PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Giá LNG là “điểm nghẽn” trong việc phát triển điện khí tại Việt Nam
Việc phát triển cung và cầu, giá cả về khí LNG như thế nào là rất quan trọng. Hiện nay, thị trường năng lượng nói chung đang gặp vướng mắc lớn nhất là về giá, đây là “điểm nghẽn” khi đầu vào thì theo giá thị trường, còn đầu ra thì theo giá điều tiết của Nhà nước.
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế Ông Ngô Trí Long cho rằng, về cầu, quan trọng đối với khí LNG chính là điện khí, cần phải tập trung phát triển. Giá cả làm sao phải phù hợp, bên cạnh tự do hóa giá cả, do thị trường quyết định, nhưng Nhà nước vẫn phải điều tiết để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, điện khí cũng không ngoại lệ. Với nhu cầu sử dụng điện hiện tại của nền kinh tế, các dự án điện dùng nhiên liệu LNG đang nổi lên là một xu thế tất yếu trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, việc sử dụng nhiên liệu LNG ở Việt Nam vẫn đang gặp những vướng mắc nhất định, đặc biệt là cơ chế giá. Giá nhiên liệu LNG đầu vào chiếm tới 70-80% giá thành điện bán ra nên nếu sử dụng nhiên liệu giá cao thì dự án khó có thể tham gia thị trường điện, do đó cần có cơ chế giá phù hợp cho thị trường LNG Việt Nam trong sản xuất điện. Vậy nên cần nghiên cứu thành lập một hay một vài trung tâm đầu mối chuyên nhập khẩu LNG cung cấp cho các nhà máy điện, đầu mối này phải được quản lý và giám sát của Nhà nước để bảo đảm tính công khai, minh bạch, chặt chẽ thị trường LNG trong nước.
Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, giá LNG tại thị trường Việt Nam được xác định dưới tác động bởi 2 yếu tố chính. Một là, giá nhập khẩu LNG từ thị trường thế giới về đến Việt Nam và chi phí tiếp nhận, tồn trữ, tái hóa, phân phối LNG trên thị trường Việt Nam. Hai là, giá nhiên liệu cạnh tranh hoặc tổng giá trị cạnh tranh tương đương.
Từ 2 yếu tố chính đó, đối với LNG cung cấp cho khách hàng điện cần có hướng dẫn cụ thể phương pháp xác định giá phát điện từ nguồn LNG bao gồm cả giá nhiên liệu và giá vận chuyển nhiên liệu cũng như phương thức chào giá và phát điện lên hệ thống điện quốc gia.
Bên cạnh đó, PSG.TS Ngô Trí Long cho biết: "Để tránh nhiều dự án điện khí bị chậm nhiều năm hoặc khó khăn không thể thực hiện được do năng lực chủ đầu tư, cần có cơ chế lựa chọn chủ đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm. Vấn đề này đã có quy định trong pháp luật về đấu thầu, nhưng hiện chưa có cơ chế đầu thầu chung để chọn chủ đầu tư. Thẩm quyền lựa chọn không thống nhất, khi thì là Chính phủ, hay giao cho bộ, khi thì giao cho tỉnh gây lúng túng cho các bên liên quan".
Do vậy, PGS. TS Ngô Trí Long đề xuất cần sớm hoàn thiện chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào dự án điện khí LNG trong nước, sớm hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy phạm của Việt Nam trong việc xây dựng kho cảng và nhập khẩu khí LNG hay xem xét giảm thuế nhập khẩu LNG và các thiết bị, máy móc xây dựng nhà máy điện; giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng xanh để thúc đẩy đầu tư.
"Trong bối cảnh hiện nay, nếu không có bảo lãnh Chính phủ vừa không có bao tiêu điện, doanh nghiệp sản xuất điện khí khó có thể triển khai các dự án đúng tiến độ và hiệu quả. Nếu không giải được bài toán trên, mọi dự án LNG không thể triển khai được", PSG.TS Ngô Trí Long nhận định.
TS. Nguyễn Hùng Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dầu khí Việt Nam: Cần phải có hành lang pháp lý, cơ chế giá cho doanh nghiệp
Thảo luận tại diễn đàn, TS. Nguyễn Hùng Dũng cho rằng: "Doanh nghiệp bao giờ cũng mong muốn có lợi ích và cũng hướng tới lợi ích và mong muốn thị trường phải được phát triển lành mạnh, bảo đảm tính công bằng. Dự án sớm đi vào hoạt động thì không những doanh nghiệp có lợi mà nhà nước cũng có thu. Ngoài ra, dự án triển khai đúng tiến độ sẽ góp phần tạo việc làm cho người dân, mang lại lợi ích không nhỏ cho địa phương".
TS. Nguyễn Hùng Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dầu khí Việt NamVề đầu tư hạ tầng kho cảng, ông Dũng cho biết, để đầu tư một kho cảng không phải rẻ, thông thường như kho ở Thị Vải khoảng 350 triệu USD, nếu đầu tư kho đấy sử dụng cho nhiều nhà máy thì giá thành sẽ giảm đi. Đầu tư đường ống từ tỉnh này sang tỉnh kia sẽ rẻ hơn nhiều so với việc giải phóng mặt bằng đầu tư hệ thống kho chứa vì chi phí đầu tư cao sẽ nâng giá thành lên.
