Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 30/04/2024 | 08:47 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Lưới điện thông minh

Vượt khó trên cung đoạn khó nhất Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối

17/04/2024
Gần 520km đường dây 500kV mạch 3 đang được quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, “vượt nắng, thắng mưa”, làm việc xuyên đêm “3 ca, 4 kíp”, quyết tâm đưa công trình về đích đúng hẹn.
Thi công vị trí 34- 35 Dự án 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu.
“Đi không thôi mà đi ô tô cũng khó thế rồi… Ở đây là các anh chị đang lên vị trí 34 là vị trí dễ nhất của gói thầu này / Thế còn các vị tri khác thì thế nào? / Cũng thế này nhưng nó cao hơn. Mà mình đi xe này chứ bọn em phải chở vật liệu bằng xe chuyên dụng khác. Đây là mình đi trời khô chứ còn trời mưa thì đi mấy tiếng đồng hồ mới lên đến nơi... Tốc độ xe vận chuyển đi đường thẳng cũng chỉ vài km một giờ (khoảng 5km/h) thôi, lên đây thì còn khó khăn hơn, đi còn chậm hơn đi bộ mà…
Kỹ sư Ứng Vũ Thanh - Giám đốc Ban điều hành thi công Công trình Điện hạ tầng của Công ty CP Sông Đà 5 đang trực tiếp chỉ huy thi công các gói thầu số 13 - 14 thuộc Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đưa chúng tôi thực tế cung đường đường núi (thuộc địa bàn xã Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) lên vị trí số 34 - 35 - 36 của gói thầu số 13 vào buổi chiều cuối tuần giữa tháng tư nắng quái. Cả gói thầu chỉ có 5 vị trí, tất cả đều được đặt phía trên các sườn núi cao của dãy Hoành Sơn, với độ cao tầm 700 mét so mặt nước biển. Thời tiết khí hậu ở đây mưa nắng bất thường, khi nắng thì gắt gao; khi mưa lại mưa nhiều, mưa lâu nên rất khó khăn cho việc đi lại, thi công xây dựng. 
Thi công vị trí 34- 35 Dự án 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu.
Nhẩm tính trong 55 ngày thi công vị trí số 35 thì có tới 22 ngày mưa dài, ảnh hưởng lớn đến tiến độ cũng như tốc độ thi công, Chỉ huy trưởng gói thầu số 13 Ứng Vũ Thanh cho biết, tất cả đã được lường trước khi Sông Đà 5 quyết định tham gia đấu thầu dự án đặc biệt quan trọng này. Vì vậy, ngay sau khi trúng thầu, đơn vị đã tập trung nhân lực và chủ động đưa toàn bộ máy móc, thiết bị lên công trường sớm. Đội ngũ công nhân trực tiếp làm lán trại và ăn ngủ ngay tại công trường. Để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và chủ đầu tư, có thời điểm đơn vị đã phải huy động tới 200 nhân lực để thi công vận chuyển vật tư, vật liệu. Những chiếc xe “túc tắc” chuyên dụng được quấn thêm xích vào bánh xe để tăng độ bám dính trên các cung đường núi dốc cheo leo, đất đá trộn mưa trơn trượt. Thường trực trên mỗi vị trí làm xuyên đêm luôn có 5 - 6 máy xúc, máy ủi để đào, xúc, san, gạt. 
Kỹ sư Ứng Vũ Thanh - Giám đốc Ban điều hành thi công Công trình Điện hạ tầng của Công ty CP Sông Đà 5, Chỉ huy thi công gói thầu số 13 cho biết, khối lượng san gạt của 5 vị trí này lên tới hơn 110.000 m3 đất đá nên chỉ có tập trung máy móc và tổ chức tăng ca, làm đêm thì mới đảm bảo được tiến độ yêu cầu.
"Sông Đà 5 cũng xác định ở khu vực này sẽ biến động thời tiết rất lớn nên đã có sự chuẩn bị kỹ. Thứ nhất, chúng tôi đã chuẩn bị một dàn xe vận chuyển vật tư vật liệu chuyên dụng, thì toàn bộ tuyến đường lên tất cả các vị trí đây chuyển vật tư vật liệu khoảng gần 4.000m3 vật tư vật liệu và khoảng hơn 1.000 tấn cột, chúng tôi chuẩn bị các phương tiện đặc thù để có thể đi được trong điều kiện trời mưa và vẫn đảm bảo được tiến độ công trình. Đến nay, về tiến độ thi công của 5 vị trí của gói thầu số 13 chúng tôi khẳng định là đảm bảo tiến độ của chủ đầu tư và sẽ hoàn thành xong phần móng trước ngày 20/4 và tiến hành công tác chuẩn bị để khi có cột chúng tôi sẽ tiếp tục vận chuyển lên và thực hiện công tác lắp dựng cột trên các vị trí này".
Thi công vị trí 34- 35 Dự án 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu.
