Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Chủ nhật, 13/10/2024 | 16:40 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Giải bài toán nguồn trạm sạc sẽ thúc đẩy tỷ lệ phát triển xe buýt điện

29/11/2023
Thành phố Hà Nội đã phân ra các giai đoạn, lộ trình phù hợp với nguồn lực để đảm bảo tính khả thi cao nhất cho việc chuyển đổi xe sử dụng Năng lượng Xanh.

Hà Nội đã đưa vào khai thác, vận hành 9 tuyến buýt điện. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Tại buổi Tọa đàm “Hà Nội làm gì để Xanh hóa xe buýt?" do Báo Giao thông tổ chức vào chiều 28/11, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội đã chỉ ra hàng loạt những thách thức đồng thời đưa ra các giải pháp đồng bộ để phát triển nâng cao tỷ lệ phát triển Phương tiện Xanh, giảm phát thải môi trường.
Có kịch bản, lộ trình theo từng giai đoạn
Theo ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch-Vận hành, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội (HPTC), Hà Nội đã vận hành 10 tuyến xe buýt CNG, 9 tuyến xe buýt điện đầu tiên trên cả nước. Đến nay, tỷ lệ sử dụng phương tiện Năng lượng Xanh của Hà Nội hiện nay khoảng 13,6%. Con số này còn khiêm tốn so với những mục tiêu, kỳ vọng đặt ra.
Ông Tiến cũng chỉ ra ba rào cản đối với phát triển Xe buýt Xanh đó là theo tính toán, chi phí đầu tư Phương tiện Xanh cao gấp 2,4 lần so với xe buýt truyền thống sử dụng diesel. Chi phí này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực của doanh nghiệp, chưa kể đi kèm các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan đến trạm sạc điện, hệ thống trạm biến áp, nguồn cấp điện, hệ thống điều khiển.
Thách thức thứ hai là việc chuyển đổi đòi hỏi triển khai đồng bộ quy hoạch điện từ trạm sạc, trạm cấp nhiên liệu, chiến lược xây dựng hạ tầng sạc điện cung cấp cho Phương tiện Xanh. Thứ ba là hiện nay cơ quan chức năng vẫn chưa có cơ chế hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư để xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng cung cấp Năng lượng Xanh cho phương tiện, phục vụ quá trình chuyển đổi Xe buýt Xanh.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng khẳng định thành phố đã phân ra các giai đoạn, lộ trình phù hợp với nguồn lực để đảm bảo tính khả thi cao nhất là phục vụ hành khách, ổn định doanh nghiệp. Khi xây dựng kế hoạch, sở giao thông vận tải cũng tính toán, làm việc với các cơ quan ban ngành, đưa ra các kịch bản với các mức khác nhau.
Các khách mời tham gia buổi Tọa đàm “Hà Nội làm gì để Xanh hóa xe buýt?" do Báo Giao thông tổ chức vào chiều 28/11. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Cụ thể, kịch bản cao là 100% chuyển sang buýt điện. Kịch bản thấp hơn có 70% buýt điện và 30% các phương tiện sử dụng các nguồn năng lượng sạch như CNG, LNG. Kịch bản thấp là 50% buýt điện và 50% sử dụng nhiên liệu CNG, LNG. Tương ứng mỗi kịch bản có những nguồn lực khác nhau.
“Các kịch bản cũng linh hoạt. Hàng năm trên cơ sở đó đưa ra các kịch bản và sở sẽ có kế hoạch để thực hiện bao nhiêu % xe buýt điện, xe buýt chạy nhiên liệu CNG để phù hợp với lộ trình. Đơn vị sẽ vẫn bám sát mục tiêu kế hoạch đề ra đến năm 2035, khoảng 90% tổng phương tiện xe buýt trên địa bàn Thủ đô sẽ chuyển sang năng lượng sạch, Năng lượng Xanh,” ông Tiến nói.
Liên tục cập nhật bộ đơn giá, định mức
Nhìn nhận đơn giá định mức đóng vai trò quan trọng trong phát triển phương tiện vận tải công cộng nói chung, Phương tiện Xanh nói riêng, phía HPTC tiết lộ trung tuần tháng 11/2023, thành phố đã ban hành đơn giá chi phí vận hành cho xe buýt điện hạng lớn.
