Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 07/12/2024 | 01:01 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Nghiên cứu đào tạo

“Từ thực tế công việc giúp tôi nảy sinh các sáng kiến”

04/06/2023
Đó là chia sẻ của anh Đinh Văn Thảo - công nhân Đội Truyền tải điện Krông Nô (Truyền tải điện Đắk Nông - Công ty Truyền tải điện 3) - người đã có rất nhiều sáng kiến được công nhận và áp dụng vào thực tế. Anh được gọi là “cây sáng kiến” của Truyền tải điện Đắk Nông.
Những sáng kiến mang lại tiền tỷ
Nghe danh anh Thảo là đoàn viên thanh niên trẻ (sinh năm 1994) đã có nhiều sáng kiến từ lâu, chính vì thế, những ngày cuối tháng 5, tôi có dịp đến với mảnh đất Đắk Nông với nhiều khó khăn để tìm gặp anh. Trong 8 năm công tác, anh đã có rất nhiều sáng kiến được công nhận. Sáng kiến mà anh tâm đắc nhất là sáng kiến “Robot quấn tưa dây chống sét”.
Anh Thảo chia sẻ, tất cả các đường dây 220kV, 500kV hiện nay do đơn vị quản lý đều có treo từ 1-2 dây chống sét, dây cáp quang kết hợp chống sét trên đường dây nhằm bảo vệ sét đánh vào dây dẫn. Trong quản lý vận hành việc sét đánh vào dây chống sét, dây cáp quang kết hợp chống sét là rất nhiều. Tại những điểm sét đánh thường bị tổn thương, đứt tưa và kèm gió dẫn đến rung lắc làm cho tưa dây tại điểm tổn thương bị bung ra khỏi dây chống sét và có nguy cơ vi phạm khoảng cách an toàn dẫn đến sự cố.
Anh Đinh Văn Thảo bên robot quấn tưa dây chống sét
Tùy thuộc vào tình trạng dây bị tưa, đơn vị sẽ đăng ký cắt điện có kế hoạch hoặc cắt điện đột xuất để xử lý. Ngoài ra để quấn tưa dây chống sét, sau khi cắt điện đường dây thì sẽ tiến hành đi ra dây chống sét bằng xe ra dây hoặc hạ dây chống sét xuống dây dẫn, xuống mặt đất để thực hiện quấn tưa. Vì vậy tốn nhiều thời gian, nhân lực, công sức để xử lý, nhất là làm việc trên dây chống sét ở độ cao lớn nguy hiểm cho người thực hiện.
Từ những thách thức trên, anh Thảo đã nghiên cứu, chế tạo robot quấn tưa dây chống sét đường dây truyền tải đang mang điện, nhằm khắc phục xử lý sự cố có thể xảy ra mà không cần phải cắt điện đường dây. Robot được lắp đặt vào dây chống sét tại đỉnh cột và di chuyển từ đầu cột đến điểm dây chống sét bị tưa thì điều khiển cho robot dừng lại, sau đó kết hợp điều khiển bộ phận quấn tưa hoạt động quấn quanh dây chống sét, cùng với việc di chuyển lùi chậm của robot để có mối quấn với chiều dài mong muốn. Sau đó, điều khiển robot tiến chậm về phía trước để khóa và ép mối dây quấn tưa, đảm bảo dây quấn tưa được buộc chặt, không bung ra khi có gió, rung lắc trong vận hành.
Một sáng kiến khác cũng được anh tâm đắc đó là sáng kiến “Giải pháp kiểm tra, giám sát độ võng trong trường hợp thi công căng dây dẫn vào ban đêm bằng UAV”. Anh Thảo cho biết: Lưới điện đơn vị quản lý trải dài trên địa bàn rộng, địa hình đồi núi, sông suối hiểm trở; có đường dây được xây dựng trước đây đa số có chiều cao cột thấp, độ cao dây dẫn so với đất của các khoảng cột theo đó cũng thấp. Đường dây nằm trong vùng thời tiết khí hậu, địa chất biến đổi bất thường cùng với sản xuất, khai thác nông, lâm nghiệp, công nghiệp làm thay đổi địa hình trong hành lang đường dây. Ngoài ra, rất nhiều vùng trước đây không có dân sinh sống nay trở thành vùng đông dân cư. Các hoạt động sản xuất, dân sinh theo đó rất phức tạp.
Anh Đinh Văn Thảo là công nhân trẻ, sáng tạo và luôn tìm tòi học hỏi để đưa ra các sáng kiến
Việc cắt điện để căng dây dẫn theo quy định phải được tiến hành vào ban ngày để đảm bảo an toàn trong thi công và kiểm tra, giám sát các thông số kỹ thuật, chất lượng thi công được đảm bảo. Tuy nhiên, hiện nay việc cắt điện vào ban ngày để thi công căng lại dây dẫn đường dây hiện nay rất khó thực hiện vì yêu cầu huy động cao của hệ thống điện, chính vì vậy phải thi công vào ban đêm trong điều kiện thiếu ánh sáng.
Để khắc phục các khó khăn trên, tất cả công việc đánh dấu các điểm ngắm được chuẩn bị trước, vào ban ngày. Sau đó vào bam đêm khi cắt điện đường dây sẽ tổ thực hiện các nhiệm vụ. Tại khoảng cột ngắm độ võng, ngay vị trí đặt thước ngắm độ võng của từng pha đã được xác định trước vào ban ngày tiến hành gắn đèn Led màu đủ sáng (đỏ hoặc vàng) để người ở cột đối diện nhìn thấy rõ. Trang bị đèn pin chiếu xa để phụ trợ quan sát dây dẫn, robot ở... giữa khoảng cột.
Giải pháp đã được áp dụng, hỗ trợ thi công hoàn thành căng lại dây dẫn khoảng néo 01-05 đường dây 220kV Buôn Tua Srah- Đắk Nông. Đảm bảo dây dẫn được căng lại đạt độ võng theo đúng phương án được Công ty phê duyệt, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công. Giải pháp có thể ứng dụng rộng rãi để ngắm độ võng dây dẫn, dây chống trong thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa đường dây truyền tải điện nếu thực hiện thi công vào ban đêm.
