Ngày 7/9/2023, Bộ Công Thương nhận được Công văn số 6852/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành (được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Báo cáo số 494/2023/TTĐL ngày 21 tháng 8 năm 2023), theo đó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu cơ chế xử lý, đề xuất, báo cáo trong tháng 9 năm 2023 về nội dung đề xuất điều chỉnh giá điện 03 tháng một lần tại Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (Dự thảo Quyết định).
Liên quan vấn đề này, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung có liên quan như sau:
1.Về đề xuất chu kỳ điều chỉnh giá điện tối thiểu là 03 tháng kể từ điều chỉnh gần nhất Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg quy định giá điện được xem xét điều chỉnh theo biến động thông số đầu vào ở thời điểm tính toán so với thông số sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành
Thực tế việc điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua cho thấy để giảm thiểu ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và sản xuất của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân, mức điều chỉnh thực tế có thể thấp hơn so với phương án đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và so với kết quả rà soát, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này dẫn đến chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi chi phí phát sinh (sẽ có nhiều khoản chi phí chưa được tính đầy đủ hoặc chưa được tính đầy đủ hoặc chưa được tính vào giá điện).
Có thể điều chỉnh giá điện nhiều lần trong năm để tránh gây tác động lớn đến kinh tế vĩ mô. Ảnh minh họa Hiện nay, chu kỳ điều chỉnh giá điện quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ TTg là tối thiểu 06 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất. Trong quá trình xem xét đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN năm 2022 và 2023, Thường trực Chính phủ có ý kiến về việc nghiên cứu điều chỉnh giá điện theo lộ trình, có thể điều chỉnh giá điện nhiều lần trong năm để tránh gây tác động lớn đến kinh tế vĩ mô, đồng thời đảm bảo phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tới giá điện.
Với việc giá điện cần điều chỉnh theo lộ trình để giảm thiểu tác động tới kinh tế vĩ mô và khách hàng sử dụng điện, cần xem xét tới việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện để vừa đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều có thể hưởng đến cân bằng tài chính của EVN, vừa có thể cân nhắc những thời điểm các chỉ số kinh tế vĩ mô thuận lợi để xem xét thực hiện việc điều chỉnh, bên cạnh đó cũng dần đưa giá điện thích ứng với sự biến động của các thông số đầu vào theo thị trường. Từ những lý do nêu trên, Bộ Công Thương cho rằng, việc đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu từ 06 tháng xuống 03 tháng là phù hợp. Chu kỳ xem xét điều chỉnh giá điện 03 tháng một lần cũng phù hợp với chu kỳ họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá (thông thường họp 01 quý một lần) để đánh giá tình hình điều hành giá quý trước và dự kiến biện pháp điều hành giá của các quý tiếp theo trong năm.
Chu kỳ xem xét điều chỉnh giá điện 03 tháng một lần cũng phù hợp với chu kỳ họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Ảnh minh họa: Thu Hường Nội dung này đã được Bộ Công Thương lấy ý kiến của một số Bộ, cơ quan liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) và EVN. Các Bộ, cơ quan, đơn vị được lấy ý kiền đều không có ý kiến phản đối với đề xuất điều chỉnh giá điện tối thiểu 03 tháng một lần tại Dự thảo Quyết định. Thực hiện quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ Dự thảo Quyết định. Căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương đã chỉnh lý hồ sơ Dự thảo Quyết định và có Tờ trình số 6051/TTr-BCT ngày 31 tháng 8 năm 2023 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua để ký ban hành Quyết định.
2. Về một số thông tin, báo chí, dư luận liên quan được nêu tại Báo cáo số 494/2023/TTĐL ngày 21 tháng 8 năm 2023 của Cổng Thông tin điện từ Chính phủ và ý kiến của Bộ Công Thương
Tại Báo cáo số 494/2023/TTĐL, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ báo cáo thông tin, báo chí và dư luận liên quan về việc EVN đồng ý phương án điều chỉnh giá điện 03 tháng một lần tại văn bản góp ý Dự thảo Quyết định tại các báo Dân Việt (ngày 21/8), Tuổi trẻ TP HCM (ngày 21/8) và Lao động (ngày 21/8); ngoài ra tại báo Lao động (ngày 21/8) có nêu ý kiến của một số chuyên gia liên quan đến đề xuất trên. Cụ thể ý kiến của các chuyên gia được nêu tại báo Lao động và ý kiến giải trình của Bộ Công Thương được trình bày dưới đây.
a) Ý kiến của chuyên gia: “Đề xuất thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện 3 tháng là theo đúng cơ chế thị trường, nhưng cần công khai, minh bạch, tránh tình trạng lạm quyền. Để làm được điều đó, phương án tốt nhất là Việt Nam nên thành lập Hội đồng năng lượng độc lập, ngoài EVN nhằm đánh giá giá nhiên liệu đầu vào đề điều chỉnh đầu ra.”
