Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 15/11/2024 | 09:31 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giám sát cung cấp điện

Hà Nội triển khai giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa cao điểm

07/05/2024
UBND thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong địa bàn tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa cao điểm năm 2024.

Công ty Điện lực huyện Mỹ Đức kiểm tra nguồn nhiệt để hạn chế quá tải, giảm nguy cơ chập cháy điện. Ảnh: Mạnh Khánh-TTXVN
Ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, hàng năm đến mùa nắng nóng, vấn đề quản lý, sử dụng điện trên địa bàn luôn được nhiều người quan tâm. Tình trạng thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt luôn bức thiết, cần có giải pháp tốt.
Vì vậy, để đảm bảo cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và thời gian tiếp theo, UBND Thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện như: Quyết định số 266/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch cung ứng điện trên địa bàn thành phố Hà Nội (dự phòng khi hệ thống điện quốc gia thiếu điện); Văn bản số 677/UBND-KTN về việc đảm bảo cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo; Quyết định số 1616/QĐ-UBND phê duyệt danh sách khách hàng sử dụng điện quan trọng; Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày tăng cường tiết kiệm điện năm 2024 và các năm tiếp theo.
Thành phố yêu cầu các địa phương, đơn vị phải xác định việc đảm bảo cung cấp điện là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, chất lượng; thường xuyên kiểm điểm tiến độ, đánh giá kết quả triển khai công việc được giao; chủ động tham mưu giải pháp tháo gỡ kịp thời các nội dung, vướng mắc liên quan để đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn, tin cậy.
Các đơn vị tăng cường quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát về quản lý, vận hành hệ thống điện, ngừng giảm cung cấp điện theo đúng quy định, bảo đảm nguyên tắc minh bạch, công bằng, vì lợi ích chung, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống dân sinh. Tiến độ xây dựng các dự án điện của Thủ đô cần được thúc đẩy. Đơn vị chức năng cần chủ động hướng dẫn, hỗ trợ ngành điện giải quyết nhanh, dứt điểm các thủ tục đầu tư; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, giao đất, thỏa thuận quy hoạch kiến trúc, thi công công trình lưới điện trọng điểm, cấp bách 500kV, 220kV, 110kV theo chỉ đạo của của UBND Thành phố tại văn bản số 677/UBND-KTN ngày 14/3/2024. Cùng đó, nghiên cứu tham mưu Thành phố lựa chọn nhà đầu tư để triển khai nhanh các dự án nguồn điện, lưới điện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII ban hành kèm theo Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Các ngành liên quan nghiên cứu giải pháp kêu gọi, thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền; cương quyết cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án nguồn và lưới điện trên địa bàn theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và phương án phát triển lưới điện trong các quy hoạch được phê duyệt; đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, quy hoạch, điện lực, đất đai, lâm nghiệp, khoáng sản, bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan đến năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, UBND thành phố yêu cầu toàn hệ thống chính quyền nghiêm túc, chủ động thực hiện giải pháp đẩy mạnh tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong ngành, lĩnh vực, địa phương. UBND thành phố giao Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình cấp điện trọng điểm trên địa bàn Thành phố theo Kế hoạch số 315/KH-UBND ngày 24/12/2023 của UBND Thành phố về phát triển điện lực thành phố Hà Nội năm 2024 và Quyết định số 270/QĐ-TTg ngày 02/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng (trong đó Thành phố Hà Nội có 4 công trình điện gồm: TBA 220kV Văn Điển và đấu nối; xây dựng mới trạm 220/110kV Thanh Xuân; xây dựng tuyến đường dây 220kV từ TBA500/220kV Tây Hà Nội đi TBA 220kV Thanh Xuân (Nhánh rẽ Thanh Xuân) và xây dựng mới trạm 220/110kV Đại Mỗ và nhánh rẽ 220kV). Trong thời gian cao điểm hè từ tháng 5 đến tháng 7 phân bổ công suất từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho Thành phố Hà Nội và khả năng cung ứng điện của Thành phố, kết quả lượng điện cắt giảm (nếu có) và danh sách khách hàng lớn bị ảnh hưởng. Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội lập danh mục cụ thể các phụ tải bị tiết giảm theo kịch bản cấp điện đã báo cáo tại văn bản số 3190/BC EVNHANOI ngày 16/4/2024, nhất là phụ tải điện không thuộc danh mục phụ tải điện quan trọng nhưng là đơn vị trong chuỗi cung ứng sản phẩm thiết yếu cho Thành phố, các phụ tải có hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao, yêu cầu chặt chẽ sự ổn định cấp điện. Danh mục các khách hàng trên, yêu cầu gửi về Sở Công Thương trước ngày 25/5/2024 để thực hiện việc giám sát, tham mưu điều hành chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa, đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội. UBND thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch cung ứng điện của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội; chủ trì cùng Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu Thành phố về giải pháp đảm bảo cung ứng điện, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân; tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, kịp thời báo cáo UBND Thành phố nội dung vượt thẩm quyền (nếu có).
Theo TTXVN  

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302