Robot quấn tưa dây chống sét do anh Đinh Văn Thảo sáng chế
Không ngừng học hỏi để tiếp tục có thêm sáng kiến
Chia sẻ bí quyết vì sao có nhiều sáng kiến như vậy, anh Thảo cho biết: Những sáng kiến của tôi và đơn vị đều xuất phát từ những công việc làm thực tế ngoài tuyến đường dây. Lãnh đạo đơn vị, tôi và anh em đã nảy sinh ra những sáng kiến nhằm góp phần cải thiện sức lao động cho anh em công nhân.
“Xuất phát từ việc yêu ngành, yêu nghề điện và là người công nhân trực tiếp làm việc với anh em, tôi thấu hiểu được nỗi vất vả hàng ngày ngoài tuyến đường dây. Thật sự tôi cũng là người rất yêu nghề cơ khí, nên tôi luôn tự tìm hiểu, nghiên cứu làm sao để từ lý thuyết của sáng kiến, phải chế tạo, lắp ráp làm sao để robot vận hành tốt nhất, hoàn thiện nhất,…nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong ngành Điện và giảm tải bớt nỗi vất vả cho anh em”, anh Thảo chia sẻ.
Mỗi khi sáng kiến được áp dụng vào thực tế, anh cảm thấy rất tự hào và luôn là động lực để anh có thể tìm tòi, nghiên cứu nhiều hơn nữa để mang lại những giá trị thiết thực nhất. Tuy nhiên theo anh Thảo, quá trình để tạo ra 01 sáng kiến cũng mất nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi để biết được quá trình hoạt động của mỗi loại hình nhằm rút ra những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, mang lại hiệu quả cao nhất.
Công nhân đường dây đang thực hiện quấn tưa dây chống sét trên đường dây khi chưa có sáng kiến của anh Thảo
Là một đoàn viên thanh niên, là thế hệ trẻ của ngành Điện, anh luôn ý thức rằng: Phải nhiệt huyết, chịu khó tìm tòi, học hỏi,…làm việc gì cũng đặt tâm huyết và mục tiêu vào công việc. Làm gì cũng phải chú tâm, không được nản chí trong lúc khó khăn,…mà phải tìm cách tháo gỡ và đặt mục tiêu để hoàn thành công việc nhanh nhất và tốt nhất có thể.
“Trong thời gian tới tôi sẽ cố gắng học hỏi, tìm tòi và nghiên cứu để có thể sáng tạo ra những sáng kiến mới, cải thiện được sức lao động cho tất cả anh em công nhân, góp phần đóng góp những giá trị tốt nhất có thể cho ngành Điện, để Tập đoàn và Tổng công ty sớm trở  thành doanh nghiệp số”, anh Thảo chia sẻ.
Công nhân đường dây đang thực hiện quấn tưa dây chống sét trên đường dây khi chưa có sáng kiến của anh Thảo
Đánh giá về công nhân của mình, ông Trần Hữu Hoạch - Đội trưởng Đội Truyền tải điện Krông Nô (Truyền tải điện Đắk Nông) cho biết: Anh Đinh Văn Thảo là một người công nhân trẻ năng động, cần cù và sáng tạo trong lao động sản xuất, luôn đặt công việc lên hàng đầu, rất chịu khó tìm hiểu học hỏi để nâng cao kiến thức tay nghề của bản thân. Luôn phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ của cấp trên giao. Anh Thảo đã có nhiều sáng kiến trong lao động sản xuất, các sáng kiến đều xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý vận hành lưới điện do đó khi các sáng kiến được áp dụng đều rất sát thực đã giải quyết được nhiều vấn đề như giảm sức lao động, giảm nguy cơ rủi ro mất an toàn lao động, giảm sự cố, tăng độ tin cây trong vận hành lưới điện.
“Đơn vị luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất về thời gian, nhân lực hỗ trợ cho anh Thảo cũng như CBCNV trong công tác đào tạo, học tập cũng như việc triển khai các ý tưởng sáng kiến, các giải pháp trong vận hành của anh em để sớm trở thành các sản phẩm hoàn thiện ứng dụng vào thực tế phục vụ cho công tác sản xuất góp phần xây dựng cho đơn vị luôn hoàn thành tốt mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao”, ông Trần Hữu Hoạch chia sẻ.
Anh Đinh Văn Thảo:
- Sinh ngày 20/05/1994
- Ngày vào ngành 15/10/2015
- Quê quán: Huyện Núi Thành -  Quảng Nam  
- Chức vụ: Công nhân quản lý vận hành đường dây;
- Đơn vị công tác: Đội Truyền tải điện KrôngNô - Truyền tải điện Đắk Nông
- Anh đã được nhận nhiều giấy khen của EVNNPT, PTC3, Công đoàn, Đoàn thanh niên Công ty.
Theo NPT

Cùng chuyên mục

Nhiệt điện than và quá trình chuyển đổi xanh

04/12/2024

Sản xuất và cung ứng “điện xanh” là chủ trương lớn của Chính phủ tiến tới đưa phát thải ròng về “0” - tức là đưa phát thải khí carbon về “0” (Net zero). Để thực hiện mục tiêu này, kể từ sau cam kết tại COP26 (vào năm 2021), Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, trọng tâm là chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh và chuyển đổi năng lượng sạch.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302