Ý kiến của Bộ Công Thương: Việc thực hiện điều chỉnh giá điện các năm đã ngày càng minh bạch hơn khi có sự tham gia của các Bộ, cơ quan có liên quan.
Trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc điều chỉnh giá điện của EVN cũng như trách nhiệm kiểm tra, rà soát phương án giá điện do EVN xây dựng đã được quy định cụ thể trong Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg và tiếp tục được quy định tại Dự thảo Quyết định thay thế, theo đó Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện việc kiểm tra, giám sát, rà soát. Dự thảo Quyết định cũng quy định rõ việc có ý kiến phối hợp bằng văn bản, quy định thời hạn gửi ý kiến, thời hạn gửi văn bản trả lời EVN, quy định cụ thể hồ sơ phương án giá điện EVN cần gửi các Bộ, ngành.. Ngoài ra, giá nhiên liệu cho sản xuất điện hiện nay đã thực hiện cơ bản hoàn toàn theo thị trường, thông tin về giá nhiên liệu thường xuyên được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng trong đó có giá xăng dầu.
Vì vậy, theo ý kiến của Bộ Công Thương, việc thành lập Hội đồng năng lượng độc lập, ngoài EVN nhằm đánh giá giá nhiên liệu đầu vào để điều chỉnh đầu ra là không cần thiết.
Ý kiến của chuyên gia: “Khi điều chỉnh giá điện, cần lấy giá nguyên liệu để làm chuẩn. Ví dụ như Singapore lấy giá gas (xuất ở cảng Singapore) làm chuẩn, ở Thái Lan do Nhà Vua chỉ định nhưng cũng lấy giá gas làm chuẩn. Còn ở Việt Nam, tính chất nguyên liệu có đặc thù khác, do vậy cần lấy giá than của Indonesia làm chuẩn. Than của Indonesia là than nhiệt (phù hợp với nhiệt điện ở Việt Nam), còn than của Australia chủ yếu là than đá, không phù hợp với nhiệt điện ở Việt Nam”.
Ý kiến của Bộ Công Thương: Các loại hình nhiệt điện ở Việt Nam bao gồm nhà máy điện chạy than, nhà máy điện chạy dầu và tuabin khí, vì vậy cần xem xét tới sự biến động của cả giá than, giá dầu và giá khí để làm cơ sở tính toán sự thay đối trong chi phí phát điện. Ví dụ cụ thể đối với giá than: Giá than của các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu được tính toán trên cơ sở các chỉ số giá than thể giới dùng để tham chiếu được quy định trong hợp đồng mua bán than và hoặc hợp đồng mua bán điện của nhà máy đó (ví dụ chỉ số NEWC, chỉ số Coalfax, chỉ số ICI3; trong đó một số các nhà máy điện sử dụng than nhập từ Indonesia và Australia thường có giá than tham chiếu theo chỉ số ICI3 và/hoặc chỉ số NEWC. Riêng nhà máy điện Formosa Hà Tĩnh và Formosa Đồng Nai sử dụng than nhập từ Australia, Nga và Indonesia có giá than tham chiếu theo chỉ số Coalfax); giá than của các nhà máy điện còn lại theo mức giá than hiện hành (than trong nước hoặc than pha trộn) được các doanh nghiệp cung cấp than (Tổng Công ty Đông Bắc, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) công bố.
Ý kiến của chuyên gia: “Việc điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần không nhất thiết phải điều chỉnh toàn bộ bảng giá mà có thế đặt ra phụ trợ nhiên liệu, khi nào giá than tăng thì giá điện cũng tăng theo và ngược lại, khi giá than giảm thì giá điện cũng phải giảm theo".
Ý kiến của Bộ Công Thương: Cơ chế điều chỉnh giá điện tại Dự thảo Quyết định bao gồm 2 cơ chế: cơ chế điều chỉnh hằng năm theo biến động thông số đầu vào của tất cả các khâu và cơ chế điều chỉnh trong năm theo biến động của chi phí khâu phát điện và việc phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện
Trong đó, chi phí khâu phát điện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN (hiện nay là khoảng trên 80%). Chi phí khâu phát điện phụ thuộc giá nhiên liệu, cơ cấu sản lượng điện (phụ thuộc vào tỷ trọng sản lượng điện các loại hình phát điện như thủy điện, nhiệt điện than - khí - dầu và năng lượng tái tạo), bên cạnh đó còn phụ thuộc tỷ giá ngoại tệ, vì vậy cần xem xét tổng thể biến động của các yếu tố này tới chi phí phát điện như thể nào. Riêng về giá nhiên liệu, cần thiết phải xem xét biến động giá các loại nhiên liệu (than, dầu và khí) để phản ánh đầy đủ tác động đến chi phí phát điện.
