảm bảo cung cấp cho các nhà máy điện.
Quy định nêu trên lần đầu tiên được Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) ban hành dưới dạng dự thảo vào tháng 12 năm ngoái, theo đó kêu gọi dự trữ sản lượng than khoảng 300 triệu tấn mỗi năm để có thể sẵn sàng điều động từ nay đến năm 2030, tương đương khoảng 6% sản lượng than năm 2023.
Năm 2021, Trung Quốc đặt mục tiêu dự trữ khối lượng than tương đương 15% sản lượng hàng năm, lưu giữ tại các mỏ, cảng, nhà máy điện và các khu vực lưu trữ khác do nhà nước quy định.
Hệ thống dự trữ mới đảm bảo khả năng sản xuất và sẵn sàng huy động, khai thác một lượng than nhất định khi cần thiết, tập trung vào các mỏ than phục vụ sản xuất điện và cung ứng nhiệt . Giá than sẽ được chính quyền giám sát chặt chẽ do có liên quan đến giá điện và sinh kế của địa phương, không giống như than cốc được sử dụng trong sản xuất thép.
Các mỏ than trong hệ thống dự trữ phải có khả năng điều phối sản lượng khi chính quyền nhận thấy rằng giá than đã vượt quá phạm vi "hợp lý" hoặc khi nguồn cung cấp eo hẹp. Những mỏ này sẽ không chịu sự chi phối trước những yêu cầu của chính quyền địa phương về việc phải ký hợp đồng trung hoặc dài hạn với người mua.
Những mỏ than quy mô lớn, hiện đại với điều kiện an toàn tốt ở những khu vực sản xuất than hàng đầu của Trung Quốc là Sơn Tây, Nội Mông, Thiểm Tây và Tân Cương sẽ được ưu tiên đưa vào hệ thống và kế hoạch dự trữ than.
Trung Quốc là quốc gia sản xuất và tiêu thụ than hàng đầu thế giới, khai thác sản lượng kỷ lục lên tới 4,66 tỷ tấn vào năm 2023. Nước này thực sự lo ngại về an ninh năng lượng kể từ khi tình trạng thiếu than và điện trong nước diễn ra vào năm 2021 đã làm tê liệt nhiều ngành sản xuất, giá than tăng vọt, kéo theo cuộc điều tra sau đó về nguyên nhân và trách nhiệm của những cơ quan, tập thể và cá nhân có liên quan.
Sản lượng than dự kiến sẽ ổn định hơn trong năm 2024 do tác động từ các chính sách của nhà nước, trong đó có cả chủ trương tăng cường phát triển năng lượng tái tạo. Với chủ trương tăng cường phát triển các nguồn năng lượng mới, sản lượng than Trung Quốc có thể sẽ giảm, ước tính chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 1% trong năm 2024.
Việt Phương tổng hợp
(Nguồn:https://www.reuters.com)