Hướng đến mục tiêu tự chủ công nghệ
Việt Nam đang phát triển nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than công nghệ lò hơi đốt than tuần hoàn (CFB). Trước nhu cầu cấp thiết của thực tiễn sản xuất sử dụng than chất lượng thấp mà lò công nghệ than phun (PC) không thể chạy được, Việt Nam đã và đang thực hiện kế hoạch xây dựng 12 nhà máy chạy than sử dụng công nghệ CFB, đã có 07 nhà máy đang hoạt động.
Tuy nhiên, nhiều thách thức lớn cũng được đặt ra như thiếu thiết kế nên các thiết bị, các phụ tùng của hệ tro xỉ có yêu cầu kỹ thuật khó. Ví dụ như thiết bị làm mát xỉ đáy lò, bộ truyền động xích, thiết bị vận chuyển xỉ làm việc ở nhiệt độ cao,... vẫn phải nhập ngoại. Nguyên nhân tâm lý của các NMNĐ trong nước ngại việc chạy thử nghiệm các sản phẩm trong nước chế tạo là một trở ngại rất lớn không dễ vượt qua.
Hình ảnh thiết bị làm mát xỉ chờ xuất xưởng (Nguồn ảnh: Nhóm nghiên cứu) Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Cơ khí, hệ thống thải tro xỉ từ lò hơi CFB không phải loại thiết bị có mức độ yêu cầu kỹ thuật cao vượt quá năng lực thiết kế, chế tạo trong nước. Đây là cơ hội mở ra khả năng tự thiết kế và chế tạo hệ thải tro xỉ từ lò CFB cho lực lượng khoa học công nghệ (KHCN) của Viện Nghiên cứu Cơ khí.
Trước vấn đề này, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Cơ khí đã thực hiện đề tài cấp Quốc gia: “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo hệ thống thải tro xỉ cho lò hơi đốt than công nghệ CFB năng suất từ 12 tấn/giờ đến 15 tấn/giờ”.
Mục tiêu chung của đề tài là nhằm nội địa hóa các thiết bị trong hệ thống thải tro, xỉ của lò hơi CFB, tự chủ cung cấp phụ tùng thiết bị trong toàn bộ quá trình vận hành của vòng đời dự án. Đồng thời, đưa ra các giải pháp kỹ thuật chủ động khắc phục một số dạng hư hỏng của hệ thống thiết bị thải xỉ hiện đang sử dụng tại Việt Nam; giảm đáng kể thời gian dừng lò hơi CFB để chờ thiết bị nhập ngoại thay thế, đảm bảo sản xuất điện được liên tục, nâng cao hiệu quả kinh tế trong vận hành nhà máy điện; cải thiện môi trường làm việc cho công nhân vận hành.
Cùng với đó, thay thế được nhập khẩu, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa tiến tới làm chủ toàn bộ hệ thống thải tro xỉ; tạo việc làm cho các cơ sở chế tạo cơ khí trong nước, làm tiền đề cho việc làm chủ công tác nghiên cứu thiết kế, chế tạo các hệ thống/ thiết bị khác trong NMNĐ.
Hình ảnh thiết bị làm mát xỉ chờ lắp đặt tại NMNĐ Na Dương (Nguồn ảnh: Nhóm nghiên cứu) Mang lại kết quả về mặt kinh tế và xã hội
Theo TS. Hoàng Trung Kiên – Chủ nhiệm đề tài, sau quá trình nghiên cứu và triển khai, đề tài đã đạt được đầy đủ các mục tiêu đề ra. Điển hình như đã làm chủ được tính toán, thiết kế một số thiết bị trong hệ thống thải tro xỉ cho lò hơi đốt than công nghệ CFB năng suất từ 12 tấn/h đến 15 tấn/h. Chế tạo đưa vào sử dụng 01 tổ hợp thiết bị làm mát tro xỉ từ lò hơi CFB có các thông số đã được điều chỉnh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ KHCN số 3897/QĐ-BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2015.
Cùng với đó, đã chế tạo và đưa vào sử dụng và vận hành ổn định liên tục các cụm chi tiết chính trong thiết bị vận chuyển tro xỉ (băng tải cào tro xỉ nóng B680x20m).
Kết quả khảo nghiệm cho thấy, các sản phẩm ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài hoạt động ổn định, các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương với thiết bị tương tự nhập ngoại đang vận hành tại nhà máy, phù hợp với yêu cầu chỉ tiêu kỹ thuật thiết kế của nhà máy, thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu trong thuyết minh đề tài.
Thiết bị làm mát xỉ vận hành phục vụ sản xuất tại NMNĐ Na Dương (Nguồn ảnh: Nhóm nghiên cứu)Chủ nhiệm đề tài cũng cho biết, kết quả nghiên cứu của đề tài đảm bảo tin cậy; sản phẩm dạng I là tổ hợp thiết bị làm mát tro xỉ từ lò hơi CFB và các cụm chi tiết chính của thiết bị vận chuyển tro xỉ (băng tải cào tro xỉ nóng B680x20m) hoàn chỉnh, có chất lượng; sản phẩm dạng II của đề tài là các tài liệu thiết kế chi tiết, quy trình công nghệ chế tạo,… đủ điều kiện để cơ sở sản xuất chủ động chế tạo được…
Những kết quả trên là cơ sở cho việc nghiên cứu ứng dụng cung cấp thiết bị làm mát xỉ, các cụm chi tiết và các thiết bị chính trong hệ thống thải tro xỉ bằng nguồn lực trong nước, đồng thời là tiền đề cho việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị hệ thống thải tro xỉ tại Việt Nam.
Ngoài ra, những giải pháp kỹ thuật của đề tài đã chủ động khắc phục một số dạng hư hỏng của hệ thống thiết bị thải xỉ hiện đang sử dụng tại Việt Nam; giảm đáng kể thời gian dừng lò hơi CFB để chờ thiết bị nhập ngoại thay thế, đảm bảo sản xuất điện được liên tục, nâng cao hiệu quả kinh tế trong vận hành nhà máy điện; cải thiện môi trường làm việc cho công nhân vận hành…
Ngày 08/5/2018, thiết bị làm mát xỉ cho lò hơi đốt than tầng sôi tuần hoàn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích, thời hạn bảo hộ 10 năm. Năm 2020, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã cung cấp 06 tổ hợp thiết bị làm mát xỉ tại NMNĐ Mông Dương 1 – Tổng Công ty Phát điện 3.
Theo khcncongthuong.vn