Phóng viên: Thưa ông, việc thay đổi khung giá điện theo Quyết định 02/2023/QĐ-TTg vừa ký được áp dụng từ 3/2/2023 dựa trên những yếu tố như thế nào?
Ông Trần Việt Hòa: a) Trong thời gian vừa qua, công tác điều hành giá bán điện đã được Bộ Công Thương thực hiện theo đúng qui định tại Luật điện lực; theo đó Giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực. Hiện nay, Thu tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản nêu trên như sau:
+ Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân;
+ Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 5 năm 2016-2020 (hiện đã được thay thế bởi Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg ngày 03/02/2023);
+ Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Sau khi quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện hết hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các Bộ, cơ quan liên quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn tiếp theo (để thay thế Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg).
b) Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg ngày 03/02/2023 được ban hành dựa trên các yếu tố chính như sau:
- Căn cứ các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại các văn bản nêu trên, tình hình khủng hoảng năng lượng hiện nay, tác động cộng hưởng của căng thẳng địa chính trị tại Châu Âu, biến động tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ và nhiều đồng tiền khác, áp lực của lạm phát, gia tăng chi phí sản xuất kinh doanh trên toàn cầu đã tác động lớn đến việc tăng giá năng lượng tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân hiện tại không còn phù hợp với bối cảnh và chưa phản ánh sự biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, đặc biệt là biến động của giá nhiên liệu, Bộ Công Thương nhận thấy cần thiết sửa đổi, bổ sung, thay thế Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg và đây là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay. Cụ thể:
- Giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện đã bắt đầu tăng từ cuối năm 2021. Cụ thể, theo chỉ số giá than nhập NewCastle Index bình quân năm 2021 đạt 138 USD/tấn (thậm chí giá than nhập tháng 01 năm 2021 chỉ là 82 USD/tấn và các tháng năm 2020 đều dưới 54 USD/tấn), trên thực tế 10 tháng đầu năm năm 2022, giá than khoảng 359 USD/tấn và giữ ở mức cao cho đến thời điểm này, mặc dù giá than nhập khẩu tăng cao nhưng vẫn có khó khăn trong việc cung ứng than nhập khẩu cho phát điện. Trong khi đó, sản lượng điện từ nhiệt điện than chiếm tỷ trọng khoảng 40% sản lượng điện của Việt Nam nên chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cao.
Giá than nhập khẩu tăng không chỉ làm tăng mạnh chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập mà còn làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than pha trộn (trộn giữa than trong nước và than nhập). Trong năm 2022 tính tới hết quý 3, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã 2 lần điều chỉnh tăng giá than trộn và 1 lần điều chỉnh giảm giá với tổng mức tăng từ khoảng 802.000 đ/tấn đến 985.000 đ/tấn tùy từng loại than, tương ứng với mức tăng chung so với đầu năm khoảng 52%. Tổng công ty Đông Bắc đã 4 lần điều chỉnh tăng giá than trộn và 1 lần điều chỉnh giảm giá với tổng mức tăng từ khoảng 804.000 đ/tấn đến 986.000 đ/tấn tuỳ từng loại than, tương ứng với mức tăng chung so với đầu năm khoảng 52%.
- Ngoài ra, các khoản chênh lệch tỷ giá (CLTG) thực hiện trong hợp đồng mua bán điện của các năm 2019, 2020 cũng như của các năm 2021-2024 ước khoảng hơn 21 nghìn tỷ đồng cần được phân bổ, tính toán vào chi phí sản xuất điện hàng năm để tính toán khung giá.
Với các bối cảnh nêu trên đã tạo nên sự biến động lớn về các thông số liên quan đến chi phí mua điện (chiếm khoảng trên 80% tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm của EVN).
Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương
Phóng viên: Sau khi khung giá điện được thông qua thì các bậc tính giá điện cụ thể sẽ ra sao, thưa ông?
Ông Trần Việt Hòa: - Như nêu ở trên, khung giá của mức giá bán lẻ điện là cơ sở để EVN xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân được EVN xây dựng căn cứ theo Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên và trong khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm.
Trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân được xây dựng nêu trên và mức điều chỉnh sẽ được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương cũng đã có văn bản chỉ đạo EVN khẩn trương xây dựng các phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.
- Trên cơ sở mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh nêu trên (trong khung giá), căn cứ cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, Bộ Công Thương sẽ ban hành quyết định quy định giá bán điện cho các khách hàng sử dụng điện trong đó có các bậc giá nhóm khách hàng sinh hoạt.
Theo https://moit.gov.vn/