Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 09/11/2024 | 04:07 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Tham vấn xây dựng chiến lược truyền thông về năng lượng bền vững giai đoạn đến năm 2030

28/06/2023
Ngày 27/6/2023, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) tổ chức Hội thảo tham vấn “Xây dựng Chiến lược Truyền thông về Năng lượng bền vững giai đoạn đến năm 2030”.
USAID thông qua Chương trình V-LEEP II đang hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi ngành năng lượng Việt Nam theo hướng sạch, bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và dựa trên các nguyên tắc thị trường thông qua việc tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành năng lượng, và thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng. Là một phần trong gói hỗ trợ kỹ thuật của V-LEEP II, USAID đang hỗ trợ Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững triển khai nghiên cứu và đưa ra các kiến nghị cho dự thảo Chiến lược truyền thông về năng lượng bền vững, trên cơ sở rà soát và cập nhật các chính sách liên quan đến phát triển năng lượng, tận dụng kinh nghiệm và kết quả cũng như khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai hoạt động truyền thông trong những năm qua.
Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã chỉ ra nhiều hạn chế của ngành năng lượng, và một trong các nguyên nhân đó là nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành năng lượng và mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia còn chưa đẩy đủ, chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh các mục tiêu phát triển ngành năng lượng nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia cho phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu và cam kết đạt được phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) tại Hội nghị COP26, cũng như Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật qua các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của các ngành, lĩnh vực. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW theo đó yêu cầu “tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo các ngành, các cấp, người sử dụng lao động, người lao động; đặc biệt là nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng”. Bộ Công Thương cũng đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó đề ra các nhiệm vụ về tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. 

Hội thảo có sự tham gia của hơn 50 đại diện đến từ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, các bộ ngành và cơ quan chính phủ có liên quan, các đối tác phát triển quốc tế/nhà tài trợ, và các cơ quan báo chí & truyền thông trực thuộc Bộ. 
Từ yêu cầu đó, việc xây dựng một chiến lược truyền thông tổng thể về phát triển năng lượng bền vững là hết sức cần thiết, khẳng định tầm quan trọng của truyền thông về chính sách năng lượng, đưa ra định hướng cho các hoạt động truyền thông của ngành năng lượng thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý, thúc đẩy truyền thông về phát triển năng lượng bền vững theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, và hiệu quả hơn. Với hỗ trợ từ USAID, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đang tiến hành tham vấn các bên liên quan và tập hợp các kiến nghị cho việc xây dựng Dự thảo Chiến lược truyền thông về năng lượng bền vững giai đoạn đến năm 2030. Hội thảo hôm nay là cơ hội để các bên liên quan chia sẻ ý kiến và góp ý cho bản Dự thảo Chiến lược để hoàn thiện và trình lãnh đạo Bộ Công Thương.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 50 đại diện đến từ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, các bộ ngành và cơ quan chính phủ có liên quan, các đối tác phát triển quốc tế/ nhà tài trợ, và các cơ quan báo chí & truyền thông trực thuộc Bộ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết: Thông qua dự án V-LEEP II, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho Bộ Công Thương và Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thực hiện một số hoạt động thúc đẩy về phát triển năng lượng bền vững và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ). Trong đó có hỗ trợ xây dựng chiến lược truyền thông về năng lượng bền vững trong giai đoạn đến năm 2030. Một trong những hình thức truyền thông sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới mà Chiến lược hướng đến đó là đẩy mạnh truyền thông số, tận dụng các nền tảng truyền thông số, tăng cường tương tác từ đó nâng cao hiệu quả truyền thông về năng lượng bền vững. 

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững kỳ vọng rằng sẽ triển khai hiệu quả chiến lược truyền thông về năng lượng bền vững trong giai đoạn sắp tới.
Đại diện USAID, ông Đỗ Đức Tưởng trình bày những đánh giá nhu cầu truyền thông về năng lượng bền vững. Ông Tưởng thông tin, chiến lược và kế hoạch truyền thông về năng lượng bền vững sẽ cung cấp định hướng, khung hoạt động, và lộ trình cho các hoạt động truyền thông và tiếp cận cộng đồng về các vấn đề liên quan đến năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển năng lượng bền vững. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động truyền thông trong lĩnh vực này tồn tại một số hạn chế như: Sự điều phối và phối hợp giữa các đơn vị trong thực hiện các hoạt động truyền thông về năng lượng bền vững chưa cao; Sự phối hợp giữa các cơ quan hoạch định chính sách với cơ quan truyền thông báo chí còn chậm; Lượng tin bài truyền thông chủ động từ các đơn vị còn hạn chế. Bên cạnh đó, phương pháp, hình thức truyền thông mang tính tuyên truyền, phổ biến chính sách, một chiều; Ít chương trình sáng tạo, lan toả mạnh; Truyền thông đa phương tiện chưa được đẩy mạnh; Thiếu tài liệu hướng dẫn có tính định hướng chung cho truyền thông về năng lượng bền vững...

