Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ năm, 16/05/2024 | 13:03 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Bản tin tiết kiệm điện ngày 29/6/2023: Doanh nghiệp “biến hoá” tiết kiệm điện trong sản xuất

29/06/2023
Báo Công Thương cập nhật tình hình triển khai phong trào tiết kiệm điện do Bộ Công Thương phát động.
Doanh nghiệp Đà Nẵng nỗ lực tiết kiệm năng lượng
Sở Công Thương TP.Đà Nẵng vừa phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ trao giải thưởng "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023" cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Thành phố, giải thưởng này nằm trong chuỗi các hoạt động của Dự án hỗ trợ kỹ thuật an ninh năng lượng đô thị Việt Nam, trong đó, có TP.Đà Nẵng do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Ban tổ chức vinh danh 10 doanh nghiệp tiêu biểu nhất về tiết kiệm năng lượng trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2023.
Đây là hoạt động góp phần triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP.Đà Nẵng giai đoạn 2020-2030, đồng thời nhằm tôn vinh và lan tỏa các điển hình doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực, giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, đặc biệt là ứng dụng năng lượng sạch hướng tới phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại lễ trao giải thưởng nói trên, bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương Thành phố nhấn mạnh thêm, trong bối cảnh TP.Đà Nẵng đang tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, bên cạnh việc khơi thông nguồn lực, khắc phục các khó khăn để phát triển tế-xã hội thì việc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố cùng chung tay tham gia tích cực trong công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trên cơ sở hồ sơ, tiêu chí và kiểm tra thực tế tình hình sử dụng tiết kiệm năng lượng tại 32 doanh nghiệp nói trên, Ban tổ chức Giải thưởng đã chọn ra và vinh danh 10 doanh nghiệp tiêu biểu nhất về tiết kiệm năng lượng hiệu quả trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2023 để khen thưởng.
Chia sẻ tại lễ trao Giải thưởng, ông Đỗ Đức Tưởng - Cố vấn cấp cao của USAID, cho biết, đây là năm thứ 2, USAID phối hợp với Sở Công Thương TP Đà Nẵng tổ chức giải thưởng này. Đáng chú ý hơn ở giải thưởng năm nay có số lượng doanh nghiệp tham gia tăng lên gấp đôi. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự ủng hộ và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng nói chung, các doanh nghiệp đạt giải thưởng tiết kiệm năng lượng nói riêng.
Ông Trần Phước Thương - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) - Đơn vị được vinh danh ở Giải thưởng tiết kiệm năng lượng năm nay, cho biết, việc tìm kiếm các giải pháp tối ưu trong công tác tiết kiệm năng lượng là một chủ trương lớn và xuyên suốt của Dawaco trong chiến lược phát triển và mở rộng quy mô sản xuất.
"Trong những năm qua, nhất là từ đầu năm 2023 đến nay, Dawaco đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, sử dụng giải pháp chuyển đổi thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao, áp dụng năng lượng tái tạo để góp phần quan trọng cho việc đảm bảo ổn định năng lượng nói riêng, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của Dawaco nói chung" - ông Thương nêu.
Doanh nghiệp Yên Bái ứng phó khi giá điện tăng mùa thiếu điện
Thực hiện Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023.
Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Tuy mức tăng này được cho là không lớn nhưng đã và đang tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp đang nỗ lực áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh.

