Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Chủ nhật, 19/05/2024 | 16:58 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Lưới điện thông minh

Tăng cường bảo vệ hành lang lưới điện cao áp mùa nắng nóng 2024

07/05/2024
Với địa bàn quản lý rộng, đi qua nhiều khu vực rừng phòng hộ, vùng đông dân đã gây khó khăn trong quản lý vận hành một số tuyến đường dây điện cao thế.
Nguy cơ cháy tiềm ẩn
Do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, mùa khô năm 2024 được dự báo nắng nóng, gay gắt kéo dài và đang diễn ra ở nhiều địa phương, khiến cho nhiều vụ cháy rừng đã xảy ra tại nhiều tỉnh thành, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và đời sống của nhân dân; đặc biệt, gây ảnh hưởng đến hành lang lưới điện cao áp... đe dọa đến việc cung cấp điện của hệ thống điện Quốc gia.
Ở khu vực dân sinh, đang chuẩn bị vào giai đoạn nghỉ hè, phong trào chơi, thả diều tại các địa phương có chiều hướng gia tăng có thể vướng vào đường dây điện. Bên cạnh đó, công tác thi công xây dựng nhà cửa, đường giao thông bộ, thủy gần đường dây cao áp cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho hệ thống truyền tải điện.
Trong năm 2023, toàn quốc đã xảy ra 310 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng hơn 675 ha, trong đó diện tích rừng có khả năng tự phục hồi khoảng 487 ha; diện tích rừng khó có khả năng tự phục hồi khoảng 187 ha. Trong 4 tháng đầu năm 2024, xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng ước tính khoảng 498 ha.
Bên cạnh đó, theo thống kê từ báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 97 vụ tai nạn điện và 214 vụ vi phạm mới về hành lang an toàn lưới điện cao áp, làm chết 69 người và bị thương 54 người. Các vụ tai nạn điện thường xảy ra do vi phạm hành lang an toàn lưới điện vì một số nguyên nhân như: Thi công xây dựng, sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị, công trình, nhà ở; câu cá; phương tiện giao thông hoặc bốc dỡ hàng hóa; trèo cột điện, vào trạm điện, bắn pháo sợi kim tuyến hoặc thả diều, đèn trời; chặt, tỉa, mang vác cây và các nguyên nhân khác.
Tăng cường công tác khai quang phòng chống cháy hành lang lưới điện cao áp
Tăng cường các giải pháp
Nhằm đảm bảo vận hành lưới truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định trong các tháng cao điểm mùa khô và trong cả năm 2024, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm tra toàn bộ các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy trong và gần hành lang tuyến đường dây 220kV, 500kV, khu vực gần các trạm biến áp. Lập phương án xử lý, loại bỏ nguy cơ, không để xảy ra sự cố do cháy trong và gần hành lang an toàn đường dây truyền tải; rà soát, bổ sung các phương án phối hợp phòng cháy, chữa cháy rừng, nương rẫy tại các khu vực gần đường dây truyền tải điện.
Đặc biệt lưu ý đến vấn đề an toàn điện khi chữa cháy gần đường dây 220kV, 500kV (giám sát, đảm bảo khoảng cách an toàn từ phương tiện chữa cháy đến đường dây mang điện, đảm bảo không phóng điện từ đường dây xuống khu vực chữa cháy). Kiểm tra, lắp đặt đầy đủ các biển báo hiệu, báo cấm theo quy định; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ công nhân viên trong công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải.
Để giảm thiểu tai nạn điện và vi phạm hành lang an toàn lưới điện, các đơn vị điện lực cần tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm và tuyên truyền để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn do vi phạm hành lang an toàn lưới điện có thể xảy ra. Bên cạnh đó, vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống cháy rừng; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở các địa phương bằng các hình thức báo chí, đài phát thanh, truyền hình phù hợp để người dân, các tổ chức đồng thuận, tự giác phối hợp, thực hiện công tác phòng, chống cháy trong và gần hành lang an toàn đường dây truyền tải điện.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, các công ty lâm nghiệp, lâm trường và các chủ rừng tại các địa phương để tuyên truyền, chấp hành và thực hiện tốt các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới truyền tải điện không để xảy ra sự cố lưới điện do cháy rừng. Các đơn vị chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, thiết bị để sẵn sàng phối hợp hỗ trợ với nhau khi có sự cố xảy ra.
Tập trung mọi nỗ lực để góp phần đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, ổn định hệ thống truyền tải điện đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội, sinh hoạt của nhân dân trong các tháng mùa khô và cả năm 2024.
Thực hiện các chỉ đạo trên, nhiều đơn vị ngành điện đã tăng cường thực hiện phát quang hành lang an toàn lưới điện cao áp. Đơn cử, mới đây, được sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành địa phương, Truyền tải điện miền Tây 2 đã huy động lực lượng của 4 đội truyền tải điện trực thuộc: Trà Vinh, Vĩnh Long, Cai Lậy và Mỹ Tho tiến hành chặt, tỉa hoàn tất 65 cây dầu tại khoảng cột 72 – 73 đường dây 220kV Duyên Hải - Mỏ Cày và khoảng cột 51 – 52 đường dây 500kV Duyên Hải – Mỹ Tho và bồi thường thỏa đáng cho người dân theo đúng quy định.
Việc thả diều, vật bay, đốt nương rẫy gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện là hành vi bị cấm, được quy định tại Điều 4 Nghị định 14/2014/NĐ- CP, ngày 26/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực. Nếu thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện thì sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng (theo điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (được sửa đổi bởi khoản 18 Điều 2 Nghị định 17/2022 ngày 31/1/2022 quy định về xử phạt vi phạm quy định về an toàn điện). Các trường hợp gây ra sự cố nghiêm trọng như hỏa hoạn, tai nạn do điện giật, sự cố mất điện trên diện rộng… sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Theo Báo Công Thương 

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151