Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ hai, 20/05/2024 | 00:39 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giám sát cung cấp điện

Sớm khắc phục tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên

16/11/2023
Theo báo cáo số 549/BC-CP của Chính phủ gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư về lĩnh vực công thương, Bộ Công thương cho biết đã trình Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư công 'Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025'.
Trình Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư công cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo
Tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên tại nhiều địa phương trên cả nước đang gây nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Vấn đề này đã nhiều lần được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn đối với lĩnh vực công thương tại các kỳ họp Quốc hội. Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội sáng 24.10 vừa qua, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) tiếp tục đề cập tới tình trạng thiếu điện làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người dân. Đại biểu cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế chật vật phục hồi sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tình trạng cắt điện luân phiên trong mùa nắng nóng đã gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân. Nếu không có giải pháp căn cơ nhằm kịp thời khắc phục tình trạng này thì nguy cơ thiếu hụt nguồn điện trong mùa nắng nóng năm 2024 là rất cao.
Nhiều ĐBQH cũng cho rằng, tình trạng thiếu điện này đã được dự báo từ vài năm trước, trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi trở lại ở mức khoảng 6 - 7%, tình trạng thiếu điện sẽ còn diễn ra nhiều hơn, chứ không chỉ như hiện nay. Phân tích nguyên nhân thiếu điện, ngành điện cho rằng, do nắng nóng dẫn đến tiêu thụ điện tăng vọt, nên phải cắt điện luân phiên để giảm tải. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong những năm qua hầu như không có dự án nào lớn được đầu tư, nếu có thì cũng chậm triển khai, không bảo đảm tiến độ.
Trong báo cáo số 549/BC-CP của Chính phủ gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu, Bộ Công thương cho biết đã trình Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư công “Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025”, với mục tiêu đến năm 2025 hầu hết các hộ được sử dụng điện với nhu cầu vốn khoảng 29.779 tỷ đồng, thực hiện mục tiêu cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho khoảng 911.400 hộ dân (trong đó, khoảng 160.000 hộ dân chưa có điện, 751.400 hộ dân cần cải tạo) của 14.676 thôn bản trên địa bàn 3.099 xã của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, cấp điện cho 2.478 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ (13 tỉnh) khu vực đồng bằng sông Cửu Long; cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho các đảo còn lại, như: Cồn Cỏ (Quảng Trị), Thổ Chu, An Sơn - Nam Du (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Bộ Công thương đã hoàn thiện hồ sơ theo kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét phê duyệt Chương trình.
Về tình hình thực hiện các dự án cấp điện chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020, dự án mới thuộc giai đoạn 2021 - 2025, trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội nêu rõ, các dự án giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư đang triển khai theo quy định của pháp luật đầu tư công và không phụ thuộc vào Chương trình nêu trên; các dự án/tiểu dự án thành phần sử dụng vốn ODA không hoàn lại (SETP) sẽ được triển khai theo Hiệp định số ACA/2020/040-898, Quyết định số 1367/QĐ-TTg, các quy định liên quan khác và không phụ thuộc vào Chương trình.
Các địa phương cũng đã chủ động bố trí vốn ngân sách trung ương hoặc huy động nguồn lực tự có của địa phương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 để hoàn thành các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020, các dự án khởi công mới. Hiện nay các địa phương có thẩm quyền tự quyết định phân bổ ngân sách trung ương để triển khai các dự án điện nông thôn và không phụ thuộc vào Chương trình.

Nguồn: ITN
Đề xuất cho phép bố trí vốn ngân sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội
Nêu lên những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến thời gian trình duyệt Chương trình, báo cáo cho biết, thời gian duyệt phương áp cấp điện huyện đảo Côn Đảo bị kéo dài (ngày 16.6.2023 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại Quyết định số 708/QĐ-TTg); cơ chế tài chính đối với Chương trình SETP chưa được duyệt (ngày 18.5.2023, Bộ Tài chính có Văn bản số 5035/BTC-QLN về ý kiến đồng ý cơ chế tài chính đối với nguồn vốn Chương trình SETP).
Việc giao vốn đầu tư phát triển cho EVN đầu tư dự án thuộc Chương trình đầu tư công cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 chưa phù hợp quy định của Luật. Với vấn đề này, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo số 5946/BC-BKHĐT ngày 27.7.2023 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 gửi Đoàn giám sát của UBTVQH, trong đó kiến nghị theo quy định tại Điều 6 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp không có hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp nhà nước để thực hiện dự án đầu tư. Vì vậy, để bố trí vốn ngân sách nhà nước cho EVN thực hiện các dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xem xét sửa đổi bổ sung Điều 6 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp với nội dung cho phép bố trí vốn ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp để “đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội”.
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu cũng đề cập, vấn đề quan trọng hiện nay là chưa có giải pháp bảo đảm nguồn lực còn thiếu, chưa cân đối được khoảng 20.883,4 tỷ đồng (chiếm 70,03% nhu cầu vốn) nên Chương trình đầu tư công cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 chưa được hoàn thiện (khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư công quy định hành vi bị cấm trong đầu tư công là quyết định chủ trương đầu tư không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn).
Bộ Công thương đang hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt Chương trình và kiến nghị xem xét trình Quốc hội bổ sung nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cho dự án cấp điện cho huyện Côn Đảo; phê duyệt cơ chế tài chính và hiệu chỉnh kỹ thuật Chương trình SETP và trình Quốc hội đưa nguồn vốn Chương trình SETP vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, là trình Quốc hội xem xét có nghị quyết riêng về giao vốn đầu tư công cho EVN đối với các dự án/tiểu dự án thuộc Chương trình; và xem xét bổ sung vốn còn thiếu để hoàn thành mục tiêu Chương trình.
Theo Đại biểu nhân dân  

Cùng chuyên mục

Dự báo trong tháng 5 và tháng 6 lượng điện tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh sẽ đạt mức kỷ lục

19/05/2024

Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC), tính đến hết quý I năm 2024, toàn thành phố có hơn 2,76 triệu hộ gia đình đăng ký sử dụng điện (tăng hơn 10.000 hộ so với cuối năm 2023. Sản lượng điện thương phẩm tháng 3/2024 đạt 2,623 tỷ kWh (tăng 13,47% so với cùng kỳ năm 2023).

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151