Theo ghi nhận, tính đến cuối ngày 16/1, mực nước hiện tại của Hồ Hòa Bình là 116.48 m gần xấp xỉ mực nước dâng bình thường (117 m), cách mực nước chết 80 m. Lưu lượng nước về hồ là 260 m3/s, trong khi điều tiết phát điện là 253 m3/s. Ở hồ thủy điện Sơn La và Lai Châu mực nước lần lượt là 214.96 m và 294.99 m (mực nước dâng bình thường 215 m và 295 m).
Từ cuối năm 2023 đến nay đã xuất hiện nhiều bãi bồi lớn trồi lên dọc khắp lòng sông qua các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ cho tới vị trí giáp ranh Hà Nội. Hiện tại, mực nước từ thượng nguồn vẫn về chậm, một phần do thủy điện tích nước, một phần do từ đầu năm 2024 đến nay lượng mưa ít.
Về việc mực nước trên sông Đà giảm thấp, theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lượng nước vẫn đủ cho việc hoạt động thủy điện, không ảnh hưởng tới sản lượng và quá trình vận hành. “Những vị trí trơ đáy thuộc phần ven hạ lưu, không phải lòng hồ, lưu lượng nước ở thời điểm hiện tại tương đối ổn định”, đại diện EVN thông tin.
Nhà máy thủy điện Hòa BìnhDự kiến trong vụ chiêm năm 2024, EVN sẽ xả 2 đợt nước. Theo nhận định của cơ quan chức năng, việc các hồ chứa thủy điện (nhất là hồ Hòa Bình) xả nước sẽ khắc phục tình trạng hạ du sông Đà khô hạn như thời gian qua.
Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sắp tới các hồ sẽ xả điều tiết cấp nước phục vụ vụ đông xuân và khi đó tình trạng nước sông Đà, sông Hồng sẽ được cải thiện.
“Theo yêu cầu của hệ thống để đảm bảo điện mùa khô năm 2024 và cung cấp nước đổ ải Đông Xuân theo chỉ đạo Thủ tướng các hồ trên lưu vực sông Đà đang duy trì ở mực nước cao, các nhà máy chạy theo lưu lượng tương đương lượng nước đến hồ. Trong thời gian tới các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà sẽ chạy tăng cương phát điện xả nước xuống hạ du phục vụ đổ ải Đông Xuân năm 2023-2024 (đợt 1 từ 23-30/1 và đợt 2 từ 18-21/2) nên lượng nước trên hệ thống sông Hồng sau các nhà máy thủy điện sẽ được cải thiện. Để đảm bảo mực nước các trạm bơm vào nội đồng hai bên sông, EVN sẽ tăng cường phát điện xả nước trước từ 2-3 ngày của mỗi đợt xả nước”, Bộ NN&PTNT cho biết.
Theo đại diện Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT, số liệu mực nước thực đo từ năm 2000-2022 tại các trạm thủy văn vùng hạ du cho thấy xu thế mực nước trung bình tháng 1, tháng 2 giảm mạnh. Ở hạ du sông Đà giảm từ 1,7-3 m, sông Thao từ 1,2-2,2 m; sông Lô từ 3,5-7,3 m; sông Hồng đoạn từ Sơn Tây đến Hà Nội giảm 1,8-3,6 m; sông Đuống tại Thượng Cát giảm 2,5 m.
Để bảo đảm tận dụng tối đa nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, Cục Thủy lợi yêu cầu giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố; giám đốc các đơn vị quản lý hệ thống thủy lợi liên tỉnh phối hợp chỉ đạo hoàn thành việc khơi thông dòng chảy, giải tỏa các ách tắc, phương tiện thi công nạo vét trên hệ thống dẫn nước, đặc biệt ở các cửa lấy nước, hệ thống kênh trục chính; bảo đảm phương tiện lấy nước đủ điều kiện để sẵn sàng vận hành.
Bên cạnh đó, EVN cho biết thêm, sẽ vận hành tối đa các nhà máy thủy điện ở phía Bắc để duy trì mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội đạt trung bình khoảng 1,7-1,9 m.
Theo đó, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) thông báo: Tiếp tục vận hành điều tiết nước các hồ thủy điện và hệ thống điện hợp lý để đáp ứng nhu cầu nước cho gieo cấy và kế hoạch cung cấp điện. Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia để vận hành điều tiết các hồ chứa duy trì mực nước tại Hà Nội ở mức hợp lý, tiết kiệm nguồn nước đảm bảo hiệu quả cao nhất trong 2 đợt xả - lấy nước tập trung và đảm bảo cung cấp điện mùa khô.
Chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Bắc phối hợp với các Công ty Điện lực đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục cho các trạm bơm điện của các địa phương trong suốt thời gian từ ngày 20/1-21/2.
Theo Báo Công Thương