Do vậy, ông Nguyễn Hùng Dũng cho rằng, muốn phát triển thị trường khí cần quy hoạch tổng thể, có một chiến lược dài hơi, để các doanh nghiệp chủ động, không phải chạy theo. Bởi vì đầu tư mà không khai thác, rất nhiều nhà đầu tư như thế thì nguồn lực xã hội bị mất đi, kinh tế bị ảnh hưởng.
Đơn cử như Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, dự kiến Tổ máy số 1 chạy vào tháng 5/ 2024, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hợp đồng mua bán điện, nếu hợp đồng mua bán điện chưa có thì khí cũng không bao giờ bán được.
Ngoài ra, cũng theo ông Dũng, khi chưa có hợp đồng đầu ra, thì các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng không dám cho vay. Nhự vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp đầu tư.
Do đó, ông Nguyễn Hùng Dũng đề nghị cần phải có cơ chế rõ ràng, có chính sách để bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư, bảo đảm dự án triển khai được thì phải có hành lang pháp lý, có cơ chế giá cho doanh nghiệp.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế: Không có quy hoạch sẽ không có thị trường điện khí
Thảo luận tại diễn đàn, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, khi nói đến điện khí thì phải nói đến quy hoạch. Không có quy hoạch thì không thể phát triển được. Cơ sở hạ tầng là rất quan trọng để phát triển điện khí, nó liên quan đến cả cảng nước sâu, phải có các quy chuẩn quốc tế. Cam kết bao tiêu điện đầu ra cũng đang là trở ngại đối với các dự án điện khí.
PGS.TS Đinh Trọng ThịnhTrong Quy hoạch điện VIII đã phê duyệt, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là 150.000-160.000 MW, gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay. Như vậy, bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 là thách thức rất lớn, bởi vừa phải tăng rất nhanh về quy mô, vừa phải chuyển đổi mạnh về cơ cấu để tiệm cận mục tiêu trung hòa carbon và phát triển cân đối các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã xác định nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG sẽ tăng tỷ trọng nguồn điện khí năm 2020 từ 10,2%, tương đương 7GW, lên 32GW năm 2030, chiếm 21,8% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia. Đây sẽ là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.
Về mặt lợi thế, nhiệt điện khí có công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, tương đối thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Đặc biệt, nhiệt điện khí sẽ kịp thời bổ sung nguồn điện khi các nhà máy điện năng lượng tái tạo không ổn định, hoặc không thể phát điện do thời tiết. Chính vì vậy, điện khí LNG được xem là một trong những giải pháp quan trọng và xu hướng tất yếu trong chính sách bảo đảm an ninh năng lượng. Đặc biệt trong bối cảnh việc khai thác các nguồn tài nguyên truyền thống của Việt Nam như thủy điện, than, dầu khí đang trên đà suy giảm.
Quy hoạch điện VIII xác định đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG, có tổng công suất 22.400MW và đến năm 2035 xây thêm 2 nhà máy với công suất 3.000MW. Tính đến thời điểm hiện tại, có 13 dự án điện LNG được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 5 dự án đang triển khai, 4 dự án đã tìm được nhà đầu tư, 4 dự án còn lại đang được các địa phương lựa chọn nhà đầu tư.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để thực hiện 1 dự án điện khí LNG mất trên 8 năm. Như vậy, khó có thể hoàn thành kế hoạch xây dựng 13 nhà máy điện khí LNG đến năm 2030. Do đó, muốn phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách.
Trước hết, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển.
Thứ hai, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện. Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Thứ ba, về phát triển hạ tầng cần phải đầu tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn, vừa bảo đảm an toàn tuyệt đối cho an ninh kho cảng. Đồng thời cần xây dựng hệ thống tồn trữ và phân phối LNG, xây dựng các cơ sở tái khí hóa từ LNG tại các khu vực tiêu thụ.
Thứ tư, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng cần phải đầu tư xây dựng kho cảng LNG, cần giao UBND các tỉnh, thành phố tập trung đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính.
Thứ năm, đối với các đề xuất, kiến nghị của các địa phương về giải quyết các vướng mắc liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, môi trường, hạ tầng truyền tải, thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận mua bán điện..., Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và địa phương để kịp thời xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết.
Thứ sáu, cần hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG quy mô hàng tỷ USD. Cần rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư ở các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch... nhằm tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG.
TS. Vũ Đình Ánh chuyên gia kinh tếTS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế: Thị trường LNG cần vận hành theo cơ chế thị trường
Trong phần thảo luận, TS. Vũ Đình Ánh chia sẻ có ý kiến cho rằng, Việt Nam sẽ được lựa chọn là điểm trung chuyển khí của khu vực Đông Nam Á. Như vậy, tính toán và quy hoạch về phát triển điện khí cần phải đặt trong bối cảnh chung đó của thế giới và khu vực. Thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân vãng lai, can thiệp sâu vào tỷ giá là điều mà Mỹ theo dõi, Việt Nam cũng phải tránh những điều này.
Như vậy, khí có thể là lĩnh vực mà Việt Nam nhập khẩu để giúp làm giảm bớt thâm hụt cán cân thương mại tự do. "Mấu chốt chúng ta phải vận hành theo cơ chế thị trường, cạnh tranh với cả khu vực. Thị trường điện khí cũng không ngoại lệ. Nên, mọi quy hoạch, kiến nghị về điện khí tôi cho rằng cũng cần phải đặt trong bối cảnh chung, phải lường trước được những biến động (nếu có) trong tương lai", TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.