Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 17/05/2024 | 16:26 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Thông tin báo chí

Thông cáo báo chí về việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh

02/07/2012
Biểu giá bán lẻ điện cho các khách hàng vẫn tiếp tục do Nhà nước quản lý nhằm đảm bảo các mục tiêu kinh tế cũng như an sinh xã hội.
Hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh là chiến lược phát triển dài hạn của ngành điện Việt Nam đã được quy định trong Luật Điện lực năm 2004 và được cụ thể hóa trong Quyết định 26/2006/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam. Theo đó, thị trường điện Việt Nam sẽ hình thành và phát triển theo ba (03) cấp độ: i) Thị trường phát điện cạnh tranh (2005-2014); ii) Thị trường bán buôn cạnh tranh (2015-2022); và iii) Thị trường bán lẻ cạnh tranh (sau 2022).
Thực hiện Thị trường phát điện cạnh tranh là bước đầu tiên trong Lộ trình phát triển thị trường điện tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu đưa cạnh tranh vào khâu phát điện, tạo động lực cho các nhà máy điện nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong hoạt động vận hành và định giá của khâu phát điện, đồng thời tạo tín hiệu thu hút đầu tư phát triển các nguồn điện mới từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Việc chuyển đổi từ cơ chế hiện tại sang thị trường phát điện cạnh tranh cũng phải đáp ứng một loạt các điều kiện tiên quyết, trong đó ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo cung cấp điện liên tục, chất lượng với mức giá hợp lý cho khách hàng sử dụng điện.
Các cơ chế vận hành của thị trường phát điện cạnh tranh đã được Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và xét đến các điều kiện đặc thù của hệ thống điện và ngành điện Việt Nam. Theo đó, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ vận hành theo mô hình thị trường điện tập trung, chào giá theo chi phí (CBP) để đảm bảo các mục tiêu ổn định cung cấp điện, ổn định giá điện, tăng tính công khai minh bạch trong vận hành các khâu trong ngành điện, tạo cơ chế để thu hút đầu tư vào nguồn điện... Trong thị trường phát điện cạnh tranh, các đơn vị phát điện sẽ được quyền chủ động chào bán điện trên thị trường, việc điều độ các nhà máy điện sẽ hoàn toàn căn cứ theo bản chào giá của nhà máy theo nguyên tắc huy động các mức công suất của các nhà máy có giá chào từ thấp đến cao đến khi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện của cả hệ thống. Thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện sẽ được thực hiện theo hai (02) cơ chế: 95% sản lượng điện năng được thanh toán theo hợp đồng mua bán điện giữa các nhà máy điện với Công ty Mua bán điện, 5% sản lượng còn lại sẽ thanh toán theo giá thị trường từng giờ. Tỷ lệ sản lượng điện năng thanh toán theo hợp đồng sẽ được xem xét, điều chỉnh hàng năm trên cơ sở đánh giá hiệu quả vận hành của thị trường và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường phát điện.
Trong thị trường phát điện cạnh tranh, giá thị trường được xác định theo các bản chào giá của các đơn vị phát điện, đưa ra tín hiệu phản ánh đúng cân bằng “cung - cầu” của hệ thống điện trong từng thời điểm trong ngày, trong mùa. Mức giá thị trường điện giao ngay sẽ giúp giá của khâu phát điện được xác định minh bạch, khách quan. Biểu giá bán lẻ điện cho các khách hàng vẫn tiếp tục do Nhà nước quản lý nhằm đảm bảo các mục tiêu kinh tế cũng như an sinh xã hội.
Ngày 01 tháng 7 năm 2011, thị trường phát điện cạnh tranh đã được đưa vào vận hành thí điểm. Mục đích vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm là nhằm thử nghiệm tính đồng bộ của hệ thống các văn bản pháp lý, tính đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện cho các các đơn vị điện lực làm quen với các cơ chế vận hành của thị trường, cũng như đánh giá tác động của thị trường phát điện cạnh tranh. Đây là bước đi cần thiết, nhằm giảm thiểu xuống mức thấp nhất các rủi ro có thể phát sinh khi chuyển đổi từ cơ chế hiện tại sang vận hành theo thị trường.
