Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 15/10/2024 | 06:39 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Thông tin báo chí

Điều chỉnh giá điện phù hợp thị trường và đẩy mạnh các hoạt động tiết kiệm điện nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

06/05/2023
Việc điều chỉnh giá điện năm 2023 là cần thiết. Tuy nhiên, tăng giá điện chỉ là một giải pháp nằm trong nhóm các giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, cung cấp điện ổn định cho sản xuất và đời sống. Trong bối cảnh biến động giá nhiên liệu trên thế giới có tần suất và biên độ ngày càng lớn theo chiều hướng gia tăng.
Tiết kiệm năng lượng được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. Trong những năm qua, EVN đã đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền tiết kiệm điện, và thực hiện triệt để các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện điều chỉnh phụ tải tự nguyện phi thương mại tại khu vực phía Bắc, đặc biệt trong các tháng từ tháng 5 đến tháng 8. Cụ thể, trong chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR), Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã ký kết thỏa thuận với trên 97% khách hàng sử dụng điện với sản lượng dưới 3 triệu kWh/năm; ký kết thỏa thuận với trên 94% khách hàng sử dụng điện với sản lượng trên 3 triệu kWh/năm; phối hợp xây dựng mô - đun dự báo phụ tải đối với nhóm khách hàng có sản lượng sử dụng điện khoảng 1 triệu kWh/năm. Trong năm 2022, chỉ riêng Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã tiết kiệm được 554 triệu kWh, chiếm 2,04% sản lượng điện thương phẩm.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN tiếp tục nghiên cứu, xem xét các giải pháp khác để cải thiện tình hình tài chính, giảm chi phí đầu vào, giảm áp lực tăng giá điện, bao gồm: rà soát toàn bộ các yếu tố đầu vào, cơ cấu chi phí, xác định rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan của tình trạng tài chính hiện nay, thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh điện, cải thiện tình hình tài chính, bao gồm việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đàm phán với các nhà đầu tư, nhà cung cấp, hộ bán điện theo nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro v.v…; triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chương trình vận động, tuyên truyền thực hành tiết kiệm điện; phát động phong trào tiết kiệm điện trong toàn xã hội và các đơn vị thành viên của EVN.
Hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thực hiện theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019. Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được tính toán dựa trên các yếu tố gồm chi phí phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ … trong đó chi phí phát điện chiếm tỉ trọng lớn nhất – theo tính toán khoảng hơn 83%, trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN, các khâu còn lại chiếm tỷ trọng gần 17% (theo kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN). Thông số đầu vào tính toán giá bán lẻ điện bình quân trong 04 năm vừa qua đã có nhiều biến động so với thông số đầu vào để xác định giá bán lẻ điện bình quân tại thời điểm 20/3/2019, đặc biệt nếu so giá nhiên liệu tại thời điểm năm 2022, 2023 so với các năm trước đó.
Trước tác động của các biến động trên thế giới và các yếu tố cung - cầu trên thị trường, giá các loại nhiên liệu cung ứng cho sản xuất điện như là than, xăng dầu, khí đều tăng rất cao so với trước, dẫn đến giá điện ở nhiều nước tăng khá cao. Chi phí nhiên liệu mà chúng ta phải nhập khẩu để sản xuất điện cũng tăng theo giá thế giới, do đó đã làm cho chi phí phát điện tăng theo (Cụ thể, giá than pha trộn năm 2022 tăng bình quân trong khoảng từ 34,7% đến 46,4% so với giá than pha trộn bình quân từng loại than năm 2021; giá than nhập khẩu năm 2022 cũng tăng mạnh so với năm 2021, theo chỉ số giá than nhập NEWC Index năm 2022 tăng 163% so với bình quân năm 2021. Giá than tăng cao dẫn đến chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng than cũng tăng cao. Giá dầu quốc tế HSFO (dùng để xác định giá khí thị trường) bình quân năm 2022 tăng 27,3% so với bình quân năm 2021, đặc biệt ở thời điểm tháng 04/2022 thì giá dầu HSFO bình quân tăng 72,2% so với bình quân năm 2021, làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy tuabin khí.) Giá nhiên liệu thế giới tăng và tỷ giá biến động làm chi phí mua điện của EVN tăng cao. Giá đầu vào cho sản xuất điện, tỷ giá tăng là một trong những nguyên nhân cơ bản, khách quan tác động vào chi phí sản xuất điện. 