Ông Đỗ Đức Tưởng - đại diện USAID đánh giá cao nhu cầu truyền thông về năng lượng bền vững.
Tại hội thảo, ông Hoàng Văn Tâm - chuyên viên Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững trình bày Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn 2050 (Kế hoạch).

Ông Hoàng Văn Tâm - chuyên viên Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững
Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% và 25 - 30% vào năm 2045, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực sản xuất điện khoảng 42 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2050. Bên cạnh đó, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh; trong đó, áp dụng giải pháp khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Đặc biệt, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai giảm thiệt hại tối đa do tác động của biến đổi khí hậu đến công trình, cơ sở hạ tầng ngành công thương, nhất là cơ sở hạ tầng lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, thương mại và các công trình trọng yếu đảm bảo ổn định đời sống, kinh tế xã hội trong mọi điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu và rủi ro thiên tai.
"Để đạt được những mục tiêu tiêu trên thì cần triển khai đồng bộ 4 nhóm giải pháp gồm: Giải pháp về quản lý; Giải pháp về khoa học công nghệ; Giải pháp về tăng cường hợp tác quốc tế; Giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực", ông Hoàng Văn Tâm thông tin.

​PGS.TS. Phạm Hoàng Lương - Giảng viên cao cấp về Công nghệ và Chính sách năng lượng, Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản, Đại học Bách Khoa Hà Nội trình bày tại hội thảo
 PGS.TS. Phạm Hoàng Lương - Thành viên nhóm chuyên gia Xây dựng Chiến lựơc truyền thông trình bày nhấn mạnh các nội dung quan trọng của Chiến lược, Thứ nhất là nâng cao nhận thức chung/cơ bản về năng lượng bền vững (về công nghệ, cơ chế chính sách và công cụ tài chính nhằm thúc đẩy RE, EE); Thứ hai là nâng cao nhận thức về cơ hội phát triển và thách thức đối với cộng đồng và doanh nghiệp trong bối cảnh năng lượng bền vững (ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo tăng trưởng xanh); Thứ ba là nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ/giải pháp về năng lượng bền vững đã được nhận dạng và đề xuất theo từng giai đoạn trước mắt, trung hạn và dài hạn.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, các bộ ngành và cơ quan chính phủ có liên quan, các đối tác phát triển quốc tế/nhà tài trợ, và các cơ quan báo chí & truyền thông đã cùng thảo luận, góp ý hoàn thiện Chiến lược. 
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững gửi lời cảm ơn tới những đóng góp nhiệt tình, thiết thực của các đại biểu về các kết quả nghiên cứu, thực tế tình hình truyền thông về năng lượng bền vững trong nước. Bộ Công Thương đánh giá cao kết quả ban đầu của nhóm chuyên gia tư vấn quốc tế và chuyên gia tư vấn trong nước trong việc xây dựng dự thảo Chiến lược truyền thông trong các lĩnh vực về năng lượng bao gồm: điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo và SDNLTK&HQ. 
​"Chúng tôi kỳ vọng rằng sẽ triển khai hiệu quả chiến lược truyền thông này trong giai đoạn sắp tới bằng những chương trình hành động cụ thể về truyền thông để giúp đạt được mục tiêu chung về phát triển năng lượng bền vững, về giảm phát thải khí nhà kính, cũng như thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết 55-NQ/TW, quy hoạch phát triển điện VIII giai đoạn 2021 - 2030 và quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia sẽ được Chính Phủ ban hành trong thời gian tới", ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.
VNEEP

Cùng chuyên mục

Hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển năng lượng tái tạo

08/11/2024

Theo đại biểu Quốc hội, Luật Điện lực (sửa đổi) cần phải thiết kế theo hướng đáp ứng cả 2 mục tiêu, vừa đạt mục tiêu trước mắt là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhưng cũng vừa phải đạt mục tiêu lâu dài là thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế của Việt Nam, đạt mức thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, việc khai thác hiệu quả, phát triển dự án điện năng lượng tái tạo là yêu cầu cấp thiết.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302