Bổ sung khái niệm về quản lý nhu cầu điện (DSM)
Ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, thực tế việc thực hiện quản lý nhu cầu điện vừa có lợi cho cả khách hàng và ngành điện, tuy nhiên, trong dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lại không nhắc đến nội dung này. Vì thế, theo ông, nên có khái niệm về quản lý nhu cầu điện (DSM) để hiểu cụ thể và thực hiện hiệu quả hơn hoạt động này.
"Chúng tôi cũng nghiên cứu, có lẽ quản lý nhu cầu điện sẽ bao trùm cả tiết kiệm điện, và toàn thế giới hiện nay cũng như vậy, kể cả các nguồn điện phân tán từ phía phụ tải tới khách hàng cũng cần phải quản lý", ông Nguyên nói và kiến nghị, nên bổ sung khái niệm về quản lý nhu cầu điện (DMS) bao trùm cả tiết kiệm điện vào Luật.
Lý do đưa ra kiến nghị này, theo ông Nguyên, trong một số văn bản đã định nghĩa, DSM là một chiến lược mà các công ty điện lực sử dụng để kiểm soát phía nhu cầu điện, nhằm khuyến khích khách hàng thay đổi, điều chỉnh thói quen tiêu thụ năng lượng trong thời cao điểm hoặc giảm mức năng lượng tiêu thụ tổng thể. Vậy, giảm mức năng lượng tiêu thụ tổng thể ở đây chính là các chương trình tiết kiệm điện.
Hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện đang thực hiện một cách tự nguyện phi thương mại. Ngoài ra, ông Nguyên cho hay, các chương trình DMS bình thường cung cấp cho khách hàng một cơ chế khuyến khích hoặc ưu đãi bằng tiền để giúp họ giảm nhu cầu. Đây là mấu chốt vấn đề.
Ví dụ như chương trình điều chỉnh phụ tải điện DR, hiện đang thực hiện một cách tự nguyện phi thương mại và khách hàng được hưởng một số ưu đãi nhất định từ ngành điện, bởi việc xây dựng cơ chế cho hoạt động này đang bị vướng rất nhiều.
Cụ thể, trong các quyết định của Bộ Công thương đều đã có lộ trình để xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động này thông qua biểu giá điện, cơ chế khuyến khích trực tiếp, tuy nhiên khi làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thì họ cho rằng rất khó để ban hành các quyết định này do chưa có cơ sở.
Vì vậy, dự thảo luật lần này cần làm rõ được khái niệm cũng như các cơ chế tài chính cho chương trình DSM.
Cần xem chi phí để thực hiện chương trình DSM là hợp lý, hợp lệ
Trong dự thảo có nhắc đến việc làm thí điểm chương trình DSM, ông Nguyên kiến nghị bỏ từ thí điểm, bởi từ năm 2017-2018, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương thì tập đoàn cũng đã tiên phong làm rất nhiều các chương trình thí điểm và đã thành công, có kết quả đo được, và đã có báo gửi Bộ Công thương.
Ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban kinh doanh - EVN. Với kết quả thực hiện thời gian qua, ông Nguyên một lần nữa nhắc lại: "Cái khó của chúng ta là thuyết phục khách hàng để làm theo các chương trình mà theo cơ chế của luật cũng như các nghị định chưa quy định cơ chế cụ thể để khuyến khích khách hàng.
Đây có lẽ là rào cản lớn nhất từ khi chúng tôi đi làm việc với khách hàng. Họ làm vì nể nang quan hệ với ngành điện, chứ không mang tính chất bền vững, lâu dài để khách hàng tình nguyện.
Tới đây, tôi mong muốn chúng ta xây dựng được chính sách hai bên cùng có lợi. Giải quyết được bài toán thực tế, khi hệ thống khó khăn vào cao điểm, chúng ta khuyến khích khách hàng dịch chuyển hoặc tiết giảm và điều chỉnh phụ tải. Họ bị ảnh hưởng đến sản xuất rất nhiều, họ không được gì từ phía ngành điện cũng như từ phía Chính phủ, thì đây có lẽ là nút thắt rất lớn ở trong các chương trình DSM".
Để rõ ràng trong cơ chế tài chính, đại diện EVN cho rằng, các chương trình DSM khi xây dựng phải được xem như là một phần trong việc đề xuất để điều chỉnh giá điện.
Ngoài ra, còn cần có các biện pháp về hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc các giải pháp thông qua thuế và các chính sách khác để khuyến khích khách hàng.
Đồng quan điểm, đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) bày tỏ, vì vướng cơ chế nên dù dư địa của DSM rất lớn nhưng ngành điện không làm được nhiều, vì còn phụ thuộc vào quyết định của khách hàng.
Vị đại diện cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là các chi phí để thực hiện chương trình DSM chưa được ghi là chi phí hợp lý, hợp lệ. Do đó, phía ADB kiến nghị, trong luật điện lực này cân nhắc xem các chi phí trên là khoản chi hợp lý, hợp lệ.
Điều này đúng với các quy định và kinh nghiệm từ quốc tế. Lúc đó, EVN sẽ có sở làm tốt nhiệm vụ này. Các bộ khi thực hiện cũng không còn lúng túng, rụt rè.
Theo Báo Giao thông