Cần thiết phải xem xét biển động giá các loại nhiên liệu (than, dầu và khí) để phản ánh đầy đủ tác động đến chi phí phát điện. Ảnh minh họa: TKV Ngoài ra, do việc điều chỉnh giá điện cần thực hiện theo lộ trình để tránh gây tác động lớn đến kinh tế vĩ mô, sẽ dẫn đến những khoản chi phí còn treo lại chưa được thu hồi trong lần điều chỉnh trước, vì vậy ngoài chi phí phát điện, việc phân bố các khoản chi phí còn treo này cũng cần được xem xét khi tính toán điều chỉnh giá điện ở các lần tiếp theo.
b) Ý kiến của chuyên gia: “Hiện nay thị trường phân phối điện ở Việt Nam vẫn là thị trường độc quyền. Mặc dù có 7 đầu mối kinh doanh điện, nhưng cuối cùng thẩm quyền phân phối điện vẫn nằm trong tay EVN. Với tính độc quyền như vậy, việc tính toán giá thành cho các yếu tổ đầu ra, đầu vào, lương thưởng... vẫn chưa công khai, minh bạch. Do vậy, nếu giao thẩm quyền cho EVN cứ 3 tháng 1 lần được điều chỉnh giá điện thì cần phải thận trọng trong việc xem xét".
Ý kiến của Bộ Công Thương về vấn đề này trong báo cáo nêu rõ: Việc thực hiện điều chỉnh giá điện các năm qua đã ngày càng minh bạch hơn khi có sự tham gia của các Bộ, cơ quan có liên quan. Quá trình kiểm tra, rà soát phương án giá điện do EVN lập (rà soát chi phí đầu vào của giá điện) được quy định cụ thể với trách nhiệm chủ trì của Bộ Công Thương và trách nhiệm phối hợp của Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó giá nhiên liệu được tính toán theo các chỉ số giá thế giới được quy định trong hợp đồng mua bán điện của nhà máy điện (giá than nhập khẩu) và theo giá công bố của các doanh nghiệp cung cấp than trong nước (giá than trộn trong nước), chế độ tiền lương thực hiện theo quy định về pháp luật tiền lương và theo quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg (và tiếp tục được kế thừa tại Dự thảo Quyết định thay thế) quy định cụ thể thẩm quyền quyết định điều chỉnh giá điện ứng với các mức điều chỉnh cụ thể, trong đó EVN được quyền tự quyết định điều chỉnh khi giá điện giảm hoặc tăng từ 3% đến dưới 5% so với hiện hành. Tuy nhiên, Dự thảo Quyết định cũng quy định khi việc điều chỉnh giá điện ảnh hưởng tới tình hình kinh tế vĩ mô thì cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến. Vì vậy, việc điều chỉnh giá điện luôn được cân nhắc để tác động đến kinh tế xã hội không lớn.
c) Ý kiến của lãnh đạo Hội Điện lực Việt Nam:
Ý kiến “cần thiết sửa đổi Luật Điện lực và lưu ý cần phải tránh độc quyền bán buôn, bán lẻ điện, cần có thị trường điện cạnh tranh. Thị trường điện cạnh tranh có 3 khâu quan trọng: Phát điện, bán buôn và bán lẻ. Để có thị trường bán buôn điện cạnh tranh đúng nghĩa, cần có sự xuất hiện của những doanh nghiệp, công ty mua bán điện ngoài EVN để tham gia cạnh tranh.”.
Ý kiến của Bộ Công Thương: Thị trường điện cạnh tranh (thị trường phát điện cạnh tranh và bán buôn điện cạnh tranh) hiện đang được vận hành theo các quy định pháp luật có liên quan. Bộ Công Thương đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và báo cáo các cấp có thẩm quyền về việc thực hiện thị trường điện cạnh tranh theo lộ trình trong thời gian sắp tới.
Kiến nghị của Bộ Công Thương
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về việc nghiên cứu, sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg theo hướng điều chỉnh giá điện theo lộ trình, tránh giật cục, có thể điều chỉnh giá điện nhiều lần trong năm, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng Dự thảo Quyết định và lấy ý kiến của một số Bộ, cơ quan liên quan và EVN, trong đó có việc đề xuất rút ngắn thời gian tối thiểu điều chỉnh giá điện từ 06 tháng xuống 03 tháng và các Bộ, cơ quan, EVN không có ý kiến phản đối với đề xuất này. Bộ Công Thương cũng đã có Tờ trình số 6051/TTr-BCT ngày 31 tháng 8 năm 2023 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua để ký ban hành Quyết đinh sau khi chỉnh lý hồ sơ theo ý kiến thẩm định của Bô Tư pháp theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thu Hường