“Cơ chế chính sách trợ giá tại Thành phố Hồ Chí Minh khác so với Hà Nội, do đó, kết quả vận hành của doanh nghiệp cũng sẽ khác nhau. Ngoài ra, trong định mức kinh tế kỹ thuật của xe buýt cỡ lớn đã đưa chi phí đầu tư khoa học công nghệ vào trong giá thành. Đây là cơ chế rất mạnh mẽ để khuyến khích đầu tư Phương tiện Xanh dành cho các doanh nghiệp,” ông Tiến chia sẻ.
Để có cơ sở triển khai xanh hóa xe buýt giai đoạn kế tiếp, trong chương trình kế hoạch năm 2023, HPTC đã đề xuất triển khai xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho xe buýt điện trung bình và hạng nhỏ.
Ông Đỗ Phan Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết trách nhiệm của cơ quan Nhà nước sẽ đồng hành tháo gỡ nhưng cũng rất cần sự đồng hành, nỗ lực từ phía doanh nghiệp.
Chung quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Hải Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội phân tích phải làm sao để bộ đơn giá định mức đưa ra những cấu phần hợp lý, các chi phí đầu tư về công nghệ, đặc thù mới của công nghệ, phù hợp với chất lượng dịch vụ yêu cầu và liên tục cập nhật theo từng thời điểm... Như thế, các doanh nghiệp sẽ vận hành đúng với yêu cầu của thành phố, đủ để đầu tư, tái đầu tư, quản lý tốt việc vận hành.
Cần có quy hoạch hạ tầng nguồn điện cấp cho trạm sạc
Đề cập đến vấn đề trạm sạc phục vụ xe buýt năng lượng sạch, xe buýt điện trên địa bàn Thủ đô, ông Hải cho rằng đây là trách nhiệm của ngành năng lượng.
Để xây dựng hạ tầng nguồn điện, trạm sạc cho Phương tiện Xanh, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của ngành điện, theo ông Hải, các depot của xe buýt điện đều cần hệ thống sạc rất lớn đủ cho đoàn xe hoạt động 2 ca/ngày; trạm biến áp sử dụng cũng phải là trạm biến áp trung áp. Do đó, thành phố cần phải đưa vào quy hoạch của ngành điện về hạ tầng điện dành cho Phương tiện Xanh để đủ đáp ứng nhu cầu cho mạng lưới Xe buýt Xanh và cả các phương tiện khác.
Đến nay, tỷ lệ sử dụng phương tiện Năng lượng Xanh của Hà Nội hiện nay khoảng 13,6%. (Ảnh: PV/Vietnam+)
“Các cơ quan liên quan cần làm việc với ngành năng lượng để xem xét khả năng cung ứng điện cho các depot ở khu vực nội thành ra sao, quy hoạch, lộ trình triển khai của ngành điện trên địa bàn Hà Nội thời gian tới thế nào. Chừng nào chưa làm rõ với ngành điện, chúng ta sẽ chưa trả lời được phát triển phương tiện điện đến mức nào, tỷ lệ phát triển đến đâu. Việc chuyển đổi phương tiện cần sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị liên quan từ điện, tài chính, công nghệ kèm theo,... Phải đổi đồng bộ mới vận hành được hiệu quả tối đa," ông Hải góp ý.
Về vấn đề này, ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch-Vận hành HPTC cho hay Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã làm việc với tổng công ty Điện lực thành phố và Tổng công ty khí Việt Nam để trao đổi, khảo sát, tính toán nguồn cấp điện làm cơ sở cho lộ trình chuyển đổi Năng lượng Xanh./.
Theo Vietnam+  

Cùng chuyên mục

Tháo gỡ điểm nghẽn cho dự án điện khí LNG Bạc Liêu

13/10/2024

Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu, mặc dù còn nhiều điểm nghẽn chưa đi vào hoạt động, nhưng các cấp lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu rất kỳ vọng về sự đóng góp rất quan trọng cho nguồn thu ngân sách và mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh những năm tới.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151