Khó trong đào móng ắt sẽ khó trong dựng cột, kéo dây. Trên công trường gói thầu có thể nói là khó nhất của tuyến đường dây 500kV mạch 3 dài gần 520 cây số từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), 5 vị trí móng cột trên dãy Hoành Sơn của gói thầu số 13 bình quân mỗi vị trí cột khoảng 200 tấn thiết bị. Riêng vị trí số 34 trên dãy Hoành Sơn lại áp dụng công nghệ cột ống - loại cột mới, lần đầu tiên được triển khai trên tuyến đường dây 500 kV mạch 3 này. Theo thiết kế, cột ống tại đây cao 95 mét, nặng 169 tấn. Do địa hình hiểm trở, thiếu mặt bằng để đưa cẩu lên hỗ trợ thi công nên sẽ phải thực hiện hoàn toàn thủ công. 
Cuộc trao đổi giữa ông Nguyễn Thái Sơn - PCT Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (nguyên CVP Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực) và nhà thầu khi thực tế tại đây cho thấy nhiều điều.
"Khi mà dựng cột ống này phải có mặt bằng hết sức chuẩn, thứ hai nữa là dụng cụ để cho xử lý cũng phải rất chuẩn. Nếu như đơn vị thi công mà không lường trước được và không có độ chính xác cao là dễ xảy ra xoắn, xoắn như vậy là hỏng hết cả cái cột. Trong khi đó nếu là cột thép hình thì mình có thể căn chỉnh những con bu lông, giữa các đoạn nối với nhau được, nhưng cái này không làm được nên thi công hết sức khó khăn. (Tức là nếu là phương án khác như cột thép hình của tuyến DZ 500kV mạch 2 bên cạnh - thì mặt bằng san gạt phải lớn hơn và toàn bộ tiến độ về kinh tế kỹ thuật, thời gian san gạt nó lớn và gặp đá nhiều thì sẽ rất khó khăn). Mà vị trí tuyến này nó lại song song với đường dây hiện hữu nên việc nổ mìn là rất khó. Chỗ này làm là móng trụ, làm theo móng chân lệch. Nếu đã bằng thì đã khó khăn rồi, đây còn lệch nữa thì lại càng khó khăn".
Khó khăn là thế, nhưng không gì ngăn được quyết tâm của các kỹ sư, công nhân lao động trên công trường. Tư vấn giám sát nhà thầu Sông Đà 5 và gói thầu số 13 với các vị trí trên dãy Hoành Sơn này là VinaPower, kỹ sư Vũ Đình Sơn cho biết.
"VinaPower giám sát từ đào đúc móng, còn phần dựng cột là bên Truyền tải. Đơn vị giám sát tất cả từ bắt đầu san gạt, sau khi san gạt xong rồi đi kiểm tra cột, đào móng xong cũng kiểm tra cốt ở đó và nghiệm thu để họ chuyển bước thi công… Phải nói là họ cũng rất nỗ lực. Và nói thêm nữa là bản lĩnh. Những địa hình có thể mình đứng lên mình đã thấy sợ rồi, nhưng mà máy móc đưa lên trên đấy là cả một vấn đề. Máy đang làm như thế này mà tụt tà luy xuống vì máy nặng, đất đào ra là đất mượn.. rất nguy hiểm. Tất cả anh em cũng bản lĩnh và nỗ lực".
Ks Vũ Đình Sơn tư vấn giám sát tại vị trí. 
Đại diện Ban tiền phương, kỹ sư Bùi Xuân Thái – Phó TP kỹ thuật Ban QLDA các công trình điện miền Trung cho biết thêm "Với tính chất đặc biệt quan trọng của dự án thì nhà thầu rất nỗ lực để triển khai. Mặc dù thời tiết tại khu vực này cực kỳ khó khăn, nắng thì cũng rất nắng. Mưa là đường đi lại gần như bị dừng lại luôn, nên nhà thầu cũng phải đưa ra rất nhiều biện pháp, như sử dụng máy cày trong thời gian thời tiết tốt sẽ phải vận chuyển dầu, vận chuyển vật liệu lên trước để nếu gặp mưa thì ở trên kia anh em công nhân họ vẫn làm việc bình thường, cùng với nỗ lực đó thì hiện nay các vị trí ở trên núi mặc dù rất khó, nhưng cơ bản cũng sẽ bám sát được tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng và EVN đã giao".
Sông Đà 5 khẳng định sẽ vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xong toàn bộ phần móng các vị trí của gói thầu số 13 trước ngày 20/4 để chuẩn bị chuyển sang công tác đúc móng, dựng cột. Lo lắng lớn nhất, cũng là mong đợi lớn nhất của nhà thầu lúc này là được cung cấp thiết bị vật tư theo đúng tiến độ (nhất là phần cột ống phải nhập khẩu hoàn toàn) để kịp thời vận chuyển ngay khi thời tiết thuận lợi.
Theo các chuyên gia, vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại của các gói thầu trên dãy Hoành Sơn này, về đích đúng tiến độ cung đoạn này trước 30/6 thì có thể tin tưởng về tiến độ hoàn thành của toàn bộ dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).
Theo Trang tin điện tử Ngành điện  

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151