Công ty cổ phần An Tiến Industries giảm công suất trong các giờ cao điểm để tiết kiệm điện.
Công ty cổ phần An Tiến Industries có hai nhà máy là bột đá và phụ gia nhựa với lượng điện tiêu thụ khá lớn trung bình mỗi tháng khoảng 2 triệu KW điện nên việc tăng giá điện đã tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp. Do vậy, Công ty đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm điện năng tiêu thụ. Cụ thể như tắt các bóng đèn để sử dụng ánh sáng tự nhiên tại các khu vực không cần thiết; giảm công suất trong các giờ cao điểm và điều chỉnh các đơn hàng nhưng vẫn đảm bảo tiến độ sản xuất và giao hàng.
Ông Dương Huy Bình - Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Công ty cổ phần An Tiến Industries cho biết: "Tăng giá điện là DN phải tăng thêm chi phí sản xuất. Dự tính mỗi tháng, doanh nghiệp sẽ phải chi thêm một khoản tiền cho chi phí tiền điện tăng. Trong bối cảnh lạm phát ở một số quốc gia, nhu cầu tiêu thụ giảm như hiện nay thì DN buộc phải tiết giảm chi phí. Hiện nay, đơn vị đang tiến hành nghiên cứu, lắp đặt thêm hệ thống điện mặt trời, sau khi lắp đặt xong chi phí cho tiền điện giảm khoảng 10%”.
Đối với Công ty TNHH Công nghệ Thiên Hòa, việc tăng giá điện 3% sẽ khiến mỗi năm Công ty phải chi thêm khoảng 240 triệu đồng tiền điện. Để giữ chân khách hàng, ổn định thị trường tiêu thụ và tăng sức cạnh tranh trên thị trường thì tiết kiệm điện là một giải pháp quan trọng để đơn vị bình ổn giá thành sản phẩm khi giá điện tăng.
Theo đó, trong các giờ cao điểm, thay vì vận hành hệ thống dây chuyền sản xuất công suất lớn, Công ty cho công nhân chuyển sang đóng gói sản phẩm và làm các công đoạn tốn ít điện năng; tắt các thiết bị điện khi không cần thiết và giảm việc sử dụng các thiết bị làm mát trong giờ nghỉ trưa bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa các tổ sản xuất. Nhờ đó, đơn vị đã tiết kiệm được lượng lớn điện năng tiêu thụ.
Là công ty chuyên sản xuất bột đá tại Khu công nghiệp phía Nam, Công ty cổ phần Thái Hà với rất nhiều dây chuyền, máy móc trước đây thường phải chi trả gần 400 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Không chỉ tích cực phối hợp điều tiết phụ tải với Công ty Điện lực Yên Bái, Công ty cũng đã có những giải pháp riêng để tiết kiệm điện năng như: không sản xuất vào khung giờ cao điểm; thường xuyên bảo dưỡng máy móc, dây chuyền sản xuất trước khi vào ca, 80% động cơ điện được lắp thiết bị biến tần. Với những cách thức đã và đang triển khai, Công ty giảm được khoảng 20% lượng điện năng.
Ông Trần Văn Thành - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thái Hà chia sẻ: "Ngoài ra, tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện, Công ty thu được lợi ích kép bởi vừa giảm khoảng 20 - 30% sản lượng điện, tiết kiệm chi phí vừa được hỗ trợ xử lý các sự cố điện, tư vấn giải pháp chống tổn thất điện năng”.
Người dân, doanh nghiệp Thanh Hoá chung tay tiết kiệm điện
Trước thực trạng thiếu điện sản xuất và sinh hoạt, các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân tại Thanh Hoá đã tìm nhiều cách ứng phó. Trong “cái khó ló cái khôn”, với nhiều cách giải nhiệt độc đáo, họ đang tự giác thay đổi thói quen sinh hoạt để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Với số lượng đơn hàng lớn phải thực hiện mỗi ngày, hợp tác xã thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa) quyết không thể để tình trạng cắt điện ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.
Bỏ ra hơn 50 triệu đồng để mua máy phát điện, chị Phạm Kim Ngân, giám đốc hợp tác xã, cho biết: "Một ngày hợp tác xã phải chạy máy phát 8 tiếng, tiêu tốn khoảng 30 lít dầu, tương đương chi phí khoảng 600.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, nếu không sử dụng máy phát điện thì công việc ngừng trệ, đơn hàng sẽ không được thực hiện. Khi đó, hợp tác xã không chỉ mất uy tín với đối tác, mà còn gây ra “lỗ hổng” lớn hơn về kinh tế. Vì vậy, việc chủ động đưa máy phát điện vào hỗ trợ sản xuất đã giúp hợp tác xã duy trì được các mối hàng”.
Để chung tay cùng ngành điện lực “hạ nhiệt” nguy cơ thiếu điện mùa cao điểm, người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang điều chỉnh thói quen sinh hoạt, để vừa tiết kiệm, vừa sử dụng điện hiệu quả. “Chia khó” với ngành điện, nhiều hộ dân cũng đã và đang áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), chia sẻ: “Nhà tôi đã có quy định là “ra tắt, vào mở” và hạn chế mức thấp nhất bật cùng lúc tất cả các thiết bị điện trong giờ cao điểm. Nhờ đó chi phí tiền điện của gia đình luôn được kiểm soát ở mức vừa phải và ổn định, kể cả trong những tháng mùa hè nắng nóng”.
Cùng với việc tiết kiệm điện sinh hoạt, việc hạn chế điện chiếu sáng công cộng cũng đang được nhiều địa phương quan tâm. Xã Tiên Trang (Quảng Xương) là một trong những địa phương đầu tiên sử dụng pin năng lượng mặt trời phục vụ chiếu sáng công cộng.
Theo đó, hơn 1km trục đường trung tâm của xã đã triển khai lắp đặt 24 cột đèn chiếu sáng sử dụng pin năng lượng mặt trời. Vào ban ngày, ánh sáng mặt trời được hấp thụ chuyển hóa thành điện tích vào ắc quy, dùng chiếu sáng vào ban đêm. Hệ thống cột đèn sử dụng pin năng lượng mặt trời được lắp đặt và đưa vào sử dụng, đã giúp địa phương tiết kiệm đến 90% năng lượng so với sử dụng đèn điện chiếu sáng thông thường.
Việc hình thành thói quen sử dụng điện tiết kiệm, áp dụng các mô hình sử dụng điện tiết kiệm, năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời... rất cần được khuyến khích, nhân rộng và ngày càng tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ từ thành thị đến nông thôn, từ trong mỗi gia đình đến từng người dân, doanh nghiệp theo đúng như tinh thần chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Theo Báo Công Thương 

Cùng chuyên mục

Điện mặt trời Ấn Độ tăng trưởng công suất

16/05/2024

Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã có bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực điện năng lượng mặt trời nhờ vào ứng dụng các tiến bộ về công nghệ sản xuất tấm pin. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng tăng về số lượng, quy mô và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151