Về cơ cấu sản lượng điện phát năm 2022, do điều kiện thuỷ văn thực tế năm 2022 tốt hơn nhiều so với kế hoạch, nên loại hình thuỷ điện chiếm tỷ trọng sản lượng thực tế lớn nhất trong tổng các loại hình nguồn điện với giá trị 38,1% (theo kế hoạch đầu năm thì thuỷ điện chỉ chiếm tỷ trọng sản lượng 31,6%), loại hình nhiệt điện than chiếm tỷ trọng sản lượng thực tế là 35,5% (thấp hơn 7,0% so với kế hoạch đầu năm), loại hình nhiệt điện khí chiếm tỷ trọng 11,2%. Tuy nhiên, do giá nhiên liệu tăng quá cao, chi phí mua điện vẫn cao hơn so với kế hoạch đầu năm, cụ thể năm 2022 thì chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than chiếm tỷ trọng 47,9%, từ thủy điện chiếm 20,9%, từ nhiệt điện khí chiếm 12,7%, từ năng lượng tái tạo chiếm 17,1% và phần còn lại từ nhập khẩu và nhiệt điện dầu chiếm 1,4% tổng chi phí mua điện toàn hệ thống. 
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Bộ ngành, để đảm bảo việc điều hành giá điện có lộ trình, xem xét việc tác động giá điện đến GDP, CPI, sản xuất và đời sống nhân dân trong nước ở mức thấp nhất EVN đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 04 tháng 5 năm 2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, đây là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được EVN xây dựng và trình Bộ Công Thương xem xét trước đó. 
Giá điện đã được Chính phủ, Bộ, ngành và EVN nỗ lực giữ ổn định trong 04 năm, ngoài ra, EVN đã thực hiện 05 đợt hỗ trợ giảm tiền điện (tổng số tiền hỗ trợ giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong 05 đợt là khoảng 15.234 tỷ đồng) nhằm giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp bởi ảnh hưởng của COVID-19 và khó khăn của nền kinh tế. Tuy vậy, khi chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng, trong khi giá bán điện bình quân hiện hành giữ nguyên từ năm 2019 cho đến nay đã làm cho giá không bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến EVN gặp khá nhiều khó khăn. Sản xuất kinh doanh bị lỗ là điều khó tránh khỏi. EVN có nhiệm vụ thực hiện chính sách công ích của Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa, hộ gia đình chính sách, hộ nghèo..., và cũng đã đầu tư để kéo điện tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo…giúp cho 100% xã, 99,71% số hộ dân và 99,55% số hộ dân nông thôn cả nước được sử dụng lưới điện quốc gia (tính đến cuối năm 2022). EVN cũng đã tiếp nhận, quản lý vận hành và bán điện cho 11/12 huyện đảo của cả nước, hàng năm bù lỗ nhiều trăm tỷ đồng cho việc bán điện dưới giá thành tại các huyện đảo.
Năm 2022, EVN đã thực hiện tiết kiệm các chi phí thường xuyên, đánh giá, cân nhắc để lùi kế hoạch sửa chữa lớn… nhờ đó đã tiết kiệm, tiết giảm chi phí khoảng gần 10.000 tỷ đồng; tăng cường quản trị dòng tiền và hoạt động tài chính, đạt gần 10.000 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính và lãi tiền gửi ngân hàng. Thời gian tới, EVN cần tiếp tục thực hiện định hướng chung của Đảng và Chính phủ đó là tiết kiệm, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu để đảm bảo khả năng cân đối tài chính năm 2023, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước. Đồng thời, EVN nói riêng và các Bộ, ngành cùng các Cơ quan thông tấn báo chí nói chung cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện cải tạo dây chuyền công nghệ, đầu tư các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hướng tới sản xuất sạch, xanh. 
Ngày 03/02/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu (chưa bao gồm thuế GTGT) là 1.826,22 đồng/kWh, mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. 
Theo quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg), hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.
Căn cứ trên khung giá được Thủ tướng Chính phủ ban hành cùng kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2022, EVN  đã có các văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023. Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.   

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Cùng chuyên mục

Phụ nữ EVN và phong trào "2 giỏi": Gần 500 giải pháp, sáng kiến làm lợi hàng nghìn tỷ đồng

13/10/2024

Giai đoạn 2019 – 2024, hưởng ứng phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, nữ CNVCLĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện, tích cực học tập, thi đua lao động sản xuất, xây dựng gia đình no ấm - bình đẳng - hạnh phúc, góp phần nâng cao năng lực và ngày càng khẳng định vai trò vị thế của mình trong xã hội và gia đình.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151