Căn cứ trên kết quả vận hành thị trường thí điểm, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, đánh giá các vấn đề chưa phù hợp với điều kiện vận hành thực tế trong quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, cũng như trong các VBQPPL có liên quan khác. Ngày 30 tháng 12 năm 2011, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 45/2011/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2010/TT-BCT ngày 10 tháng 5 năm 2010 của Bộ Công Thương Quy định Vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Hệ thống các quy trình vận hành thị trường điện cũng đã được Cục ĐTĐL sửa đổi, hoàn thiện và ban hành lại để đảm bảo phù hợp với điều kiện vận hành thực tế. Ngoài ra, quá trình vận hành thí điểm cũng đã giúp đánh giá, kiểm tra khả năng của hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT, đặc biệt là mạng đường truyền kết nối; các phần mềm hỗ trợ chào giá, tính toán vận hành thị trường điện. Trên cơ sở đó, Tập đoàn điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan đã phối hợp triển khai hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ cho thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh.
Sau một năm thực hiện thí điểm, toàn bộ các công tác chuẩn bị cần thiết cho Thị trường phát điện cạnh tranh đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Theo Công văn số 5742/BCT-ĐTĐL ngày 29 tháng 6 năm 2012, Bộ Công Thương đã quyết định đưa Thị trường phát điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ ngày 01 tháng 7 năm 2012. Trong giai đoạn đầu vận hành thị trường phát điện cạnh tranh dự kiến có 29 nhà máy điện thuộc 22 công ty phát điện (với tổng công suất đặt 9.035 MW) trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ xem xét đưa các nhà máy điện mới và các nhà máy điện chuyển đổi hoạt động từ hạch toán  phụ thuộc EVN sang thuộc sở hữu các tổng công ty phát điện tham gia thị trường điện để nâng cao tính cạnh tranh trong thị trường điện. Các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu (Sơn La, Hòa Bình, Ialy…) không tham gia chào giá trên thị trường và được vận hành trên cơ sở phối hợp tối ưu giữa chức năng phát điện với các nhiệm vụ xã hội (chống lũ, tưới tiêu…). Các nhà máy điện khác, bao gồm: các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ, các nhà máy thủy điện có hồ chứa thủy điện có khả năng điều tiết nước dưới 1 tuần, các nguồn điện năng nhập khẩu… sẽ do Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện tính toán vận hành theo nguyên tắc tối thiểu hỏa chi phí mua điện và đảm bảo an ninh vận hành hệ thống điện.
Việc đưa thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vào vận hành là bước phát triển quan trọng của ngành điện Việt Nam, đánh dấu những bước chuyển đổi ban đầu từ cơ chế hiện tại sang cơ chế vận hành theo thị trường. Thành công của thị trường sẽ là điều kiện cần thiết, tạo tiền đề cho việc phát triển lên Thị trường bán buôn cạnh tranh và Thị trường bán lẻ cạnh tranh theo đúng Lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về lâu dài, khi thị trường điện được phát triển lên các cấp độ cao hơn, các khách hàng tiêu thụ điện sẽ có cơ hội được lựa chọn nhà cung cấp điện, cũng như được hưởng các lợi ích khác từ thị trường điện cạnh tranh.
Thông tin vận hành thị trường phát điện cạnh tranh được cập nhật trên Trang thông tin điện tử thị trường điện, địa chỉ http://www.nldc.evn.vn.
BỘ CÔNG THƯƠNG

Cùng chuyên mục

Tháng 4/2024: Petrovietnam đón nhận nhiều tin vui, hoạt động SXKD tiếp đà tăng trưởng

17/05/2024

Tháng 4 năm 2024, tổng doanh thu toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đạt 77,2 nghìn tỷ đồng, tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ, duy trì 3 tháng tăng trưởng liên tiếp. Đặc biệt, Petrovietnam đón nhiều tin vui về cơ chế chính sách, với các phát hiện dầu khí mới, lập kỷ lục về sản lượng điện/ngày…

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151