Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ năm, 04/07/2024 | 17:19 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Hoạt động ERAV

ERAVCTED đẩy mạnh hoạt động đào tạo cho các đơn vị nước ngoài quan tâm đầu tư đến ngành điện Việt Nam

14/05/2024
Ngày 7-9/5/2024, Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và Đào tạo (ERAVCTED) đã tổ chức khoá đào tạo song ngữ về Thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam cho các chuyên gia của Tập đoàn GS Energy (Hàn Quốc), Công ty TNHH Vinacapital Corporate Finance và Công ty cổ phần năng lượng Long An (LAEC) là các đơn vị đầu tư, phát triển dư án điện khí LNG Long An 1-2. Chương trình được xây dựng và thiết kế riêng theo nhu cầu của ba đơn vị, tập trung chia sẻ về thị trường điện cạnh tranh, đàm phán hợp đồng mua bán điện, phát triển điện khí LNG, quản lý vận hành nhà máy điện trong hệ thống điện.
Ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc ERAVCTED phát biểu khai mạc tại Khoá đào tạo
Sau gần 12 năm vận hành thị trường phát điện và bán buôn điện cạnh tranh tại Việt Nam, thị trường điện Việt Nam đã từng bước nâng cao tính công bằng, minh bạch, giúp các đơn vị điện lực hoạt động hiệu quả và chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh và cung cấp điện. Đặc biệt, thị trường điện cạnh tranh đã và đang từng bước phát triển theo cả chất và lượng với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp và nguồn điện, tín hiệu giá điện thị trường đã phán ảnh rõ hơn quy luật cung - cầu điện.
Theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch Điện VIII) và Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/04/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, tăng trưởng nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng cao trong giai đoạn đến năm 2030, cơ cấu nguồn điện sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, xanh và bền vững. 
Phát biểu khai mạc tại khoá đào tạo, Ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc ERAVCTED chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh Việt Nam sau 12 năm qua, đồng thời đánh giá cao GS Energy, Vinacapital và LAEC đã chủ động tìm hiểu về thị trường điện Việt Nam. Đây là một bước đi và giải pháp phù hợp, thể hiện cách tiếp cận và tầm nhìn chiến lược của các đơn vị trong quá trình thích ứng với các điều kiện đặc thù và chuẩn bị nguồn lực chất lượng để có được lợi thế nhất định khi tham gia vào thị trường năng lượng, thị trường điện tại Việt Nam.
Chương trình đào tạo được thiết kế phù hợp với các đơn vị mới tiếp cận và đầu tư dự án điện quy mô lớn tại Việt Nam, tập trung chia sẻ về các nội dung: (i) Phát triển các nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia, (ii) Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, (iii) Các quy định về vận hành hệ thống điện, hệ thống truyền tải và điều độ trong hệ thống điện đối với nguồn điện quy mô lớn, (iv) Quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, (v) Quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện PPA – Thông tư số 07/2024/TT-BCT, (v) Mô phỏng tối ưu hoá trong VWEM, (vi) Quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trên thị trường điện lực, và (vii) Khái quát về các phương thức giải quyết tranh chấp và khả năng sử dụng phương thức hòa giải thương mại để giải quyết các tranh chấp trong các hợp đồng mua bán điện.
Ông Nguyễn Quang Thắng, Chuyên gia Phòng Hệ thống điện, Cục ĐTĐL trình bày về các quy định về quản lý, vận hành hệ thống điện 
Tham gia giảng dạy cho khóa đào tạo là các giảng viên giàu kinh nghiệm, trực tiếp tham gia nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về thị trường điện, giá điện, giám sát vận hành hệ thống điện và tham gia đàm phán hợp đồng liên quan đến các dự án điện tại Việt Nam.
Bà Phan Đỗ Thu Ngân, Phó trưởng Phòng Pháp chế, Cục ĐTĐL chia sẻ quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trên thị trường điện lực.

