Ảnh minh họa.Việc triển khai lập, trình duyệt Quy hoạch Điện VIII không bị chậm so với yêu cầu, theo báo cáo của Bộ Công thương vừa được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.
Báo cáo này được thực hiện theo yêu cẩu tại công văn của Tổng Thư ký Quốc hội, giải trình, làm rõ thêm về một số vấn đề, trong đó có việc ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và triển khai Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia.
Theo báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn, việc ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) còn chậm so với yêu cầu của Nghị quyết số 134/2020/QH14 (hoàn thành trong năm 2021).
Các cơ quan của Quốc hội cho rằng, Quy hoạch Điện VIII chậm ban hành làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Nhưng, tại báo cáo phát hành ngày 2/11 nói trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, việc triển khai lập, trình duyệt Quy hoạch Điện VIII không bị chậm so với yêu cầu.
“Trên thực tế, ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Bộ Công thương khẩn trương triển khai xây dựng và trình Chính phủ đúng thời hạn (thậm chí trước thời hạn cho phép). Đến tháng 5/2023, Quy hoạch Điện VIII mới được phê duyệt là do Dự thảo Quy hoạch phải được cập nhật, điều chỉnh theo cam kết mới của Chính phủ về giảm phát thải, bảo vệ môi trường tại Hội nghị COP 26 và điều chỉnh phù hợp với Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được phê duyệt ngày 09/01/2023)”, ông Diên giải thích.
Sau đó, Bộ trưởng đã nêu các mốc triển khai cụ thể để chứng minh khẳng định trên. Theo đó, Bộ Công thương đã hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII và trình (lần 1) Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 1682/TTr-BCT ngày 26/3/2021. Như vậy, Bộ Công thương trình trước thời hạn yêu cầu theo Quyết định số 1264 và Nghị định 37.
Về xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII, ông Diên cho hay, ngày 22/9/2023, Bộ Công thương đã có Văn bản số 6560/BCT-ĐL lấy ý kiến các địa phương về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Đến nay có 47/63 tỉnh đã có ý kiến.
Ngày 12/10/2023, Bộ Công thương đã có Tờ trình số 7146/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Hiện nay Bộ Công thương đang chờ các chỉ đạo mới của Chính phủ.
Liên quan đến điều hành giá điện, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho rằng, cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện, không phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu đầu vào, chưa được hình thành theo từng khu vực địa lý . Chính sách, pháp luật về giá điện còn bộc lộ một số bất cập.
Cụ thể là (1) yêu cầu về việc luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi; (2) hiện chưa có quy định về giá phân phối điện, “giá phân phối điện” sẽ do Nhà nước điều tiết tương tự “giá truyền tải điện”; (3) phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực; (4) hợp đồng mua bán điện giữa đơn vị phát điện và đơn vị mua điện và trách nhiệm kiểm tra trước khi các bên ký hợp đồng (tiền kiểm); (5) một số nội dung liên quan đến mua bán điện và dịch vụ cung cấp điện theo hợp đồng có thời hạn; (6) vấn đề tính đúng, tính đủ và lợi nhuận hợp lý của các đơn vị điện lực; (7) thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện và vấn đề trong điều hành giá bán lẻ điện; (8) giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia.
Báo cáo của Bộ trưởng nêu, việc điều hành giá điện được thực hiện theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Bộ Công thương đang nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 24 theo chỉ đạo của Chính phủ. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ngày 31/8/2023 Bộ đã chỉnh lý hồ sơ Dự thảo Quyết định và trình Thủ tướng Chính phủ (tại Tờ trình số 6051).
Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Công thương đang rà soát hồ sơ, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để thống nhất nội dung quy định, hiệu chỉnh và hoàn thiện Dự thảo Quyết định để trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/11/2023.
Liên quan đến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, báo cáo nêu, giá bán điện cho hộ sản xuất đang thấp hơn giá phản ánh chi phí, điều này ảnh hưởng đến mục tiêu sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm, các doanh nghiệp không có động lực đổi mới công nghệ, điều chỉnh tổ chức sản xuất, đặc biệt là khi hộ tiêu dùng này chiếm tỷ trọng lớn trong phụ tải của hệ thống điện hiện nay. Điều này nghĩa là vẫn tồn tại việc bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện ở các mức độ khác nhau.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho hay, trong năm 2022, trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó có phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ đã lựa chọn phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo hướng rút gọn từ 6 bậc xuống 5 bậc; khoảng cách về giá điện giữa các bậc phù hợp với thực tế tiêu thụ của người dân (phương án này được đa số ý kiến đồng ý).
Bộ Công thương đã xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan về dự thảo Quyết định phê duyệt phương án trên; đồng thời đăng toàn văn dự thảo Quyết định trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Trang thông tin của Bộ Công thương để lấy ý kiến rộng rãi nhân dân.
Do vẫn còn ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo Quyết định, Bộ Công thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp trong năm 2023.
Ngày 5/10/2023, Văn phòng Chính phủ có văn bản giao Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2023.
Hiện nay, Bộ Công thương đang hoàn thiện dự thảo Quyết định theo trình tự quy định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đầu tuần sau, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn theo nhóm lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công thương.