Ông Đinh Ngọc Điển, Chuyên gia Phòng Thị trường điện, Cục ĐTĐL chia sẻ về quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Việt Nam.
Bà Vũ Thu Hoài, chuyên gia Phòng Giá điện và Phí, Cục ĐTĐL chia sẻ những điểm mới trong Thông tư số 07/2024/TT-BCT quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện PPA. 
Ông Nguyễn Tuấn Phát, Giám đốc pháp lý của Asian Clean Capital Việt Nam chia sẻ về các tranh chấp trong PPA
Tại chương trình đào tạo, học viên của ba đơn vị đã có cơ hội trao đổi trực tiếp với các chuyên gia của Cục Điều tiết điện lực và ERAVCTED về nhiều vấn đề của ngành điện, hệ thống điện, thị trường điện của Việt Nam và cả thế giới, đồng thời lắng nghe và chia sẻ những vướng mắc của 03 đơn vị liên quan đến các nội dung của khóa đào tạo và liên hệ đến các hoạt động, vấn đề mà các chủ đầu tư đang gặp phải trong quá trình triển khai phát triển dự án điện khí LNG Long An 1-2 như: Hiện trạng chính sách và định hướng xây dựng chính sách phát triển nguồn điện tại Việt Nam; Các vấn đề liên quan đến phát triển trung tâm điện lực, trình tự thủ tục phát triển dự án điện và những rủi ro trong quá trình đầu tư hiệu quả một dự án điện tại Việt Nam; Các nội dung mới thay đổi, bổ sung trong quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện PPA; Các cơ chế và thị trường dịch vụ phụ trợ trong hệ thống điện và thị trường điện; Phương thức lập lịch, huy động vận hành trong hệ thống điện; Khung giá phát điện cho nhà máy điện khí LNG; Nguyên tắc tính toán các thành phần chi phí trong PPA, thanh toán của hợp đồng CfD, các cơ chế hợp đồng trong VWEM; thứ tự huy động nguồn điện trong thị trường điện, sản lượng hợp đồng (Qc) và các yếu tố liên quan giữa giá hợp đồng, giá thị trường điện, giá công suất thị trường (CAN),…; Những thắc mắc về quyền, nghĩa vụ và thực tiễn về giải quyết tranh chấp hợp đồng tại Việt Nam và những đặc thù trong đầu tư phát triển các dự án điện khí LNG. 
Với những chia sẻ tận tình, cụ thể của giảng viên, học viên tham gia khoá đào tạo đã có thêm những kiến thức nền tảng cơ bản và cũng đã hiểu ra nhiều nội dung, điều kiện đặc thù của Việt Nam, của thiết kế thị trường điện và các quy định về giá điện, PPA qua đó cũng đối chiếu lại với thực tế đang triển khai để tìm ra những giải pháp tháo gỡ, hướng đi phù hợp trong quá trình triển khai đầu tư phát triển dự án điện khí LNG Long An 1-2.
Các học viên tích cực trao đổi
Đánh giá về khoá đào tạo, Ông Kim Dong Huyn – Quản lý cấp cao Văn Phòng Đại diện GS Energy tại Việt Nam nhận định: “Đây là một khóa đào tạo rất tuyệt vời. Nó giúp chúng tôi có thể dễ dàng nắm bắt về chính sách của Việt Nam và thị trường điện. Các nội dung được trình bày rất cụ thể và rất hữu ích cho chúng tôi”.
Các hoạt động đào tạo sôi nổi được ERAVCTED tổ chức giúp học viên ghi nhớ những nội dung quan trọng của khóa đào tạo
Với xu hướng phát triển của ngành điện Việt Nam hiện nay, đặt trong bối cảnh mới của thế giới về chuyển dịch năng lượng, phát triển các dạng năng lượng mới và công nghệ mới, thì công tác đào tạo và nâng cao nguồn nhân lực đặc biệt với các tổ chức nước ngoài càng cần được quan tâm và đi trước một bước. Trong thời gian tới, ERAVCTED sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình đào tạo song ngữ nhằm góp phần hỗ trợ các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài có nền tảng và kiến thức về đặc thù của thị trường điện cạnh tranh, cơ chế giá điện, hợp đồng mua bán điện tại Việt Nam để tham gia hiệu quả vào thị trường điện.
Cục ĐIều tiết điện lực

Cùng chuyên mục

Hơn 100 học viên trên toàn quốc tham gia Khóa đào tạo "Thị trường điện cạnh tranh trong bối cảnh mới"

03/07/2024

Ngày 25-27/6 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và Đào tạo (ERAVCTED) đã tổ chức thành công Khoá đào tạo “Thị trường điện cạnh tranh trong bối cảnh mới”, thu hút sự tham gia của hơn 100 học viên trên toàn quốc.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151